banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Vai trò của Công đoàn cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị
Cập nhật lúc 10:53 ngày 09/04/2016

Vai trò của một tổ chức là sự tác động của tổ chức đó đến tiến trình phát triển của lịch sử và cách mạng, được phản ảnh trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng mà tổ chức đó tồn tại và phát triển.

 

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của công đoàn Việt Nam ngày càng được mở rộng. Thể hiện qua:

Thứ nhất: Công đoàn coi trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở (CĐCS), đi sâu vào đời sống CNVCLĐ nắm vững tâm tư, nguyện vọng của họ; quan tâm đến vấn đề tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường.

Thứ hai: Công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, kiến thức pháp luật cho CNVCLĐ. Nền kinh tế thị trường có nhiều ưu điểm, nhưng cũng là “mảnh đất” làm nảy sinh những tiêu cực xã hội. Vì thế, Công đoàn cần phát huy vai trò của mình trong việc giáo dục CNVCLĐ nâng cao lập trường giai cấp, lấy chủ nghĩa Mác -Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động; nâng cao ý thức chính trị, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, cảnh giác trước những âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tích cực học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình, tồn tại và phát triển trong kinh tế thị trường, phát huy những giá trị cao đẹp, truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp thu những thành tựu tiên tiến của văn minh nhân loại. Đó là những yếu tố quan trọng làm cho vai trò của Công đoàn ngày càng mở rộng và phát triển.

Thứ ba: Công đoàn thực sự là người đại diện của CNVCLĐ, thúc đẩy sự phát triển và ổn định xã hội. Công đoàn chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp với nhà nước nhằm thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi bên, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp của CNVCLĐ.

Ngày nay, Công đoàn không chỉ với tư cách là tổ chức đại diện của CNVCLĐ mà đã trở thành một trong những tổ chức chủ yếu có vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý sản xuất xã hội chủ nghĩa. Hoạt động  kiểm tra của CNVCLĐ cũng như việc Công đoàn đại diện người lao động tham gia vào quá trình kiểm tra là cơ sở của chức năng tham gia quản lý kinh tế - xã hội của công đoàn.

Ở chế độ ta, mục tiêu chính trị của Đảng chính là mục tiêu chính trị của Công đoàn. Do đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam không phải là đối trọng của Nhà nước mà hoạt động theo phương thức phối hợp cùng hoàn thành một mục tiêu chung, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Từ quan điểm và nhận thức đó, việc góp phần thiết thực hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị chính là thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn thông qua việc thực hiện 3 chức năng: Chức năng bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; chức năng giáo dục; chức năng tham gia quản lý Nhà nước. Các chức năng này là một thể thống nhất, có mối quan hệ khắng khít nhau. Trong đó, chức năng bảo vệ lợi ích của CNVCLĐ là chức năng trung tâm, là mục tiêu hoạt động của Công đoàn. Chức năng tham gia quản lý là phương tiện để đạt mục tiêu; chức năng giáo dục tạo động lực để đạt mục tiêu.

 D.Thành Trung