banner2019
 
Thứ hai, ngày 12 tháng 05 năm 2025
Thứ hai, ngày 12 tháng 05 năm 2025
Người lao động và doanh nghiệp sẽ đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% tiền lương tháng
Cập nhật lúc 01:47 ngày 12/05/2025
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội đề xuất người lao động và doanh nghiệp sẽ đóng bảo hiểm thất nghiệp với mức tối đa là 1%, thay vì cố định mỗi bên là 1% như hiện nay. Chính phủ sẽ quy định cụ thể mức đóng, và áp dụng đối với tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp...
Theo đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động tối đa bằng 1% tiền lương tháng. Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị quy định cụ thể điều kiện và thời điểm điều chỉnh mức đóng. Có ý kiến đề nghị xem xét bỏ từ “tối đa” để tránh cách hiểu có thể đóng dưới 1%.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị giữ mức đóng bảo hiểm thất nghiệp như quy định hiện hành, và tập trung bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động. Song cũng có ý kiến đề nghị bổ sung mức đóng tối thiểu của người lao động và người sử dụng lao động.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định đóng “tối đa” không có nghĩa là người sử dụng lao động, người lao động lựa chọn mức đóng, mà mức đóng này sẽ được Chính phủ quy định cụ thể và áp dụng đối với tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp. Căn cứ vào kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo từng thời kỳ.
Ngoài ra, trong quá trình góp ý vào dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị bổ sung và quy định chi tiết hơn đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, dự thảo Luật quy định Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, và giao Chính phủ quy định mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước chuyển vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, kinh phí này không phải để hỗ trợ trực tiếp đối tượng, mà sẽ được chuyển vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi cần thiết. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính bền vững của Quỹ, duy trì hoạt động bộ máy thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng "tối đa 1%" cho cả người lao động và doanh nghiệp, thay vì cố định như hiện nay, là một bước đi quan trọng nhằm tăng tính linh hoạt cho chính sách.
Việc Nhà nước tiếp tục hỗ trợ quỹ cũng là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ và minh bạch trong việc xác định mức đóng cụ thể để đảm bảo quyền lợi hài hòa cho các bên và duy trì sự ổn định, tin cậy của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Phương Mai - Nguyễn Hằng (nguồn: laodongcongdoan.vn)