banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin ngày 18/11
Cập nhật lúc 07:28 ngày 19/11/2016

Trên hầu hết các báo ra ngày 18/11 nóng các vấn đề trả lời chất vấn trước Quốc hội của Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có 130 phút trả lời chất vấn trước Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn với 4 vị Bộ trưởng trong 2 ngày trước đó như: Đánh giá các dự án thua lỗ lớn; Xử lý trách nhiệm các sự cố ô nhiễm môi trường; Công tác luân chuyển, bổ nhiêm cán bộ... Thủ tướng Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn đã khép lại phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV.

Trước đó, với những câu hỏi rất gai góc của đại biểu Quốc hội, bốn vị Bộ trưởng trên 4 lĩnh vực lần lượt trả lời trên tinh thần thẳng thắn, không né tránh trách nhiệm. Phiên chất vấn đầu tiên này có nhiều nội dung đã được lật đi lật lại trong các phiên chất vấn trước đây như chống buôn lậu, chống tham nhũng, thủy điện xả lũ, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, chương trình cải cách giáo dục, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương... Nhưng cũng có những nội dung mới, thời sự được cập nhật, đưa vào chương trình chất vấn, như chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô; đánh giá các dự án, nhà máy thua lỗ kém hiệu quả; xử lý trách nhiệm với các dự án để xảy ra sự cố môi trường; đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp; công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...

Nhà báo & Công luận 18/11 nhấn mạnh: Cử tri và đại biểu Quốc hội khá hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Sau rất nhiều những câu hỏi xung quanh vấn đề về siêu dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc phê duyệt dự án? Có hay không chuyện Bộ chạy theo doanh nghiệp để làm dự án, bất chất việc hủy hoại môi trường và đánh đổi cuộc sống của người dân? Phải chăng Việt Nam đang thiếu chiến lược phát triển hàng tiêu dùng, máy nông nghiệp?... Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã bình tĩnh, lưu loát trả lời rõ ràng và cụ thể, giải đáp thắc mắc của đại biểu. Dù mới nhậm chức được 7 tháng nhưng Bộ trưởng nắm bắt nhiệm vụ khá tốt và sẵn sàng đưa ra các giải pháp thiết thực cho các vấn đề quan trọng.

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau 2 ngày rưỡi làm việc tích cực và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành các nội dung phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2. Tổng cộng có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; trong đó, có hơn 20 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, có hơn 35 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tranh luận. Chủ tịch Quốc hội cũng  có yêu cầu, giao nhiệm vụ đối với từng lĩnh vực cụ thể, như: Công Thương, Tài nguyên môi trường, Giáo dục, Nội vụ.

Trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhiều đại biểu quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng nghiêm khắc phê phán trước Quốc hội và cử tri cả nước đối với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đã có những sai phạm, khuyết điểm trong công tác tổ chức, cán bộ thời gian đảm nhiệm chức vụ trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Đề nghị Bộ Công an điều tra dự án xơ sợi Đình Vũ; Petrolimex mua hơn 3,1 triệu m3 xăng dầu từ Dung Quất; Thủy điện Hố Hô bị phạt hơn 115 triệu đồng. 

Thông tin cụ thể như sau:                                                

1. Đề nghị Bộ Công an điều tra dự án xơ sợi Đình Vũ. 

Báo Tiền phong phản ánh: Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho rằng, quá trình thực hiện đầu tư Dự án nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyeste Đình Vũ (Hải Phòng) có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu; ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Cùng với kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền gần 55 tỷ đồng và hơn 23.000 USD, TTCP đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý những dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự xảy ra tại dự án nghìn tỷ này.

Theo TTCP, bên cạnh nguyên nhân khách quan do yếu tố thị trường, thì quá trình thực hiện dự án, các đơn vị đã không thực hiện hết trách nhiệm được giao khiến dự án có hiệu quả yếu kém, trong đó PVTex, PVN, Vinatex và các đơn vị, cá nhân liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm vi phạm. TTCP đánh giá: “Do chủ đầu tư thiếu năng lực, kinh nghiệm, có phần buông lỏng quản lý, dẫn đến việc lập hồ sơ mời thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả trúng thầu và ký kết thực hiện hợp đồng không chặt chẽ, chưa rõ ràng, nhiều điều khoản mâu thuẫn và không được thực hiện trong thực tế như: thay đổi xuất xứ, chi phí chạy thử, xử phạt chậm tiến độ, phát sinh tranh chấp khó giải quyết gây thiệt hại về kinh tế chưa thể xác định được”.

2. Petrolimex mua hơn 3,1 triệu m3 xăng dầu từ Dung Quất. 

Theo Petrolimex, thực hiện chương trình vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nên năm 2016, tập đoàn đã hợp tác và tiêu thụ xăng dầu sản xuất trong nước. Ước tính cả năm, sản lượng xăng dầu mà tập đoàn mua từ Nhà máy lọc Dầu Dung Quất vào khoảng 3,1%, chiếm khoảng 38% tổng sản lượng nhập mua phục vụ nhu cầu nội địa của tập đoàn và đạt 97% kế hoạch mà tập đoàn đã ký. 

Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu vận chuyển xăng dầu ở khâu nội địa, Petrolimex cũng ký hợp đồng vận chuyển với Tổng công ty đường sắt Việt Nam với sản lượng ước đạt cả năm vào khoảng 165 nghìn m3 và gần 60 triệu m3km. Tổng cước vận chuyển vào khoảng 40 tỷ đồng.

3. Thủy điện Hố Hô bị phạt hơn 115 triệu đồng. 

Thanh tra Bộ TN&MT vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) với tổng số tiền phạt hơn 115 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm nói trên bao gồm: Không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa theo quy định; không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình; thực hiện không đúng quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước; không thực hiện vận hành hồ đảm bảo dòng chảy tối thiểu sau công trình; không thực hiện chế độ báo cáo về kết quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)