banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 8/11
Cập nhật lúc 07:58 ngày 08/11/2016

Đưa tin, phản ánh về một số vấn đề “nóng” của ngành Công Thương, ngày 8/11, báo chí tập trung đăng tải nội dung Tổ công tác của Bộ Công Thương hoàn tất công việc rà soát tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Kết quả cho thấy, ông Vũ Đình Duy vắng mặt tại cơ quan từ ngày 24/10/2016, với 3 đơn cáo ốm.

Báo chí phản ánh, nhấn mạnh nội dung báo cáo: Hiện tổ kiểm tra đang tập hợp dữ liệu để báo cáo Bộ trưởng xon phương án xử lý tiếp theo. Trước mắt, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Vinachem tiến hành làm rõ việc chấp hành kỷ luật lao động của ông Duy theo quy định của pháp luật; báo cáo Bộ Công Thương xem xét tiến hành quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Duy.

Vụ khảo sát nước mắm: Kiểm tra Vinastas lộ ra nhiều vi phạm cũng được báo chí quan tâm đăng tải. Thông qua kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) được Bộ Công Thương phát ra, ngày 8/11, trên nhiều tờ báo đã đăng tải nội dung Bộ Công Thương khẳng định, kết quả kiểm tra cho thấy việc khảo sát nước mắm của Vinastas là không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch.

Căn cứ kết quả kiểm tra và các đánh giá nêu trên, Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vinastas cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, giao Bộ Nội vụ xác minh, làm rõ tư cách pháp lý của Vinastas trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong quá trình hoạt động của Vinastas. Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm của Vinastas theo quy định pháp luật.

Thông tin từ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV cũng được báo chí quan tâm đăng tải.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, xác định rõ các mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu gắn với tăng trưởng kinh tế

Thảo luận tại hội trường sáng cùng ngày về dự án Luật Quản lý ngoại thương, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận xétDự luật Quản lý Ngoại thương ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả. Ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn bày tỏ mối lo ngại khi dự thảo luật trao quyền quyết định cho Bộ Công Thương trong rất nhiều trường hợp nhưng không kèm theo bất kỳ căn cứ hay tiêu chí nào. Ông Lộc lo ngại điều này rất có thể dẫn tới sự lạm quyền.  Ông Lộc cũng cho rằng có sự không minh bạch khi dự thảo đưa ra nhiều loại giấy phép mới nhưng chỉ quy định duy nhất về cơ quan có thẩm quyền cấp phép là Bộ Công Thương.

Đáp lại những mối lo ngại của các đại biểu Quốc hội, trong phần giải trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến, các nguyên tắc này sẽ công khai, tránh tình trạng lạm dụng cơ chế quyền lực tập trung vào các cơ quan quản lý Nhà nước.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh:FTA giúp giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc; Dự kiến cho thương lái Trung Quốc kinh doanh ở chợ biên giới Việt Nam; Bộ Công Thương yêu cầu bình ổn thị trường Tết Đinh Dậu 2017.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. FTA giúp giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc. Nhập siêu từ Trung Quốc vốn là mối lo lâu nay khi gây khó cho nền kinh tế. Bức tranh có vẻ bắt đầu thay đổi khi một số hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, với cam kết mở cửa thị trường, loại bỏ phần lớn thuế nhập khẩu, từng bước giúp Việt Nam giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nỗ lực giảm nhập siêu, tiến tới dần cân bằng cán cân thương mại từ thị trường Trung Quốc là chủ trương lớn và là một trong những hoạt động trọng tâm của Bộ Công Thương thời gian qua. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường xúc tiến thương mại để tăng xuất khẩu sang thị trường này.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 29%, nhưng trong 10 tháng qua đã giảm 1,2% so với cùng kỳ. Theo giới chuyên gia, dưới sức ép của nguyên tắc xuất xứ, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ phát triển. Như vậy, khả năng xuất khẩu của ta vừa tăng lên, đồng thời nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm đi, giảm dần tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam, hướng dần tới sự cân bằng thương mại giữa hai nước.

2. Dự kiến cho thương lái Trung Quốc kinh doanh ở chợ biên giới Việt Nam. Bộ Công Thương mới ban hành dự thảo thông tư về thương mại biên giới, trong đó có quy định, căn cứ nhu cầu của thị trường địa phương và khả năng bố trí địa điểm kinh doanh trong chợ biên giới, Sở Công Thương tỉnh biên giới sẽ quyết định số lượng thương nhân Trung Quốc được kinh doanh tại chợ biên giới. Thương nhân và cư dân biên giới Trung Quốc  kinh doanh tại chợ biên giới phải đăng ký. Để được vào chợ kinh doanh phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận với ban quản lý chợ cấp giấy phép kinh doanh, giấy thông hành biên giới... 


3. Bộ Công Thương yêu cầu bình ổn thị trường Tết Đinh Dậu 2017. Trên nhiều báo ra ngày hôm nay đăng tải thông tin, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Theo đó, Bộ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá sát nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hoặc tồn ứ hàng hóa sau Tết; thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các Sở, Ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ; tổ chức các hội chợ thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn dịp giáp Tết để cung cấp và giới thiệu đến người dân những nguồn thực phẩm sạch, an toàn. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)