banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 7/11
Cập nhật lúc 05:49 ngày 07/11/2016

Trong ngày hôm nay 07/11, báo chí tiếp tục tập trung đăng tải các vấn đề quan trọng được các đại biểu Quốc hội Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV thảo luận tại hội trường ngày 07/11.

Theo chương trình làm việc, hôm nay 7/11, Quốc hội sẽ xem xét 4 dự án luật, trong đó có Luật Quản lý Ngoại Thương. 4 dự án sẽ được Quốc hội xem xét trong ngày 7/11/2016, gồm dự án Luật Chuyển giao Công nghệ (sửa đổi); dự án Luật Quản lý Ngoại thương; dự án Luật Du lịch (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý, Sử dụng Vũ khí, Vật liệu nổ và Công cụ hỗ trợ.

Sáng 7/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến lần đầu tiên về dự thảo Luật Quản lý ngoại thương. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, điều chỉnh hoạt động ngoại thương; tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế. Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần hoàn thiện chính sách phát triển ngoại thương, tạo lập chính sách phòng vệ thương mại linh hoạt và phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động ngoại thương, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát sự phù hợp của dự án Luật với Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; công khai, minh bạch danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác; luật hóa tối đa các quy định của các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn; giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định chi tiết...

Giải trình làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định về các biện pháp quản lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngoại thương hàng hóa và các biện pháp phát triển ngoại thương, dự thảo không điều chỉnh và mở rộng sang các lĩnh vực khác đã được điều chỉnh hoặc nêu cụ thể trong Luật Thương mại 2005.

Bộ trưởng nêu, trên thực tế, phạm vi điều chỉnh này rất rộng, đồng thời đã có kế hoạch tiếp tục xây dựng luật mới thay thế Luật Thương mại 2005 để bảo đảm độ phủ, điều chỉnh các hoạt động khác liên quan tới xuất nhập khẩu hàng hóa và thương mại dịch vụ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định quan điểm xây dựng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường hướng tới doanh nghiệp để phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp không mâu thuẫn với tên gọi của dự thảo là Luật Quản lý ngoại thương. Dự thảo Luật chỉ xác định những hiệu quả chung của quản lý nhà nước, phù hợp với thương mại quốc tế, phù hợp với quy định WTO mà Việt Nam có cam kết và là thành viên, theo tinh thần xây dựng môi trường công khai, minh bạch, một Chính phủ liêm chính và kiến tạo.

Bộ trưởng cho biết, các ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật tiếp tục trình Quốc hội xem xét.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh:Xuất khẩu gạo khó đạt kế hoạch năm 2016; Sabeco bị đề nghị truy thu gần 2.500 tỷ đồng tiền thuế; EVN nợ gần nửa triệu tỉ đồng; Ô tô phải là ngành kinh doanh có điều kiện;

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Xuất khẩu gạo khó đạt kế hoạch năm 2016. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu cả nước tháng 10 ước đạt 368.000 tấn, với giá trị khoảng 164 triệu USD. Còn tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo cả nước ước đạt 4,2 triệu tấn với giá trị 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Dù đã hạ mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm từ 6,5 triệu tấn xuống mức 5,65 triệu tấn, xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay được dự báo vẫn khó hoàn thành kế hoạch khi thị trường nhập khẩu tới thời điểm hiện tại vẫn khá trầm lắng. 


2. Sabeco bị đề nghị truy thu gần 2.500 tỷ đồng tiền thuế. Theo nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động, kiểm tra, chống thất thu ngân sách với Cục thuế TP HCM, Thanh tra Chính phủ đề nghị truy thu nộp bổ sung ngân sách số thuế phát sinh tăng phát hiện qua thanh tra từ năm 2010 đến 2014 của Sabeco gần 2.480 tỷ đồng.


Đây là khoản tiền do thay đổi giá tính thuế từ Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sang Công ty cổ phần Thương mại khu vực của Sabeco. Thanh tra Chính phủ cho biết, số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đề nghị truy thu lần này đã trừ số kiến nghị truy thu năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước. 

3. EVN nợ gần nửa triệu tỉ đồng. Tập đoàn Điện lực VN (EVN) công bố khoản lỗ lên tới hơn 700 tỉ đồng, phần nhiều do chênh lệch tỉ giá. Các chuyên gia cho rằng không thể chỉ vì lỗ tỉ giá mà tăng giá điện.


Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm vừa được EVN công bố cho thấy EVN đạt gần 131.000 tỉ đồng doanh thu, tăng hơn 19.200 tỉ so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chi phí tài chính tăng từ 7.681 tỉ năm 2015 lên gần 15.500 tỉ đồng, khiến EVN lỗ.

Theo nhiều chuyên gia, chỉ độc lỗ tỉ giá vài trăm tỉ thì EVN khó đủ thuyết phục để tăng giá mà phải xem tổng hòa các yếu tố đầu vào khác. EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỉ giá.

4. Ô tô phải là ngành kinh doanh có điều kiện. Trong dự án luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cách đây hơn 1 tuần, Chính phủ đề nghị bổ sung có thêm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các chuyên gia cho rằng đề xuất trên là hết sức cần thiết trong việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng cũng như xây dựng ngành công nghiệp ô tô.


Đưa ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết, nhưng liệu VN có cơ hội để xây dựng ngành công nghiệp ô tô hay không vẫn là câu hỏi gây tranh cãi. Bởi thực tế dù đã được đặt ra từ những năm 1990 nhưng tới tận lúc này, kết quả chúng ta đạt được vẫn hết sức khiêm tốn. Đó cũng là lý do nhiều người phản đối chính sách bảo vệ ngành ô tô trong nước. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thời điểm hiện tại VN đang hội tụ các yếu tố cần và đủ để thực hiện chiến lược xây dựng ngành công nghiệp ô tô trong nước.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)