banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 3/11
Cập nhật lúc 05:43 ngày 03/11/2016

Trong ngày hôm nay 3/11, báo chí tiếp tục tập trung đăng tải các vấn đề quan trọng được các đại biểu Quốc hội Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV thảo luận tại hội trường ngày 2/11 và 3/11.

 

Thảo luận về tình hình KT-XH 2016, kế hoạch 2017 và giai đoạn 2016-2020, cùng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh sự ủng hộ và tin tưởng với những thay đổi trong cách điều hành và phương châm hành động của Chính phủ. Chính phủ cần quyết liệt trong việc tái cơ cấu kinh tế, siết chặt quản lý, kỷ cương để mới tạo ra đột phá trong phát triển và tăng cường lòng tin của người dân. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn, bức xúc về bộ máy cán bộ, công chức vẫn ì ạch, chậm chạp, còn tình trạng nhũng nhiều người dân, doanh nghiệp.

Tại phiên thảo luận, vấn đề về sự cố Formosa cũng được nhiều đại biểu đưa ra ý kiến, báo chí dẫn ý kiến của đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình): “Đến nay chưa ai đứng ra để nhận trách nhiệm về vấn đề xả thải của Formosa, chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước đối với vấn đề Formosa trong đó có 58 lỗi kỹ thuật, biểu hiện của sự gian dối. Những vấn đề Formosa nhất định phải làm rõ, minh bạch, nghiêm túc”.

Trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng nay 3/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đang phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra lại những dấu hiệu vi phạm, trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ việc Formosa xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng vùng biển 4 tỉnh miền Trung.

Vấn đề giải quyết điểm nghẽn về đất đai, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế để giảm sức ép lên môi trường cũng là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận.

Đáng chú ý là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sáng nay 3/11, với hàng loạt các "điểm nóng" được đề cập. 

Khẳng định tiếp thu và ghi nhận tất cả những đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương đi thẳng vào 5 đại dự án có quy mô 30.000 tỷ đồng đang trong tình trạng "tắc nghẽn", hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ và thậm chí có nguy cơ phá sản. Không hề né tránh vấn đề, người đứng đầu Bộ Công Thương thừa nhận rằng, “không chỉ có 5 dự án này mà còn một số dự án khác cũng còn tiềm ẩn nguy cơ và tồn đọng các vướng mắc mà nếu không tháo gỡ kịp thời thì sẽ có khả năng rơi vào tình trạng kém hiệu quả, gây nguy cơ mất vốn đầu từ nguồn lực của Nhà nước và từ nguồn lực xã hội”.

Báo Dân trí nhấn mạnh, bài trình bày của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận được sự "hoan nghênh" của hầu hết đại biểu Quốc hội đứng lên tranh luận. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đánh giá cao về sự thẳng thắn của người đứng đầu ngành Công Thương khi chỉ ra rằng "ngoài 5 dự án thua lỗ lớn đã đề cập thì cũng có một số dự án khác".

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: PVN xúc tiến việc nhập khẩu 15 triệu tấn than/năm;  Không điều chỉnh giá bán lẻ điện trong cả năm 2016; Xung quanh việc tiêu thụ thanh long: “Người Việt giành giật thị trường, thương lái nước ngoài hưởng lợi”; Vấn đề về ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy Alumin Lâm Đồng. 

Thông tin cụ thể như sau:                                  

1. PVN xúc tiến việc nhập khẩu 15 triệu tấn than/năm. 

Trên nhiều bài báo đăng tin, để đảm bảo cho ba dự án nhiệt điện rất lớn ở ĐBSCL mà Tập đoàn Dầu khí (PVN) làm chủ đầu tư có thể đi vào vận hành từ nay đến 2020, PVN đã làm việc với 7 đối tác nước ngoài để nhập khẩu 15 triệu tấn than/năm.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, PVN được giao quản lý đầu tư và vận hành các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu gồm Long Phú 1 (công suất 1.200MW), Sông Hậu 1 (1.200MW) và Long Phú 3 (1.800MW). Ba nhà máy nhiệt điện có tổng nhu cầu sử dụng than khoảng 12 triệu tấn/năm.

Việc ký hợp đồng nguyên tắc và tự tìm kiếm các nguồn than ở nước ngoài của PVN diễn ra trong bối cảnh TKV hiện đang tồn kho than sản xuất trong nước mỗi ngày một lớn, năm sau cao hơn năm trước trong khi bị khống chế số lượng xuất khẩu không quá 2 triệu tấn/năm.

2. Không điều chỉnh giá bán lẻ điện trong cả năm 2016. 

Sau cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ hôm 1/11, Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ chỉ đạo không tăng giá bán lẻ điên từ nay đến cuối năm. Nếu điều này được thực hiện thì cả năm 2016, giá bán lẻ điện không tăng lần nào.

Bộ Công Thương cho biết, để giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,81% đến dưới 2% từ nay đến cuối năm theo mục tiêu đề ra, Chính phủ chỉ đạo công tác điều hành giá trong những tháng còn lại phải được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ. Áp lực từ nay đến cuối năm là nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ Tết, diễn biến thất thường của thời tiết tác động đến giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu có xu hướng hồi phục. Ngoài ra, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công và độ trễ của chính sách tín dụng dự kiến cũng sẽ có tác động đến tình hình lạm phát.

Do đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Công Thương giữ ổn định giá bán lẻ điện từ nay đến cuối năm để hạn chế tác động đến lạm phát. Như vậy, trong cả năm 2016, giá bán lẻ điện đã không tăng một lần nào. Chỉ có giá bán buôn điện bình quân tăng hồi tháng 5-2016 nhưng không tác động đến giá bán lẻ điện.

3. Xung quanh việc tiêu thụ thanh long: “Người Việt giành giật thị trường, thương lái nước ngoài hưởng lợi”. 

Bài viết phản ánh trên báo Nông thôn ngày nay cho biết: Nhà vườn ở Long An, Bình Thuận, Tiền Giang trồng thanh long nhiều năm nay, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Riêng ở Long An, với diện tích khoảng 7.500ha, trong đó có khoảng 5.000ha là thanh long ruột đỏ, thị trường Trung Quốc tiêu thụ gần như hầu hết sản lượng sản xuất ra tại đây. Thế nhưng lượng thanh long này chủ yếu xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch và bị thương lái Trung Quốc ép giá bởi các thương lái người Việt. Nguyên nhân là do “thương lái Việt “làm loạn”, thương lái Trung Quốc hưởng lợi”.

Theo ông Nguyễn Thân Ái – Giám đốc Công ty Hương vị trái cây Việt (huyện Châu Thành, Long Anh), hiện nay Tây Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Long nhà vườn cũng đang ồ ạt trồng thanh long. Do trái cây này chủ yếu xuất khẩu nên chúng tôi rất cần sự quy hoạch ở tầm quốc gia chứ không phải từng tỉnh, từng huyện như hiện nay. Tôi không thể biết được nhu cầu của thị trường bao nhiêu là vừa. Ngoài ra, cần có một hiệp hội hoặc tổ chức đủ mạnh, có chế tài để xóa bỏ tình trạng bát nháo của thị trường, không để thương lái Trung Quốc lợi dụng và thao túng như hiện nay. 

4. Vấn đề về ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy Alumin Lâm Đồng. 

“Hóa giải nỗi lo ô nhiễm môi trường”: Tìm cách chặn đứng mùi hôi là bài viết dài kỳ được báo Tuổi trẻ đăng tải ngày 3/11.

Theo nội dung bài viết, hơn 120 hộ dân sống xung quanh nhà máy alumin Lâm Đồng không dám dùng nước giếng cho những sinh hoạt của gia đình, phải đi chở nước từ những nơi khác về sử dụng. Lo lắng về tình trạng ô nhiễm, người dân ở khu vực này đều xin được dời ra khỏi khu vực sản xuất bôxit, nhất là chỗ gần nhà máy alumin, nhưng nhiều lần vẫn chưa được. Các hộ dân này cũng đã có đơn gửi Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường của nhà máy.

Trong cuộc họp dân sống quanh nhà máy alumin vào giữa tháng 9/2016, ông Tường Thế Hà - Phó tổng Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng - thừa nhận: “Về môi trường thì thông số quan trắc có lúc vượt nhưng chúng tôi đã và đang cải tiến công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm”.

Trước khi triển khai dự án này vào năm 2006, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bảo Lâm và Ban quản lý dự án bôxit Tân Rai đã cam kết sẽ tổ chức đưa người dân ra khỏi khu vực sản xuất alumin, cách ít nhất khoảng 2km. Nhưng nhà máy đã hoạt động được bốn năm nhưng người dân vẫn không thấy nhắc đến chuyện di dời trong khi sức khỏe, đời sống của hàng trăm hộ dân khu vực này đang bị đe dọa.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)