banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Quyền công đoàn của người lao động và hiện thực hóa quyền này - Kinh nghiệm của thế giới và thực tiễn Việt Nam hiện nay
Cập nhật lúc 07:28 ngày 01/11/2016

Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc năm 1948, đã nêu nội dung cơ bản là: “Mọi người đều có quyền thành lập hoặc gia nhập công đoàn để bảo vệ các quyền lợi của mình”.

 

Quyền công đoàn của người lao động trên thế giới - từ thừa nhận đến thực hiện 

Quyền công đoàn của người lao động là vấn đề được đề cập đến dưới nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau và cũng đã được quy định trong các văn bản pháp lý mang tính quốc tế cũng như trong hệ thống pháp luật của các quốc gia. Trên thế giới, quyền công đoàn đã được ghi nhận là một quyền cơ bản của người lao động, là một trong những nội dung của quyền con người. Công đoàn, về lịch sử là sự phản ánh mâu thuẫn và cuộc đấu tranh về lợi ích và quyền giữa người lao động và người sử dụng lao động ngay từ buổi ban đầu của chế độ tư bản chủ nghĩa. 

Trong giai đoạn tích lũy nguyên thủy, chủ tư bản để có được giá trị thặng dư đã thực hiện bóc lột tối đa đối với người lao động. Các biện pháp như kéo dài thời gian lao động, tăng cường độ lao động, thuê mướn lao động trẻ em giá rẻ, môi trường làm việc tồi tệ, cố gắng hạ thấp tiền lương… đã làm cho đời sống của người lao động vô cùng khó khăn, mâu thuẫn chủ - thợ ngày càng gay gắt. Nhiều hành động phản kháng của công nhân đã diễn ra chủ yếu bằng các hình thức như đập phá máy móc, đốt nhà xưởng, đánh đập chủ nhà máy… Tất nhiên hành vi phản kháng này đều bị giới chủ đàn áp.

Quần chúng công nhân trong đấu tranh, dần ý thức được tầm quan trọng của việc liên kết lại với nhau để chống lại sự đàn áp của giới chủ. Hình thức ban đầu của tổ chức công đoàn là tổ chức giúp đỡ lẫn nhau do công nhân tự thành lập, như các tổ chức bí mật “Hội tương trợ”, “Hội huynh đệ”, “Hội hữu nghị”... 

Mặc dù bị chế độ tư bản chủ nghĩa cấm đoán và đàn áp song phong trào công nhân và công đoàn vẫn phát triển ở khắp nơi. Các cuộc mít tinh, biểu tình lớn, thậm chí, như mô tả của Ph.Angghen trong “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” là “những cuộc chiến tranh xã hội đã xảy ra”. Phong trào công nhân và công đoàn, mặc dù bị đàn áp đẫm máu, nhưng cũng đã buộc giai cấp tư sản phải đưa ra sự điều chỉnh về thể chế để làm giảm áp lực xã hội lên chế độ. Các nhà nước tư bản buộc phải lần lượt thừa nhận địa vị hợp pháp của công đoàn, thừa nhận quyền công đoàn của người lao động trong chế độ tư bản chủ nghĩa. 

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C. Mác - Ph. Ăng-ghen soạn thảo và công bố tháng 3-1848, đánh dấu sự trưởng thành về tư tưởng của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn. Về tổ chức, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã thành lập Hội Liên hiệp Lao động quốc tế (Quốc tế thứ nhất) vào ngày 28-9-1864 ở Luân Đôn. Quốc tế thứ nhất đồng thời làm nhiệm vụ của một Quốc tế Công đoàn, đã vạch ra cương lĩnh cơ bản và tích cực đấu tranh cho các yêu cầu cụ thể của phong trào công đoàn thế giới. Phong trào đấu tranh của công nhân và công đoàn theo đó ngày càng diễn ra mạnh mẽ với chất lượng mới. Chủ nghĩa Mác đã từng bước trở thành tư tưởng chủ đạo của phong trào công đoàn, dù phải đấu tranh quyết liệt với các luồng tư tưởng của chủ nghĩa kinh tế và chủ nghĩa cải lương và các loại tư tưởng phi mác-xít trong phong trào công đoàn đương thời. 

Một đặc điểm quan trọng của phong trào công đoàn thời kỳ này là hướng đấu tranh cho một xã hội mới: xã hội chủ nghĩa. Phong trào công đoàn được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cùng với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, mục tiêu cao nhất của đấu tranh giai cấp là phá bỏ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa cộng sản nhằm thực hiện triệt để công bằng, bình đẳng trong lao động. Hình thức đấu tranh của công nhân trong chế độ tư bản chủ nghĩa vừa kết hợp đấu tranh hợp pháp, vừa nửa hợp pháp và cao nhất là đấu tranh giành chính quyền về tay giai cấp công nhân. C. Mác từng nhấn mạnh: Công nhân không bao giờ được quên quyền khởi nghĩa của mình. Đằng sau mỗi lá phiếu là những viên đá lát đường làm chiến lũy… 

Từ khi ra đời cho đến nay, các tổ chức công đoàn đã có nhiều đóng góp to lớn cho tiến trình cách mạng thế giới và tiến bộ xã hội. Ngày nay, công đoàn đã trở thành một tổ chức quan trọng trong hệ thống chính trị của nhiều quốc gia. Trải qua một thời gian dài phát triển, nhiều tổ chức công đoàn ở các quốc gia đã có đủ điều kiện nhận thức và kinh nghiệm xây dựng tổ chức công đoàn, vai trò và vị thế của công đoàn ngày càng được khẳng định. Theo đó, quyền thành lập, gia nhập, liên hiệp các công đoàn và ủy thác cho tổ chức công đoàn quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động là thành viên của Công đoàn… được nhìn nhận như những nội dung cơ bản về quyền công đoàn của người lao động. 

Lịch sử của phong trào công nhân và công đoàn thế giới cận đại và hiện đại đã xác nhận rằng, để có được thừa nhận của pháp luật hiện hành về quyền công đoàn, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn đã phải đấu tranh bền bỉ và chấp nhận nhiều hy sinh, tổn thất. 

Quyền công đoàn của người lao động ở Việt Nam hiện nay 

Ở Việt Nam, ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 đã ghi nhận: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; Tự do xuất bản; Tự do tổ chức và hội họp; Tự do tín ngưỡng…”; Sắc lệnh số 29/SL ngày 12-3-1947 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa quy định về việc làm công, giữa các chủ nhân, người Việt Nam hay người ngoại quốc và các công nhân Việt Nam quy định: “Công đoàn là những đoàn thể lập ra mục đích để bảo vệ quyền lợi của công nhân về phương diện nghề nghiệp”. 

Để bảo đảm quyền công đoàn của người lao động, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như, Hiến pháp 1957; 1980;1992; 2013; Bộ luật Lao động 1994 (được sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2013); Luật Công đoàn 1957, 1990, 2012 và nhiều văn bản pháp luật khác. Có thể nói hệ thống văn bản pháp luật về quyền của người lao động, quyền công đoàn được hình thành sớm và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đã tạo hành lang pháp lý cho người lao động thực hiện quyền công đoàn của mình trên tất cả các mặt: quyền thành lập tổ chức công đoàn; quyền gia nhập công đoàn và quyền hoạt động công đoàn; qua đó đã phát huy tác dụng góp phần giải phóng con người, động viên người lao động tích cực tham gia xây dựng và phát triển đất nước. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện quyền công đoàn của người lao động trong các doanh nghiêp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Điển hình là các trường hợp sau đây:

Nhiều chủ doanh nghiệp tìm mọi cách né tránh, trì hoãn, không tạo điều kiện để người lao động thực hiện quyền gia nhập, thành lập công đoàn. Hiện nay còn khoảng 80% doanh nghiệp dân doanh, 60% doanh nghiệp FDI chưa có tổ chức công đoàn. Sự cản trở, gây khó khăn của chủ doanh nghiệp với việc thực thi quyền công đoàn lại diễn ra bằng nhiều hình thức, biện pháp khá tinh vi. Vì vậy rất khó cho việc xử lý theo quy định của pháp luật. 

Nhiều tổ chức công đoàn cơ sở, trong khuôn khổ của một tổ chức duy nhất là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tuy đã được thành lập nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, quyền đại diện của công đoàn mang tính hình thức, quyền đại diện trong việc ký thoả ước lao động tập thể còn gặp khó khăn; chất lượng và hiệu quả hoạt động đại diện chưa cao, chưa phát huy và thể hiện tốt vai trò là người “duy nhất” đại diện cho công nhân, lao động; doanh nghiệp có Thỏa ước lao động tập thể trong khu vực ngoài quốc doanh có tỷ lệ thấp (khoảng 20%). Chất lượng Thỏa ước lao động tập thể không cao, chủ yếu sao chép các quy định của pháp luật lao động, ít có những điều khoản có lợi hơn so với pháp luật lao động cho người lao động.

Hoạt động công đoàn ở nhiều doanh nghiệp tư nhân và FDI vẫn còn những dấu hiệu chưa thực chất: Đoàn viên và người lao động ít có cơ hội tham gia và quyết định những vấn đề của công đoàn; người lao động không có thời gian để tham gia các hoạt động công đoàn; người lao động bị phân biệt đối xử khi tham gia công đoàn; cán bộ công đoàn bị kỷ luật, sa thải vì lý do hoạt động công đoàn...

Gần đây, Việt Nam đã và đang thương lượng và tiến hành các thủ tục pháp lý và tổ chức để phê chuẩn Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong nhiều điều khoản mà Việt Nam cam kết, có Chương 19 của TPP liên quan đến nhiều vấn đề về quyền của người lao động như thời gian làm việc, lương tối thiểu, phân biệt đối xử trong công việc, an toàn lao động và quyền công đoàn (bao gồm cả quyền thành lập, gia nhập hoặc tách ra từ tổ chức cũ). 

Đây là những nội dung tuy không mới, vì Luật Lao động của các quốc gia thành viên hoặc sẽ tham gia TPP đều ghi nhận những quyền này, nhưng tính mới của vấn đề này là TPP hướng đến việc “khắc phục thực trạng” về lao động và quan hệ lao động chứ không chỉ giới hạn trong việc xây dựng pháp luật. Theo đó, nhiều cam kết TPP sẽ phải hướng tới việc thực hiện nghiêm túc và thực chất hơn trong một bối cảnh mới mẻ và những yêu cầu cao hơn. Cũng không loại trừ tình huống là, ở Việt Nam sẽ xuất hiện thêm một hoặc nhiều tổ chức công đoàn khác, song song tồn tại và chia sẻ ảnh hưởng với tổ chức Công đoàn hiện có ... 

Trong thời gian tới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế Việt Nam sẽ đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng của các thành phần kinh tế và sự phát triển về số lượng của đội ngũ những người lao động. Cơ chế thị trường sẽ tác động lớn đến quan hệ lao động; mâu thuẫn về lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động sẽ ngày càng sâu sắc, quyết liệt. Và với lợi thế về kinh tế và quyền quản lý, điều hành, người sử dụng lao động thường chiếm ưu thế còn người lao động thường ở vào thế yếu. Trong điều kiện đó, phát huy quyền công đoàn của người lao động là biện pháp cần thiết nhằm duy trì sự cân bằng tương quan lực lượng hai bên trong quan hệ lao động, bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Thêm vào đó, có nhiều tình tiết kỹ thuật pháp lý ở Việt Nam mà tất cả các nhà nghiên cứu pháp luật đều thừa nhận là, việc thừa nhận một quyền nào đó, cho đến khi nó được hiện thực hóa, là khá cồng kềnh và có khoảng cách lớn về thời gian cũng như khả năng phản ánh chính xác quyền về luật. Chỉ riêng hệ thống văn bản liên quan đến việc hiện thực hóa một điều luật của Hiến pháp, thống kê ra sẽ thấy một dãy dài tên và mức độ quy phạm pháp lý của Luật, Nghị định, Thông tư, công văn, chỉ thị ... của nhiều chủ thể có thẩm quyền. Đây đã là một vấn đề pháp lý khá lớn. 

Tư duy lý luận về quyền công đoàn của người lao động ở Việt Nam sẽ phải hướng tới những vấn đề cấp thiết sau: 

Thứ nhất, Quốc hội và các cơ quan Nhà nước sẽ tiến hành phê chuẩn và xác định khung pháp lý của quyền công đoàn của người lao động Việt Nam. Một trong số đó là, thừa nhận hay không và như thế nào đối với vấn đề sẽ có một hoặc nhiều tổ chức công đoàn độc lập cùng tồn tại với tổ chức công đoàn hiện có. 

Thứ hai, bổ sung và hoàn thiện như thế nào Dự thảo luật về Hội ở Việt Nam, để đúng với tinh thần dân chủ, công bằng, văn minh và đáp ứng nhu cầu chủ động và tích cực hội nhập với thế giới hiện nay. Không thể phủ nhận rằng, một khi chưa có luật về Hội ở Việt Nam đầy đủ và phù hợp, thì việc chúng ta thực hiện những cam kết ở chương 19 của TPP cũng vẫn còn nhiều khó khăn lúng túng./. 

PGS,TS. Nguyễn An Ninh

NCS. Vũ Anh Đức

Theo TCCS