banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Công đoàn Công Thương tôn vinh lao động giỏi năm 2012
Cập nhật lúc 02:01 ngày 04/01/2014
Ngày 18/6/2013, Công đoàn Công Thương VN đã tổ chức Lễ Tôn vinh lao động giỏi, lao động sáng tạo năm 2012. Tại buổi lễ 140 cá nhân trong đó có 90 lao động giỏi và 50 lao động sáng tạo đã được tôn vinh. Trong năm 2012, phong trào thi đua yêu nước của ngành Công Thương luôn được đẩy mạnh và phát triển lên tầm cao mới với đa dạng các hình thức và nội dung thi đua đem lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác của Ngành.


Kết quả thiết thực

Các đơn vị trong Ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch và phát động thi đua toàn đơn vị gắn với lập thành tích chào mừng ngày kỷ niệm truyền thống của đơn vị, ngày truyền thống ngành Công Thương... Các phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi nhằm nâng cao khả năng lao động sản xuất được tổ chức và duy trì đều đặn, các phong trào thi đua “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “Tiết kiệm hạ giá thành sản phẩm”, “Lao động với năng suất, chất lượng, an toàn, tiến bộ và hiệu quả”, “Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo ATVSLĐ” được tổ chức ở hầu hết các doanh nghiệp trong Ngành. Các phong trào thi đua đã có nhiều thay đổi về chất với nhiều nội dung phong phú, không hình thức phô trương, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm, gắn liền với nhiệm vụ của đơn vị, cụ thể như: CĐ Công nghiệp Hóa chất VN đã có hơn 3.000 sáng kiến, trong đó có 2.243 sáng kiên được áp dụng vào thực tiễn làm lợi trên 114,404 tỷ đồng, được TLĐ tặng 74 bằng LĐST, tiết kiệm được 11 tỷ đồng. CĐ Tcty Thép VN có 3.144 sáng kiến , làm lợi 157,591 tỷ đồng; có 374 công trình được đăng ký gắn biển công trình chào mừng các sự kiện chính trị lớn trong năm

Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” mở rộng các loại hình đào tạo cải tiến mạnh mẽ quá trình thi cử tổ chức luyện thi cho học sinh, sinh viên, phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... đã được các trường nhiệt tình hưởng ứng và đã thu được nhiều kết quả cao. Thông qua các phong trào thi đua đã có nhiều sáng kiến cải tiến được ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học góp phần khẳng định chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của các trường thuộc hệ thống ngành Công Thương. Trong công tác nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài đã được ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả, phát huy nội lực và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nội địa. Tiêu biểu như: Viện Công nghiệp thực phẩm, Viện nghiên cứu da giày, Viện nghiên cứu thương mại, Viện nghiên cứu cơ khí...vv

Trên các công trường luôn duy trì các phong trào thi đua đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình thiết thực đóng góp vào sự tăng trưởng của Ngành, như: Công trình mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, công trình sửa chữa tháp làm lạnh sơ phân xưởng hóa của Cty Gang Thép Thái Nguyên. Trong năm 2012, đã có hơn 15.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi hơn 2.000 tỷ đồng, số tiền thưởng cho các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên 100 tỷ đồng; Tiết kiệm nhiều vật tư nguyên liệu với số tiền xấp xỉ 100 tỷ đồng. Đã có 150 sáng kiến, sáng tạo được TLĐ tặng bằng LĐST, những sáng kiến này đã được áp dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, được Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương tuyên dương, khen thưởng.

Đổi mới về nội dung và hình thức thi đua

Để phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả hơn trong thời gian tới ngành Công Thương VN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới cả về nội dung và hình thức nhằm đưa phong trào thi đua phát triển liên tục, bền vững. Nội dung và mục tiêu thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị và chương trình, kế hoạch công tác đồng thời hướng vào nhiệm vụ trọng tâm, những việc khó khăn, những nhiệm vụ công tác có tính đột phá. Để làm được việc đó, trong nhiệm kỳ này và trước mắt là từ nay đến cuối năm 2013, các cấp công đoàn cần tiếp tục quán triệt nâng cao hơn nữa nhận thức trách nhiệm lãnh đạo các cấp và công nhân, viên chức, lao động toàn ngành về vai trò vị trí của công tác thi đua khen thưởng trong tình hình mới. Đổi mới nội dung và hình thức các phong trào thi đua, đặc biệt phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hành tiết kiệm, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường trong nước và thế giới. Phát động phong trào thi đua toàn Ngành chào mừng thành công Đại hội II CĐCTVN và Đại hội XI CĐVN. Tổ chức tốt các phong trào thi đua như phong trào “Lao động sáng tạo, sáng kiến tiết kiệm, giành năng suất, kỷ lục, dạy tốt học tốt, hai giỏi, Xanh sạch đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”... Đưa các Nghị quyết của Đảng đi vào thực tế cuộc sống, biểu dương khen thưởng kịp thời những người làm ra sản phẩm có chất lượng cao, chi phí thấp, tôn vinh những lao động có tay nghề cao... Nâng cao trình độ và năng lực khoa học công nghệ, gắn chặt với nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài... Phong trào thi đua ở các Tcty, các đơn vị cơ sở cần được định hướng cụ thể là: Đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ, các sản phẩm hàng hóa mà ngành Công Thương Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, có truyền thống phát triển. Phong trào thi đua trong các cơ quan quản lý Nhà nước: Xây dựng đội ngũ công chức và cán bộ quản lý Nhà nước hết lòng vì công việc, tinh thông nghiệp vụ, công tâm, liêm khiết, xây dựng nếp sống làm việc theo pháp luật, có văn hóa, có kỷ cương. Thi đua theo tinh thần công nghiệp hóa, hiện đại hoa đòi hỏi phải thiết thực, khẩn trương như một hoạt động thường xuyên, xuất phát từ yêu cầu của sản xuất và đời sống.