banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo hộ lao động ngành Công Thương Việt Nam
Cập nhật lúc 01:24 ngày 04/01/2014
Thực hiện Nghị quyết 5b/NQ-TLĐ ngày 8 tháng 7 năm 2005 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về công tác Bảo hộ lao động (BHLĐ), các cấp công đoàn trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam đã triển khai công tác An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) hiệu quả, thiết thực với tình hình sản xuất kinh doanh đang diễn ra đa dạng và phức tạp của từng đơn vị.

Công tác BHLĐ nói chung ngày càng được các công đoàn đơn vị trong Ngành quan tâm hơn. Bên cạnh đó suy thoái về kinh tế khu vực và thế giới ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và tác động trực tiếp tới công tác ATVSLĐ đối với các đơn vị trong Ngành. Không những thế các đơn vị đã và đang tiến hành cổ phần hóa, nên hoạt động công đoàn nói chung và hoạt động về ATVSLĐ của công đoàn nói riêng cũng đang trong quá trình hoàn thiện phương pháp hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn; yêu cầu phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế đặt ra những thách thức đối với công tác ATVSLĐ. 

Trong quá trình triển khai thực hiện, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tham gia góp ý vào các dự thảo Luật, Nghị định, thông tư về công tác An toàn vệ sinh lao động và CĐCTVN chỉ đạo các công đoàn đơn vị ký thỏa ước lao động tập thể trong đó có mục về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Hoạt động của công đoàn về công tác ATVSLĐ của Công đoàn Công Thương Việt Nam ngày càng thể hiện rõ nét hơn; nhận thức về công tác ATVSLĐ của các cấp CĐ trong ngành đã được nâng thêm một bước; Chương trình, nội dung về ATVSLĐ đã được xây dựng và thực hiện trong chương trình hoạt động chung của công đoàn; Các cấp công đoàn đã tích cực hoạt động, tham gia có kết quả việc quản lý công tác ATVSLĐ, vận động đông đảo người lao động thực hiện đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động. Sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với công đoàn đồng cấp ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; mối quan hệ hợp tác giữa CĐCTVN với các Công đoàn Quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện về công tác ATVSLĐ cho cán bộ CĐCTVN ngày càng mở rộng và có hiệu quả.Tuy nhiên tại một số đơn vị, công tác phối hợp, tạo điều kiện của chuyên môn đối với công đoàn trong công tác ATVSLĐ còn lỏng lẻo, hạn chế và chưa thực sự quan tâm và coi trọng. 


Kết quả thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác BHLĐ có những chuyển biến rõ nét. Công đoàn tham gia với người sử dụng lao động trong công việc xây dựng các quy chế, nội quy quản lý ATVSLĐ. Việc thực hiện các chế độ, chính sách về ATVSLĐ: Qua báo cáo của các đơn vị, việc thực hiện các chế độ, chính sách về ATVSLĐ cho người lao động đã được các cơ sở tiếp tục quan tâm thực hiện; 97% số cơ sở đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tích cực giải quyết các chế độ điều trị phục hồi sức khỏe cho công nhân bị suy giảm sức khỏe, bị bệnh nghề nghiệp. Người lao động đều được cấp phát đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân như: Quần áo, giầy mũ, găng tay, khẩu trang, kính…, một số nơi còn trang bị thêm so với tiêu chuẩn nhà nước để phù hợp với yêu cầu sản xuất. Tuy nhiên chất lượng của các phương tiện này tại một số đơn vị có lúc, có nơi chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu.

CĐCTVN phối hợp với TLĐLĐVN, Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp- Bộ Công Thương và Trung tâm y tế môi trường công nghiệp- Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra về công tác ATVSLĐ tại các cơ sở đặc trưng cho các loại hình SXKD do CĐCTVN quản lý trực tiếp và thuộc Công đoàn một số Tổng Công ty. Nhìn chung các đơn vị cơ bản thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, tuy nhiên một số đơn vị còn chưa thực hiện tốt về công tác ATVSLĐ; Việc triển khai thực hiện công tác BHLĐ của đơn vị theo luật định; kiểm tra hệ thống hồ sơ, sổ sách liên quan đến công tác BHLĐ; tình hình thực hiện chính sách, chế độ về BHLĐ đối với người lao động và người sử dụng lao động; Các hoạt động của công đoàn trong việc tham gia vào công tác BHLĐ của doanh nghiệp; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đối với việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc trong tình hình hiện nay; Kiểm tra thực tế hiện trường tại đơn vị; lập biên bản kiểm tra của đoàn với đơn vị được kiểm tra.

Một số tồn tại, hạn chế trong công tác ATVSLĐ:

- Hệ thống hồ sơ, sổ sách quản lý về ATVSLĐ của một số cơ sở chưa được khoa học, hoàn chỉnh theo quy định;Một số ít đơn vị chưa tổ chức được hoàn chỉnh bộ máy quản lý công tác ATVSLĐ (thành phần trong Hội đồng BHLĐ chưa đầy đủ); cán bộ chuyên trách về ATLĐ của các đơn vị tuy đã được củng cố và quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng đúng với yêu cầu của công tác ATVSLĐ và còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

- Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa có chiều sâu, phương pháp và nội dung chưa phong phú, đặc biệt một số bộ phận và người lao động không được tham gia vào việc xây dựng kế hoạch ATVSLĐ tại đơn vị.

- TNLĐ chết người vẫn ở mức cao, số vụ có nhiều người chết vẫn còn xảy ra và có tính chất lặp lại do đặc thù của ngành, nghề chưa được khắc phục triệt để. Công tác ATVSLĐ của một số cấp CĐ còn yếu, chưa thực sự chủ động trong việc phối hợp hoạt động với NSDLĐ.

- Tại một số cơ sở điều kiện làm việc của người lao động vẫn còn tồn tại các yếu tố nguy hiểm, có hại; hoạt động công đoàn trong công tác BHLĐ tại một số đơn vị khối trường học, viện nghiên cứu chưa được thực hiện đầy đủ.

- Việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ ở một số cơ sở còn nặng về hình thức, chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư 27/BLĐTBXH ngày 18/10/2013 quy định về công tác huấn luyện ATLĐ - VSLĐ, công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động chưa được duy trì thực hiện thường xuyên.

- Một số đơn vị chưa triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ theo thông tư số 01/TTL/BYT- BLĐTBX ngày 10/1/2011 về hướng dẫn công tác ATVSLĐ tại cơ sở lao động.

- Công tác thống kê báo cáo công tác ATVSLĐ và Tai nạn lao động chưa được thực hiện nghiêm túc...

Nguyên nhân

- Một số cấp Công đoàn còn lúng túng trong việc xây dựng chương trình hoạt động về công tác ATVSLĐ, việc tham gia vào quản lý ATVSLĐ còn yếu do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức Công đoàn trong công tác ATVSLĐ.

- Do nhận thức về pháp luật ATVSLĐ Đ chưa đầy đủ của một bộ phận người sử dụng lao động dẫn đến tình trạng còn buông lỏng công tác quản lý về ATVSLĐ; một bộ phận không ít NLĐ thiếu ý thức thực hiện các quy định về ATVSLĐ.

- Do bộ máy làm công tác ATVSLĐ chưa được xây dựng hoàn chỉnh, cán bộ chuyên trách thiếu dẫn đến việc triển khai tổ chức, thực hiện công tác ATVSLĐ chưa hiệu quả; những khó khăn về kinh tế cũng là nguyên nhân không nhỏ hạn chế việc đầu tư vào công tác ATVSLĐ.

- Công tác kiểm tra và tự kiểm tra còn mang tính hình thức, chưa sâu sát và chưa được tiến hành thường xuyên.

Giải pháp thực hiện công tác ATVSLĐ

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, Các cấp công đoàn trong Ngành cần đẩy mạnh hơn nữa các nội dung hoạt động về BHLĐ- ATVSLĐ, củng cố và kiện toàn bộ máy làm công tác BHLĐ, mạng lưới ATVSV ở cơ sở, tổ chức tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN, tổ chức các cuộc thi toàn toàn vệ sinh viên giỏi, cuộc thi cải thiện điều kiện lao động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác BHLĐ ở cơ sở; có cơ chế khen thưởng động viên khen thưởng kịp thời các cá nhân tập thể có thành tích trong công tác ATVLĐ. Đồng thời cần tiến tới xây dựng văn hoá an toàn tại nơi làm việc là thể hiện ý nghĩa nhân văn, coi trọng con người trong lao động; đó là văn hoá mà trong đó hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác định, tham gia tích cực vào việc đảm bảo một môi trường làm việc an toàn và vệ sinh; đó là văn hoá an toàn mà trong đó nguyên tắc phòng ngừa được đặt vị trí ưu tiên hàng đầu.

Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động cải thiện điều kiện lao động trong các đơn vị trong ngành, tổ chức các cuộc thi về cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa TNLĐ- BNN tiến tới cam kết thực hiện tốt công tác ATVSLĐ tại các đơn vị. phòng chống TNLĐ- BNN tập trung vào một số lĩnh vực có nguy cơ cao như khai thác khoáng sản, sử dụng điện, xăng dầu, xây dựng, hoá chất…; triển khai các phong trào thi đua, phong trào sáng kiến sáng tạo nhằm giảm thiểu nguy cơ mất ATVSLĐ và tăng hiệu quả về giá trị làm lợi về tiền bạc cũng như sức lao động; tăng cường các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho người lao động và đảm bảo kiểm soát hiệu quả các yếu tố, nguy cơ gây TNLĐ-BNN; xây dựng kế hoạch thực hiện thật cụ thể, coi trọng trọng công tác này trên quan điểm là góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lực, thực hiện tốt chiến lược con người; đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và sản xuất, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc; gắn BHLĐ với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, doanh nghiệp; có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với những đơn vị, tập thể, cá nhân vào vi phạm những quy định về ATVSLĐ.

Nâng cao các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ một cách có hiệu quả và thiết thực, nhằm cho cán bộ quản lý, NSDLĐ và NLĐ nhận thức đầy đủ, thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của mình trong công tác ATVSLĐ. Nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của từng tập thể cá nhân trong công tác ATVSLĐ trong ngành thông qua việc tăng cường năng lực tổ chức thông tin tuyên truyền, huấn luyện: Tổ chức tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN, xây dựng trang thông tin tuyên truyền, xây dựng các chương trình, các cúp giải thưởng về ATVSLĐ; xây dựng, tổ chức phát hiện, đánh giá và có các biện pháp khắc phục những nguy cơ mất ATVSLĐ tại từng đơn vị, doanh nghiệp; thực hiện tốt hơn nữa việc cam kết an toàn, bảo đảm ATVSLĐ trong từng đơn vị và cố gắng thực hiện tối đa trong giảm thiểu các nguy cơ mất ATVSLĐ.Cùng với đó là tiến tới xã hội hoá công tác bảo đảm ATVSLĐ, đó là nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, của NSDLĐ và NLĐ và mở rộng tham gia của các đối tác xã hội khác với nhiều phương thức và mô hình linh hoạt để chia sẻ trách nhiệm xã hội trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách ATVSLĐ nhằm mục tiêu hoá các biện pháp phòng ngừa, khắc phục TNLĐ-BNN, duy trì khả năng lao động cho NLĐ. Công đoàn các cấp trong Ngành tham gia chủ động, phát huy mọi nguồn lực, đổi mới phương thức hoạt động thật cụ thể, thiết thực, hoạt động hiệu quả thích hợp để chia sẻ trách nhiệm và mở rộng sự thụ hưởng các thành quả trong ATVSLĐ; nhằm không ngừng bảo đảm an toàn, sức khoẻ và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; qua đó phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác bảo hộ lao động nhằm góp phần xây dựng ngành Công Thương ngày càng lớn mạnh.

Trần Phong