banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 04/10
Cập nhật lúc 05:05 ngày 04/10/2016

Trong ngày 04 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: PVN: Nợ xấu gần 6.000 tỉ đồng; Tiêu thụ xăng E5: Vẫn chờ “đột phá”; Bộ Công Thương và EVN muốn nới rộng quyền tăng giá điện; Bỏ kiểm tra formaldyhyde cho doanh nghiệp dệt may; Thêm mặt hàng thép bị Mỹ kiện lẩn tránh thuế do nghi nguồn gốc Trung Quốc; Hỗn loạn thị trường phân bón.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. PVN: Nợ xấu gần 6.000 tỉ đồng.


Trong bản báo cáo tài chính hợp nhất sau khi kiểm toán năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có doanh thu giảm gần 80.000 tỉ đồng (tương đương gần 4 tỉ USD), còn 293.000 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 30.695 tỉ đồng, giảm hơn 12.000 tỉ đồng so với năm 2014. Nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm doanh thu được PVN lý giải là do giá dầu thô giảm mạnh trong năm 2015. Đáng nói là đến cuối năm 2015, PVN có gần 6.000 tỉ đồng nợ xấu, nằm rải rác tại công ty mẹ và các công ty con. Trong đó, khoản nợ đáng kể nhất là gần 2.150 tỉ đồng phải thu ủy thác đầu tư và phải thu khác tại công ty mẹ (PVN). Sau đó là khoản nợ 2.100 tỉ đồng của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Một điểm khác cũng cần lưu ý là trong khi doanh thu giảm nhưng chi phí tài chính của PVN lại tăng khá mạnh. Tuy nhiên, dù “sở hữu” khoản nợ xấu “khủng” nhưng đến cuối năm 2015, PVN có gần 102.000 tỉ đồng tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại và thu lãi gần 7.000 tỉ đồng. Trong đó, số tiền gửi hưởng lãi suất không kỳ hạn lên tới 25.273 tỉ đồng, các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng lên tới 76.343 tỉ đồng.

2. Tiêu thụ xăng E5: Vẫn chờ “đột phá”.

Theo lộ trình của Chính phủ, từ ngày 01/6, ngoài 8 tỉnh, thành phố phải triển khai bán xăng E5; các tỉnh, thành khác phấn đấu đạt 50% số lượng cửa hàng trên địa bàn bán xăng E5. Tuy nhiên, 3 tháng trôi qua, tình hình vẫn “dậm chân tại chỗ” (?). Nếu không kịp thời có chính sách mang tính đột phá, e rằng sẽ khó cứu được các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu khiến cho thị trường xăng sinh học E5 ảm đạm vì người dân chưa mặn mà với xăng E5, giá thành sản xuất cồn để pha chế xăng E5 quá cao, trong khi giá xăng khoáng xuống thấp, hệ thống phân phối còn quá mỏng. Hầu hết các doanh nghiệp phối trộn, kinh doanh xăng E5 đều lỗ nặng do phải đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cột bơm, bể chứa… trong khi các ưu đãi về thuế, phí chưa hấp dẫn, chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. 

3. Bộ Công Thương và EVN muốn nới rộng quyền tăng giá điện.

Quy định hiện hành chưa cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được chủ động quyết định tăng giá điện. Tuy nhiên, trong dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, Bộ Công Thương đã đề nghị bổ sung thẩm quyền tăng giá cho EVN và mở rộng quyền tăng giá cho bộ này. Cũng trong dự thảo mới, Bộ Công Thương đề xuất cho phép EVN được tăng giá tối thiểu 3 tháng/lần nếu các thông số đầu vào hình thành giá điện thay đổi, với mức tăng mỗi lần 3% đến 5%. Mức tăng tối đa mỗi năm cho giá bán lẻ điện trong thẩm quyền của EVN là 20%.

Trong văn bản góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vấn đề này, VCCI nhận thấy dự thảo đã mở rộng rất lớn thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện; từ chỗ EVN không được chủ động quyết định giá điện đến được quyền tăng giá 20%/năm. Thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20%/năm nay có thể lên đến 40%/năm. “Đây là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn, cần được xem xét, cân nhắc”, VCCI viết. 

4. Bỏ kiểm tra formaldehyde cho doanh nghiệp dệt may.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành dệt may. Trong báo cáo còn có hàng loạt các kiến nghị của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas). Ngoài ra theo đó, Bộ Công Thương cam kết sẽ bãi bỏ thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về kiểm tra formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo, vốn đã bị cộng đồng doanh nghiệp dệt may kịch liệt phản đối nhiều năm qua, bằng một thông tư mới đang trong quá trình dự thảo.

Theo Bộ Công Thương, thông tư thay thế thông tư 37 sẽ ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm dệt may, dự kiến được đưa vào áp dụng trong năm 2017. Ngoài ra, một loạt các kiến nghị mà Vitas đã “kêu” suốt trong thời gian qua, như quy định cấm sản xuất mặt hàng quân trang, quân phục nước ngoài khi có khách nước ngoài đặt hàng…. đều được Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ ngành có liên quan cùng nhau xem xét giải quyết vì không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. 

5. Thêm mặt hàng thép bị Mỹ kiện lẩn tránh thuế do nghi nguồn gốc Trung Quốc.

Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) tiếp tục công bố thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chấp nhận đơn kiện yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, ngày 27/9, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới DOC đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này.

Nguyên đơn là các doanh nghiệp như ArcelorMittal USA LLC, Nucor Corporation, United States Steel Corporation, và AK Steel Corporation. Nguyên nhân của sự việc được cho là bắt nguồn từ sự kiện 24/8/2015, Mỹ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với cùng loại sản phẩm thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Anh. Ngay sau đó, Mỹ đã ban hành lệnh áp thuế với Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 199,76% và thuế chống trợ cấp là 256,44%. 

6. Hỗn loạn thị trường phân bón

Các nhà máy đạm Ninh Bình, Hà Bắc, Đình Vũ, Lào Cai… đang phải giảm công suất, giá bán sản phẩm và thua lỗ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng trong thời gian qua. Nguyên nhân của thực trạng này được các chuyên gia trong ngành chỉ ra do tình trạng phát triển thiếu quy hoạch, phân bón giả tràn lan, sức ép nhập khẩu.

Theo Cục Quản lý thị trường, các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả được phát hiện chủ yếu là không thực hiện công bố hợp quy, sản xuất, kinh doanh phân bón không đúng chất lượng công bố, không đạt chỉ tiêu chất lượng quy định bắt buộc theo quy chuẩn, trên bao bì, nhãn mác có thông tin không đúng sự thật, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc mỗi năm có khoảng 4.000 vụ vi phạm bị xử phạt vì sản xuất, kinh doanh phân bón giả chỉ là phần nổi của tảng băng này, khi tình hình sản xuất phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn ra tràn lan, gây bức xúc dư luận.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)