banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 30/9
Cập nhật lúc 05:34 ngày 30/09/2016

Trong ngày 30 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Hơn 60.000 sản phẩm khuyến mãi trong ngày mua sắm mùa thu; Doanh nghiệp Mỹ kiện thép Việt Nam do nghi xuất xứ Trung Quốc; Bộ Công Thương "loay hoay" tìm cách bán vốn tại Habeco, Sabeco; Cho đầu tư nhà máy thép nghìn tỷ ở Quảng Nam; Xuất khẩu gạo 2016: Hạ mục tiêu vẫn không dễ hoàn thành.

Thông tin cụ thể:

1. Hơn 60.000 sản phẩm khuyến mãi trong ngày mua sắm mùa thu.

Chương trình do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử, Báo VnExpress và các doanh nghiệp tổ chức. Theo đại diện ban tổ chức, tất cả sản phẩm khuyến mãi được công bố trên website OnlineFriday.vn và ứng dụng Online Friday trên nền tảng di động.


2. Doanh nghiệp Mỹ kiện thép Việt Nam do nghi xuất xứ Trung Quốc. Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (thép mạ) nhập khẩu từ Việt Nam.


 

Theo thống kê đã có khoảng 190 chuyến hàng thép cuộn phủ sơn hoặc được xếp lên tàu tại các cảng của Việt Nam hoặc mang theo Giấy C/O Việt Nam do VCCI cấp đã được nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 2013 – 2014. Tổng trị giá các chuyến hàng khoảng 19 triệu USD.

3. Bộ Công Thương "loay hoay" tìm cách bán vốn tại Habeco, Sabeco. Báo điện tử Dân trí đưa tin: Chiều ngày 28/9, tại Bộ Công Thương đã diễn ra cuộc họp Tổ công tác riêng về niêm yết và bán vốn Nhà nước tại 2 “ông lớn” trong ngành bia là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). ​

Nội dung cuộc họp chủ yếu xoay quanh vấn đề sẽ niêm yết và bán vốn như thế nào để định giá chính xác, không mất vốn và đảm bảo lợi ích tối đa cho Nhà nước. Tổ công tác cũng phân công nhau tìm hiểu kinh nghiệm cổ phần hoá của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước về vấn đề này.

Điều này có thể thấy, dường như cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương vẫn đang “loay hoay” tìm phương án bán vốn hiệu quả nhất với các doanh nghiệp lớn trong ngành bia.

4. Cho đầu tư nhà máy thép nghìn tỷ ở Quảng Nam. Báo chí đưa tin, tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Văn bản số 420/TB-UBND thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Người dân vùng hạ du tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng rất lo lắng. 


Trước câu hỏi liệu nhà máy thép này có gây ô nhiễm môi trường hay không, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết UBND tỉnh mới chỉ đồng ý về mặt chủ trương di dời nhà máy từ thị xã Điện Bàn lên huyện Nam Giang. Việc có thực hiện dự án hay không phải qua các bước như đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến của người dân địa phương…  

5. Xuất khẩu gạo 2016: Hạ mục tiêu vẫn không dễ hoàn thành. Số liệu mới nhất của Bộ NN&PTNT vừa công bố cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 9 và 9 tháng qua tiếp tục sụt giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.  Đây cũng là lần đầu tiên trong 8 năm qua kể từ năm 2009, xuất khẩu gạo của Việt Nam xuống dưới mức 6 triệu tấn.


Nhằm có những giải pháp mạnh hơn cho xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam và đánh giá việc thực hiện Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bộ NN&PTNT đánh giá cụ thể về tác động ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất lúa gạo; thường xuyên rà soát, cập nhật khả năng cân đối nguồn cung thóc, gạo hàng hóa để kịp thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong điều hành xuất khẩu gạo, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và hoạt động xuất khẩu gạo. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)