banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 23/9
Cập nhật lúc 05:44 ngày 23/09/2016

Trong ngày 23 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Nguy cơ mất cả tỉ USD vì bao tiêu, trợ giá; Việt Nam sẽ là nước đầu tiên xuất khẩu thanh long ra Australia; Phân bón Trung Quốc 'đại náo' thị trường Việt; Xăng E5 "kêu cứu"; Ô tô lưu thông tại Việt Nam phải được bảo hành chính hãng.

Thông tin cụ thể như sau: 

1. Nguy cơ mất cả tỉ USD vì bao tiêu, trợ giá.


Trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, các nhà lãnh đạo cũng muốn có dự án lọc dầu trong nước bởi lâu nay chỉ xuất thô, mỏ dầu gần cạn kiệt; tăng cường nguồn cung ứng điện năng… Các nhà đầu tư nắm được tâm lý đó nên họ yêu cầu ưu đãi, hỗ trợ nhiều thứ và VN phải chấp nhận. Nhà đầu tư nước ngoài lẽ ra phải mang đến lợi ích cho nước chủ nhà, đằng này gánh nặng kinh tế đều đổ lên đầu chủ nhà nên cần phải xem xét lại và khắc phục ngay những quyết sách chưa đúng này.

Không chỉ ưu đãi thuế, đất đai, việc bao tiêu sản phẩm và trợ giá cho các đại gia có vốn đầu tư nước ngoài, theo các chuyên gia, đang khiến ngân sách thất thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm, còn người dân phải còng lưng gánh thuế, phí trả nợ.

2. Việt Nam sẽ là nước đầu tiên xuất khẩu thanh long ra Australia.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội là nước đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện nay được Australia cấp phép nhập khẩu thanh long.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Australia đã đề xuất cấp giấy phép nhập khẩu trái thanh long tươi từ các vùng trồng thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, loại quả này sẽ còn cần trải qua quy trình đánh giá rủi ro, dự kiến được Chính phủ Australia hoàn thành vào cuối năm nay. Đến nay, Việt Nam đã được cho phép xuất khẩu xoài và vải thiều vào thị trường khó tính này, sau nhiều năm đàm phán. 

3. Phân bón Trung Quốc 'đại náo' thị trường Việt.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 8 đạt hơn 350.000 tấn, trị giá 82,6 triệu USD. Tính chung 8 tháng, Việt Nam nhập khẩu 2,6 triệu tấn mặt hàng này, trị giá 736 triệu USD. Thị trường nhập khẩu phân bón lớn nhất vẫn là Trung Quốc, 8 tháng đạt 1,2 triệu tấn, tương đương 305 triệu USD. Như vậy, lượng phân bón nhập khẩu chỉ riêng từ thị trường Trung Quốc đã chiếm gần 50% lượng phân bón nhập khẩu cả nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm urê trong phân bón tương tự như phôi thép và bột ngọt để hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ trong thời gian qua, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. 

4. Xăng E5 "kêu cứu".

Theo lộ trình của Chính phủ, từ ngày 1-6-2016, tất cả các điểm bán xăng dầu tại 8 tỉnh, thành phố lớn đều phải triển khai bán xăng E5 và thay thế hoàn toàn xăng RON 92; các tỉnh, thành phố còn lại phấn đấu đạt 50% số lượng cửa hàng trên địa bàn bán xăng E5. Thế nhưng, đến nay đã 3 tháng trôi qua, tình hình dường như không có gì chuyển biến. Xăng E5 vẫn không được chào đón. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất cồn ethanol phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất.

Nếu không kịp thời có chính sách mang tính “bước ngoặt”, e rằng sẽ không cứu được các nhà máy sản xuất NLSH (cồn ethanol) được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Đồng thời, giúp doanh nghiệp có thể giảm được chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nhằm đưa ra thị trường một mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, để thúc đẩy tiêu thụ, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích khi sử dụng xăng E5, một loại nhiên liệu thân thiện với môi trường.

5. Ô tô lưu thông tại Việt Nam phải được bảo hành chính hãng.

Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng về việc giao Bộ GTVT ban hành quy định: Tất cả các loại ô tô không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam nếu không được bảo hành bảo dưỡng bởi chính hãng hoặc đơn vị do chính hãng ủy quyền.

Mục đích của điều kiện này được Bộ Công Thương giải thích là để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an toàn giao thông.

LH (Nguồn Bộ Công Thương)