banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Hồ Chí Minh - người đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết .
Cập nhật lúc 02:47 ngày 22/01/2016

Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, từ khi là Nguyễn Tất Thành rồi đến Nguyễn Ái Quốc và trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Từ việc đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, học hỏi kinh nghiệm cách mạng Mỹ, Pháp, Trung Hoa,.. đến việc tin theo V.I.Lê-nin, tin theo Quốc tế III, đều xuất phát từ lòng yêu nước. Chính chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa quốc tế đã giúp Nguyễn Ái Quốc đến với Quốc tế III, ủng hộ nước Nga Xô-viết. Sau này, hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đặc biệt là những năm ở Mat-xcơ-va, trong Quốc tế III, chủ nghĩa yêu nước, lợi ích dân tộc, vẫn luôn chi phối, xuyên suốt trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Điều đó làm cho nhiều người theo chủ nghĩa quốc tế hư vô, máy móc, giáo điều không thể hiểu, thậm chí phê phán Người đã đặt lợi ích dân tộc cao hơn lợi ích quốc tế. 


Trong cuộc đấu tranh này, Nguyễn Ái Quốc là một người rất khoa học, rất sáng tạo. Người nêu một tấm gương về tính kiên trì thuyết phục, chứng minh tính đúng đắn bằng thực tiễn cách mạng chứ không phải bằng tranh cãi kinh viện, hay tầm chương trích cú theo chủ nghĩa giáo điều.

Cho đến nay, không phải ai cũng hiểu được đầy đủ quan điểm của Nguyễn Ái Quốc khi đó cho rằng: Trong điều kiện của Việt Nam, “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”. 

Trong cuộc đấu tranh chống thực dân, Nguyễn Ái Quốc nhìn thấy, nếu không phục hưng chủ nghĩa dân tộc, vốn bị chế độ phong kiến hàng ngàn năm làm cho bạc nhược, vốn bị chủ nghĩa thực dân đầu độc; khi chủ nghĩa dân tộc cũ gắn với chủ nghĩa tôn quân (quân quyền) chưa được giải phóng, chưa được thay thế bởi chủ nghĩa dân tộc mới gắn với dân quyền; khi điều kiện khách quan chưa cho phép bất kỳ một chủ nghĩa quốc tế nào thâm nhập được vào đời sống tinh thần tư tưởng của nhân dân, thì sẽ không huy động được dân tộc. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cần phải nhân danh Quốc tế Cộng sản để “phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ”. Người nói: “Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”. 

Nguyễn Ái Quốc hy vọng, đến một ngày nào đó khi xu thế cách mạng vô sản trở thành phổ biến trên thế giới thì chủ nghĩa dân tộc này sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế. Điều này tuy không được nhiều người trong Quốc tế III ủng hộ, nhưng thực tiễn chứng minh rằng Nguyễn Ái Quốc đã đúng. Với sự phân tích như vậy, Nguyễn Ái Quốc luôn luôn coi trọng và phục hưng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong điều kiện đấu tranh giải phóng dân tộc thế kỷ XX. Tư tưởng đó đã trở thành quan điểm chiến lược trong tư duy chính trị của Người: Đoàn kết, đại đoàn kết, thành công đại thành công;

Ngày nay, muốn đoàn kết được toàn dân tộc, cán bộ của Đảng và nhà nước phải là hạt nhân của khối đại đoàn kết đó, phải có “Tâm”, có “Tầm”, có “Trí”, phải nêu gương sáng về đức hy sinh “lo trước thiên hạ vui sau thiên hạ”, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Chỉ như thế dân mới tin, mới theo, mới hăng hái gánh vác công việc với Đảng và Nhà nước.

st