banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 15/9
Cập nhật lúc 04:35 ngày 15/09/2016

Trong ngày 15 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam; Bộ Công Thương cảnh báo rủi ro giao dịch tiền ảo kiểu đa cấp; Tập đoàn Hóa chất chi 8 tỷ đồng trả lương sếp dù lỗ nặng; Nỗi lo an toàn hồ đập thủy điện sau sự cố thủy điện Sông Bung 2; Lọc hóa dầu Nghi Sơn xả nước thải súc rửa đường ống ra biển.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam.


Không khó để nhận ra nguồn sắt thép giá rẻ đổ bộ vào Việt Nam đến chủ yếu từ Trung Quốc. Theo thông tin về thị trường nhập khẩu mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 7, lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 6,556 triệu tấn, chiếm 59% tổng lượng sắt thép nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm, tổng giá trị kim ngạch đạt 2,52 tỷ USD, chiếm 56%.

Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia là thị trường cung cấp sắt thép lớn cho Việt Nam có thể kể đến là Nhật Bản, Hàn Quốc. Hết tháng 7, nước ta nhập khẩu từ Nhật Bản lượng sắt thép 1,644 triệu tấn, tổng giá trị kim ngạch 683 triệu USD (thông tin thị trường nhập khẩu cập nhật của Tổng cục Hải quan đến tháng 7); nhập khẩu từ Hàn Quốc với sản lượng 1,02 triệu tấn, tổng trị giá 530 triệu USD.

So với 2 thị trường lớn nêu trên giá sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc cũng thấp hơn đáng kể.

2. Bộ Công Thương cảnh báo rủi ro giao dịch tiền ảo kiểu đa cấp.

Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo, với loại hình giao dịch tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp, người đầu tư khi đã nộp tiền để tham gia thường sẽ rất khó rút tiền ra khỏi hệ thống, hoặc mỗi ngày chỉ được rút một lượng tiền rất nhỏ. Bản chất vẫn là lấy tiền của người sau trả cho người trước. Khi không còn người đóng tiền vào, hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ rất khó lấy lại số tiền đã đầu tư. Các hoạt động mua bán tiền ảo thường được thực hiện và giao dịch trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài.

Việc tham gia hoạt động kinh doanh này tiểm ẩn nhiều rủi ro, chính vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo, các nhà đầu tư nên cảnh giác, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp, lừa đảo.

3. Tập đoàn Hóa chất chi 8 tỷ đồng trả lương sếp dù lỗ nặng.

Tập đoàn này vừa có báo cáo Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT về chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Tập đoàn năm 2015 và kế hoạch 2016.

Với số viên chức quản lý là 13 người trong năm 2015, mức thu nhập bình quân tháng của viên chức quản lý tại Vinachem là 48,5 triệu đồng mỗi tháng. Tổng số tiền đơn vị này chi để trả lương lãnh đạo là 7,56 tỷ đồng. Năm 2016, mức thu nhập của lãnh đạo Tập đoàn dự kiến đạt gần 54 triệu đồng. Như vậy, tổng thù lao cho nhân sự quản lý vào khoảng gần 8 tỷ đồng.

Năm 2015, Vinachem báo lãi trước thuế 2.135 tỷ đồng và lãi ròng 1.467 tỷ. Các chỉ tiêu này lần lượt giảm 21% và 25% so với kết quả thực hiện năm 2014. Lãi ròng của công ty mẹ cũng giảm gần một nửa so với 2014, chỉ đạt 543 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, kết quả kinh doanh hợp nhất của Vinachem càng xấu hơn khi báo lỗ hơn 203 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 1.000 tỷ đồng. Lỗ thuộc về công ty mẹ cũng lên gần 480 tỷ, mặc dù cùng kỳ lãi 535 tỷ đồng.

4. Nỗi lo an toàn hồ đập thủy điện sau sự cố thủy điện Sông Bung 2.


Trên hệ thống sông Bung có 4 thủy điện bậc thang lớn. Sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 đã đổ túi nước khổng lồ với hơn 30 triệu m3 nước xuống hồ thủy điện Sông Bung 4. Rất may, thủy điện Sông Bung 4 đang ở mực nước chết nên hồ vẫn có khả năng tích trữ. Qua sự cố đặc biệt nguy hiểm này, việc giám sát, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương là rất cần thiết.

Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 40 công trình thủy điện lớn nhỏ. Trên thượng nguồn sông Vu Gia cũng có rất nhiều công trình thủy điện lớn. Vì vậy, vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập phải được đặt lên hàng đầu.  

5. Lọc hóa dầu Nghi Sơn xả nước thải súc rửa đường ống ra biển.

Ngày 14.9, ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa), cho biết Bộ TN-MT vừa có kết luận về việc Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (đóng tại H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa) xả nước thải trong quá trình súc rửa đường ống dẫn dầu vào nhà máy dài 35 km ra biển vào ngày 9.6.

Theo đánh giá tác động môi trường, nước làm sạch và thử thủy lực trong quá trình súc rửa đường ống tiếp nhận này không được thải trực tiếp ra môi trường, mà phải xử lý bằng cách tách cặn dầu mỡ và xử lý hóa chất rồi bơm chất trung hòa vào đường ống nước trước khi bơm xả.

Việc Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn tự ý xả 42.000 m3 nước làm sạch và thử thủy lực súc rửa đường ống dẫn dầu không qua xử lý là không đúng quy định. Bộ TN-MT yêu cầu Công ty này phải có biện pháp xử lý khoảng 33.000 m3 nước thải thử thủy lực còn lại; gửi hồ sơ, thiết bị, công nghệ xử lý lượng nước thải nêu trên và chỉ được phép thực hiện xả thải khi có sự chấp thuận của Bộ TN-MT.

6. Nhà máy giấy nổ inh ỏi khiến dân ù tai mất ăn mất ngủ.

Báo Tiền phong phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi do nhà máy giấy Lee&Man (ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Nhiều người dân còn lo ngại nguy cơ nước thải đổ ra sông khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Gần 40 người dân ở đối diện nhà máy đã đồng loạt ký đơn phản ánh gửi đến chính quyền địa phương nhưng chưa được xử lý.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)