banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Để đình công đúng luật
Cập nhật lúc 09:28 ngày 14/09/2016

Theo thống kê, từ năm 2013 đến hết tháng 6.2016, cả nước xảy ra hơn 1.000 cuộc đình công, nhưng tất cả đều diễn ra không tuân theo như các quy định của Bộ luật Lao động 2012.

Để đảm bảo các cuộc đình công đúng luật, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét đơn giản hóa các bước để tiến hành cuộc đình công đúng với quy định của pháp luật.


Đa phần đình công không đúng luật

Theo ông Đặng Đức San - nguyên Vụ Trưởng Vụ Pháp chế - Bộ LĐTBXH, ngoại trừ cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thì 3 cơ chế giải quyết về tranh chấp lao động tập thể không được vận hành trong thực tiễn.

Trong hơn 20 năm qua, tình trạng có luật, nhưng không thực hiện theo luật (trong đình công và giải quyết đình công) có thể nói là một hiện tượng rất đặc biệt trong việc thực thi pháp luật lao động.

Ông San cho hay, theo số liệu của Tổng LĐLĐVN, từ năm 2010 đến năm nay có 3.146 cuộc đình công, tập trung ở 40 tỉnh, thành phố. Tính riêng 3 năm (từ năm 2013 đến hết tháng 6.2016) là 1.000 cuộc và theo báo cáo mới nhất của Bộ LĐTBXH thì 6 tháng đầu năm 2016 là 132 cuộc.

Các cuộc đình công trong thời gian qua đều có đặc điểm chung là: Không đúng quy trình đình công; không do Công đoàn tổ chức, lãnh đạo; đều được các tổ liên ngành giải quyết và các yêu sách của tập thể LĐ đều được đáp ứng một phần hoặc toàn bộ.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) cũng cho biết: Tính từ năm 2013 đến hết tháng 6.2016, cả nước xảy ra hơn 1.000 cuộc đình công, nhưng tất cả đều diễn ra không tuân theo như các quy định của Bộ luật Lao động 2012.

“Các cuộc đình công vừa qua đều nằm trong phạm vi quan hệ lao động (trừ các cuộc đình công vào tháng 5.2014 phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD - 981 trên Biển Đông và đình công của hơn 90.000 CNLĐ tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (tháng 3.2015) để thể hiện quan điểm không đồng tình với Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần)” - ông Quảng cho biết.

Về điểm này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân thừa nhận: Phần lớn các cuộc đình công khi xảy ra đều không theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Do yêu cầu phải đảm bảo an ninh trật tự, tài sản, tính mạng của doanh nghiệp và người lao động nên Tổ liên ngành ở hầu hết các tỉnh, thành phố phải đến hiện trường để kiểm soát, không để xảy ra manh động.

Nếu chờ Quyết định của UBND tỉnh, thành phố tuyên bố cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục mới tham gia xử lý thì không kịp thời. Do vậy, thời gian qua, đa số các tỉnh, thành phố không thực hiện đúng các thủ tục theo quy định tại Khoản 1 Điều 222 Bộ luật Lao động.

Rút bớt các bước tiến hành đình công

Bày tỏ quan điểm về việc giải quyết tranh chấp lao động, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng: Chúng ta tôn trọng quyền đình công của người lao động, nhưng trong quan điểm xây dựng Luật là cố gắng giải quyết các tranh chấp lao động thông qua hòa giải, nếu không được, đình công được xem là biện pháp cuối cùng.

Bởi trên thực tế, khi xảy ra đình công, cả người lao động và doanh nghiệp đều bị thiệt, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đôi lúc trên thực tế hiện nay, người lao động đang coi đình công là vũ khí đầu tiên, coi con đường đình công là con đường ngắn nhất để đạt được nguyện vọng, đòi hỏi của mình. Và mỗi khi xảy ra đình công, các tỉnh, thành phố đều phải lập ra tổ công tác hỗ trợ, cơ quan hành chính tham gia hỗ trợ giải quyết.

“Quan điểm của Bộ LĐTBXH, vấn đề mấu chốt là phải hình thành được cơ chế hòa giải, trong đó vai trò nòng cốt thuộc về tổ chức Công đoàn. Quá trình giải quyết, có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị vào hỗ trợ, nhưng sẽ giải quyết trên tinh thần đối thoại, thương lượng và hòa giải. Trường hợp không đạt được đồng thuận, mới tính đến đình công và đình công chỉ là biện pháp cuối cùng” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định.

Tuy nhiên, ông Huân cũng cho rằng: Tới đây, cần nghiên cứu, xem xét cho phép người lao động và người sử dụng lao động có cơ hội lựa chọn một trong các hình thức giải quyết tranh chấp lao động, không cần qua đầy đủ các bước như trong luật hiện hành.

Ngoài ra, cũng cần xem xét trình tự, thủ tục đình công; cần có hướng dẫn về đóng cửa tạm thời nơi làm việc và đề nghị cần có chính sách khuyến khích, đảm bảo cho hòa giải viên lao động thực hiện trách nhiệm hòa giải khi có tranh chấp lao động xảy ra một cách kịp thời, xuyên suốt và có tính chuyên nghiệp cao.

Hơn 1.000 cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật

Theo số liệu thống kê từ Tổng LĐLĐVN: Tính từ năm 2013 (năm BLLĐ 2012 có hiệu lực) đến hết tháng 6.2016, cả nước xảy ra hơn 1.000 cuộc đình công, nhưng tất cả đều diễn ra không tuân theo như các quy định của Bộ luật Lao động 2012.

Theo địa bàn: Các cuộc ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang… (chiếm gần 80%) và các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc (chiếm khoảng 15%).

Theo loại hình doanh nghiệp: Các cuộc ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm khoảng 75%), doanh nghiệp tư nhân (gần 25%), rất ít cuộc đình công xảy ra tại doanh nghiệp Nhà nước (8 cuộc, chiếm 0,25%).

Theo ngành nghề: Các cuộc ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp ngành dệt may (36,5%), da giày (18%), chế biến gỗ (10,6%), điện tử (6,9%), còn lại là các ngành nghề khác (28%).

Theo mục đích: Tranh chấp lao động tập thể về quyền (31%), tranh chấp lao động tập thể về lợi ích (41%) và tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích (28%). 

Bảo Duy (Báo Lao động Thủ đô)