banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Chia sẻ trách nhiệm với Doanh nghiệp
Cập nhật lúc 12:26 ngày 04/01/2014
Nền kinh tế Việt Nam hiện đang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì vậy tính chất của quan hệ lao động thay đổi hoàn toàn khác so với nền kinh tế kế hoạch hoá. Trước đây quan hệ lao động chủ yếu là mệnh lệnh hành chính do Nhà nước quyết định, hiện nay quan hệ lao động là do doanh nghiệp và người lao động tạo thành trên cơ sở lợi ích của cả hai bên, cùng phối hợp, giúp đỡ và cùng có lợi. Sự thay đổi về tính chất của quan hệ lao động đã ảnh hưởng và làm thay đổi đến hoạt động công đoàn. Chính vì vậy để đảm bảo hài hoà lợi ích của hai bên cần có sự chia sẻ cộng đồng trách nhiệm giữa người lao động (đại diện là công đoàn) với người sử dụng lao động (những nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp).

Những năm qua, suy thoái kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và đời sống, việc làm của người lao động. Năm 2012 có khoảng trên 55 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể, phá sản, làm cho hàng trăm nghìn người lao động thiếu việc làm, thất nghiệp. Bối cảnh ấy đòi hỏi công đoàn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp vượt khó để cùng tồn tại, phát triển. Trên thực tế chỉ ở những doanh nghiệp có sự hợp tác, phối hợp làm việc, chia sẻ trách nhiệm giữa công đoàn với lãnh đạo chuyên môn thì sẽ có sự ổn định, gắn bó đoàn kết ngay cả những lúc doanh nghiệp gặp khó khăn.

Trách nhiệm của công đoàn với vai trò đại diện bảo vệ người lao động, phối hợp với doanh nghiệp trong tình hình hiện nay cần tập tung vào các nội dung:


- Công đoàn phải tập trung vào lĩnh vực lao động, lấy việc điều hoà, ổn định quan hệ lao động làm nhiệm vụ xã hội cơ bản. Trong điều kiện kinh tế thị trường, quan hệ lao động phức tạp dễ nảy sinh mâu thuẫn làm gia tăng xung đột, chính vì vậy công đoàn có vai trò điều hoà và ổn định quan hệ lao động xã hội, đây là nhiệm vụ của công đoàn mà không một tổ chức nào có thể thay thế được. Để thực hiện vấn đề này có nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo về việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (Chỉ thị 22-CT/TW, Quyết định 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 1233/KH-TLĐ của Tổng Liên đoàn).

- Công đoàn phải lấy sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế xã hội làm mục tiêu hoạt động. Lợi ích của người lao động có được phải dựa vào sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tồn tại, phát triển thì người lao động mới có việc làm, thu nhập và công đoàn mới duy trì hoạt động được. Do đó, Công đoàn phải nghĩ tới lợi ích của doanh nghiệp, cần phải xét tới tình hình thực tế và sức chịu đựng của doanh nghiệp khi nêu những yêu cầu bảo vệ lợi ích người lao động,

- Công đoàn tổ chức các hoạt động trên cơ sở quy định của pháp luật. Công đoàn thực thi các quyền của mình: Đại diện bảo vệ người lao động, tham gia xây dựng nội quy, quy chế doanh nghiệp, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ với người lao động… được quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, các Luật, văn bản luật khác có liên quan đến quyền của người lao động và công đoàn.

- Xây dựng quan hệ lao động tại doanh nghiệp thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện và giám sát việc giao kết hợp đồng lao động, thương lượng ký kết thoả ước lao động tập thể, thực hiện nội quy, quy chế doanh nghiệp. Đặc biệt, phối hợp tổ chức hội nghị người lao động hàng năm và tăng cường đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động, để có thể có thể chia sẻ thông tin, cùng giải quyết những khó khăn vướng mắc, rất cần thiết phải tổ chức đối thoại. Bộ luật Lao động 2012 đã có quy định về đối thoại tại nơi làm việc về mục đích, hình thức, nội dung, cách tiến hành đối thoại. Cùng với đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/ 2013/ NĐ-CP về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.

- Tổ chức phong trào thi đua làm động lực vượt khó, khích lệ tinh thần tự cường, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cá nhân, tập thể. Phong trào thi đua tập trung vào việc tiết kiệm, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập…, từ đó đời sống người lao động được cải thiện, chăm lo tốt hơn.

- Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật cho người lao động. Những hạn chế trong nhận thức và kiến thức pháp luật khiến người lao động gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình và cũng là mầm mống phát sinh tranh chấp lao động, đình công trái quy định. Phối hợp và tổ chức chăm lo tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần cũng như bảo đảm các chế độ cho người lao động góp phần xây dựng tổ chức công đoàn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của đoàn viên và người lao động.
 


Công đoàn chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp vừa là nhiệm vụ vừa là yêu cầu cần thiết trong hoạt động tại doanh nghiệp. Song chỉ từ một phía công đoàn không thể có kết quả tốt được, rất cần thiết phải có trách nhiệm từ phía doanh nghiệp.

- Trước hết doanh nghiệp phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động, xây dựng nội quy, quy chế doanh nghiệp trên cơ sở quy định của luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đồng thời phải tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người lao động biết, nắm vững quy định pháp luật để thực hiện đúng và mang lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp và người lao động.

- Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường đối thoại với người lao động, tổ chức công đoàn là cơ hội để người sử dụng lao động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, là diễn đàn tiếp nhận đề xuất kiến nghị của người lao động, công đoàn để điều chỉnh điều hành, quản lý doanh nghiệp tốt hơn.

- Phối hợp và tạo điều kiện để tổ chức công đoàn hoạt động và làm tốt chức năng nhiệm vụ chính là góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay càng cần thiết phải có nhận thức đúng từ doanh nghiệp và công đoàn. Nếu không có sự phối hợp, chia sẻ thì doanh nghiệp đã khó lại càng khó hơn và dễ dẫn đến nguy cơ không tồn tại, tổ chức công đoàn cũng tan rã khi không còn doanh nghiệp và người lao động. Chính vì vậy, Công đoàn cần gắn hoạt động với thực tế doanh nghiệp và chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp vì lợi ích chung.


Nguyễn Xuân Thái
Công đoàn Công Thương Việt Nam