banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Có kỹ năng, thương lượng sẽ hiệu quả!
Cập nhật lúc 08:20 ngày 12/09/2016

Để thương lượng các vụ tranh chấp lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể có hiệu quả, đòi hỏi cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) phải có kỹ năng và kiến thức pháp luật.

Thương lượng hiệu quả không chỉ góp phần làm hài hòa lợi ích người lao động (NLĐ) và chủ doanh nghiệp (DN) mà còn là bước quan trọng để kéo giảm tranh chấp lao động.

Thương lượng tốt sẽ hạn chế được những cuộc tranh chấp lao động.

Không áp đặt

Đầu năm 2016, cuộc đình công của công nhân (CN) Cty N (KCX Tân Thuận, TP.HCM) kéo dài gần 10 ngày, lý do vì CN không chấp nhận phương án tăng lương của chủ DN. Theo đó, trước kỳ điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2016, chủ DN đã nhanh tay cắt 200 nghìn đồng tiền chuyên cần của CN để đưa vào lương cơ bản. Cho rằng, nếu đưa phụ cấp vào lương cơ bản, tiền tăng ca sẽ tăng lên nên CN rất hào hứng, đồng thuận. Tuy nhiên, mọi căng thẳng diễn ra khi kỳ điều chỉnh lương tối thiểu chính thức bắt đầu, chủ DN cho biết, lương cơ bản của Cty đã cao hơn lương tối thiểu vùng (tính cả phần phụ cấp chuyên cần vừa được đưa vào) nên Cty sẽ không điều chỉnh.

Cho rằng ban giám đốc áp đặt cách tăng lương nên CN đã nhiều lần kiến nghị, đề nghị Cty thay đổi nhưng kiến nghị này không được hồi đáp. Quá bức xúc, CN đã đình công phản ứng, cuộc đình công kéo dài gần 10 ngày liền gây thiệt hại không nhỏ cho chính DN và NLĐ. Điều đáng nói, vụ đình công kéo dài gây thiệt hại nhưng thương lượng không thành.

“Nguyên nhân sâu xa của vụ đình công chính là việc ban giám đốc đã không tôn trọng ý kiến của NLĐ. Tùy tiện áp đặt cách tính lương, dù Cty có lý lẽ của mình là mức lương cơ bản Cty áp dụng cao hơn mức lương tối thiểu nên không tăng nhưng chính việc cắt giảm phụ cấp để đưa vào lương đã gây bức xúc cho NLĐ”, một cán bộ CĐ Ban quản lý KCN - KCX TP.HCM nhận định.

Lắng nghe ý kiến tập thể

Lắng nghe ý kiến tập thể, nhưng không bỏ qua bất cứ thắc mắc của cá nhân nào là kinh nghiệm của ông Đinh Văn Giai - Chủ tịch CĐCS Cty Toàn Thắng (TP.HCM) - khi thương lượng thỏa ước lao động tập thể. Theo ông Giai, trước khi thương lượng điều gì với chủ DN, CĐCS đều tổ chức lấy ý kiến CN. Đặc biệt là trước khi đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu, ngoài việc rà soát chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ hiện có, CĐCS chủ động lấy ý kiến đóng góp của tập thể lao động để giúp DN có cái nhìn toàn diện hơn về đời sống NLĐ. Bên cạnh đó, trước khi thỏa thuận, BCH CĐCS Cty chuẩn bị những tài liệu về trượt giá, lạm phát và bảng chi tiêu cơ bản của NLĐ để làm cơ sở thuyết phục chủ DN.

“Trong quá trình thương lượng, hai bên phải đảm bảo nguyên tắc: Đúng luật và ổn định đời sống NLĐ. Không được cắt giảm phụ cấp, đảm bảo tăng lương thâm niên, tay nghề, chuyên môn của CN vẫn đảm bảo như cũ, công bằng cho tất cả CN”, ông Giai chia sẻ.

Còn chị Mỹ Hương, làm việc tại một Cty may ở quận 7, TP.HCM, chia sẻ: Khi thương lượng, BCH CĐ Cty phải tính được cả những khả năng và nguy cơ nếu việc thỏa thuận không thành, trái ý kiến của tập thể NLĐ để DN chủ động, đánh giá thiệt hơn.

“Để thương lượng đạt hiệu quả, CĐCS phải làm tốt việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và chọn lọc những ý kiến khả thi nhất để thương lượng với người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, để hài hòa lợi ích NLĐ và người sử dụng lao động, cán bộ CĐ cần có kỹ năng thương lượng. CĐ cần chủ động khắc phục những khó khăn về giờ giấc của CN, làm sao để CN phải quan tâm đến việc cho ý kiến thương lượng. Nhiều CĐCS đã vận dụng mạng xã hội để tập hợp ý kiến CN. Khi nội dung thương lượng đại diện cho tập thể, là tiếng nói của tập thể thì chất lượng của cuộc thương lượng sẽ được nâng lên”, ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ TP.HCM - chia sẻ.

Nguồn Báo Lao động