banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 9/9
Cập nhật lúc 10:46 ngày 09/09/2016

Trong ngày 09 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5; Đăk Lăk: Thủy điện thiếu nước phát điện; Làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào dệt may; Phó Thủ tướng: Đóng cửa nhà máy thép không đáp ứng quy chuẩn môi trường; Không dễ đưa hàng Việt sang ASEAN; Kết nối hàng Việt với các kênh phân phối.

Thông tin cụ thể:

1. Xăng E5 chưa đủ sức cạnh tranh với xăng khoáng. 


Thời gian qua, với sự nỗ lực của các bộ, ngành, doanh nghiệp, việc tiêu thụ xăng sinh học E5 được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, loại xăng này vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với xăng khoáng truyền thống.

Ông Trần Mạnh Hà – Giám đốc PV Oil Hà Nội cho rằng để đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5, doanh nghiệp cần được hỗ trợ chi phí vệ sinh súc rửa bồn bể, trụ bơm, chi phí trang bị logo, bảng hiệu, ưu đãi về chiếu khấu... Bên cạnh đó, nhà nước cần tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu đầy đủ về lợi ích của loại xăng này.

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giá bán của xăng E5 chưa hấp dẫn. Nhà nước cần có chính sách phù hợp để giá xăng E5 thấp hơn xăng khoáng khoảng 1.000 đồng/lít, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở pha trộn, điểm bán xăng E5.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có chính sách dài hạn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nhiên liệu sinh học như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ; xem xét miễn thuế, phí môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông....

2. Đăk Lăk: Thủy điện thiếu nước phát điện

Sở Công Thương Đăk Lăk cho biết, do hạn hán trong mùa khô vừa qua kéo dài, mùa mưa năm nay đến muộn, lượng mưa lại ít nên lưu lượng nước hồ chứa thấp, nhiều Nhà máy thủy điện trên địa bàn sản xuất không đạt kế hoạch và công suất thiết kế. Hiện 12 nhà máy điện loại vừa đang hoạt động mới cung cấp được khoảng 20% sản lượng điện cho hệ thống điện trong tỉnh.

3. Làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào dệt may. 

Với những lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, ngành dệt may Việt Nam đang đón làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài mà chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Bên cạnh kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp dệt may, đồng thời giúp thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ dệt may phát triển, điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp dệt may trong nước đứng trước sức ép cạnh tranh vô cùng lớn ngay trên sân nhà, hơn thế là hiểm họa môi trường tiềm ẩn. 

4. Phó Thủ tướng: Đóng cửa nhà máy thép không đáp ứng quy chuẩn môi trường. 

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về môi trường ở các nhà máy thép. Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu thép cho nền kinh tế ngày càng tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Để ngành thép đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương rà soát Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 để điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Miền Nam có nguy cơ thiếu điện

Tính toán cân bằng cung - cầu điện toàn quốc đối với phương án cơ sở trong giai đoạn 2017 - 2020, miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung - cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hằng năm khoảng 10-15% tổng nhu cầu miền.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm đủ điện cho miền Nam, cho nhu cầu công nghiệp hoá, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới. Bên cạnh việc tăng năng lực truyền tải điện trục Bắc - Nam thì phát triển nhiệt điện tại các tỉnh ĐBSCL chính là giải pháp phù hợp nhất. Trong đó, ưu tiên xây dựng các nhà máy nhiệt điện tại Trà Vinh.

6. Không dễ đưa hàng Việt sang ASEAN. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng thị trường ASEAN có sự tương đồng cao với các mặt hàng Việt Nam nên sẽ có những khó khăn nhất định đối với hàng Việt. Do đó, để có thể thành công trên từng thị trường, điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ từng đặc tính riêng của thị trường để có các hoạt động thâm nhập phù hợp.

Với trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Bộ Công Thương có trách nhiệm tìm những thị trường trong ASEAN và mặt hàng phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào.

7. Kết nối hàng Việt với các kênh phân phối.

Tăng cường hỗ trợ DN để phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) là chủ trương lớn của ngành công thương đã và đang thực hiện nhằm đưa hàng Việt lan tỏa hơn tới người tiêu dùng trong nước.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã có bài trả lời phỏng vấn trên Thời báo Kinh tế Việt Nam về vấn đề kết nối hàng Việt với các kênh phân phối. Theo Thứ trưởng Thoa, CVĐ là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước bền vững. Qua đó động viên các DN sản xuất hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.Ngành công thương cũng có nhiều chương trình nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cho DN có cơ hội quảng bám giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường.

Hiện nay, hàng Việt đang đối diện với những cạnh tranh với hàng ngoại nhập có chất lượng tốt, mẫu mã bao bì đẹp. Chúng ta đã mở cửa thị trường thì phải chấp nhận cạnh tranh. Với đề án phát triển thị trường trong nước, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ DN Việt trên thị trường bán lẻ, ưu tiên các điểm bán lẻ cho DN Việt, hỗ trợ DN đưa hàng về nông thôn, miền núi...

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)