banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 31/8
Cập nhật lúc 05:34 ngày 31/08/2016
Trong ngày 31 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Thổ Nhĩ Kỳ liên tục áp thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; Bắt vụ buôn thực phẩm chức năng nghi giả số lượng cực lớn; Bộ Công Thương và Bộ Tài chính muốn siết kinh doanh đa cấp; Siêu dự án thép 10 tỷ USD: Không nên sử dụng công nghệ Trung Quốc; Hàng Việt vào mùa khuyến mãi; Bộ Công Thương không cần nghĩ thay, lo thay cho doanh nghiệp.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Thổ Nhĩ Kỳ liên tục áp thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.


Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vừa công bố kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Thổ Nhĩ Kỳ quyết định áp thuế ở mức 240 USD/m3 đối với gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam đối với các doanh nghiệp không tham gia cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ. Mức thuế này cũng bằng với mức Thổ Nhĩ Kỳ áp cho Trung Quốc từ năm 2006 cho đến nay.

Chỉ có hai doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không bị áp thuế do có hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra. Thời gian áp dụng mức thuế được tính ngay khi Bộ Kinh tế đăng nội dung kết luận điều tra trên công báo của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, sản phẩm sợi dún polyester (polyester textured yarn) xuất khẩu từ Việt Nam cũng đã bị Thổ Nhĩ Kỳ xác định biên độ phá giá ở mức 34,81-72,56%, cao hơn Thái Lan rất nhiều trong vụ kiện chống bán phá giá được khởi xướng điều tra từ tháng 5-2015, do Tập đoàn Korteks Mensucat Sanayi ve Tic. A.S giữ vai trò nguyên đơn khởi kiện. Dự kiến đến tháng 10-2016, quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá đối với sợi dún sẽ được bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ công bố. 

2. Bắt vụ buôn thực phẩm chức năng nghi giả số lượng cực lớn.

Lực lượng An ninh kinh tế và Quản lý thị trường Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra 6 địa điểm sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH thương mại SLIM HMN Việt Nam và đã thu giữ một lượng lớn thực phẩm chức năng nghi làm giả. Tại các điểm kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ một số lượng lớn thực phẩm chức năng nghi là làm giả cùng hàng ngàn tem, nhãn mác và dụng cụ đóng gói sản phẩm Việt Nam. Lực lượng chức năng đã tạm giữ một số lượng lớn thực phẩm chức năng cùng hàng ngàn tem, nhãn mác và dụng cụ đóng gói sản phẩm.

Thông tin từ Phòng an ninh kinh tế Hà Nội cho biết, để thiết lập hệ thống sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng quy mô lớn này, nghi phạm Đỗ Đình Nghĩa là người đại diện cho Công ty SLIM HMN Việt Nam đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như thuê nhiều địa điểm để tập kết hàng, đóng gói sản phẩm vào ban đêm để qua mắt người dân và lực lượng chức năng. 

3. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính muốn siết kinh doanh đa cấp.

Báo Tiền phong đưa tin: Bộ Công Thương cho biết đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Việc lập ban soạn thảo, tổ biên tập này nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý bán hàng đa cấp theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong khi đó, Bộ Tài chính lại đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo đó, mức phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cấp mới và gia hạn là 5 triệu đồng/lần thẩm định; nếu sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận mức phí là 3 triệu đồng/lần thẩm định. Mức phí này bằng mức phí quy định hiện hành. Tổ chức thẩm định được để lại 90% tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí phục vụ thẩm định, 10% còn lại nộp về ngân sách nhà nước. 

4. Siêu dự án thép 10 tỷ USD: Không nên sử dụng công nghệ Trung Quốc.

UBND tỉnh Ninh Thuận và Bộ Công Thương mới đây đã phê duyệt Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận với tổng công suất 16 triệu tấn/năm của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG). Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2017.

Bình luận về dự án này, TS Ngô Trí Long cho rằng: "Thép là lương thực quan trọng của ngành cơ khí, ngành công nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cũng đang kêu gọi đầu tư, do đó, nếu khai thác được nguồn lực trong nước thì tốt, tư nhân làm được thì rất cần". Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề: "Phải xem vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD thì chủ đầu tư có tiềm lực hay không, công nghệ sử dụng cũng phải là công nghệ khô không phải ướt như Formosa để đảm bảo môi trường. Nội lực trong nước xin đầu tư thì nên khuyến khích nhưng phải có sự thẩm tra xác minh cụ thể, có bằng chứng, không chung chung được". 

5. Hàng Việt vào mùa khuyến mãi.


Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM - Saigon Co.op ra chương trình khuyến mãi dành riêng cho hàng Việt và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam với quy mô lớn nhất hệ thống có tên “Tự hào hàng Việt”. Tinh thần tự hào dân tộc này đã được 600 nhà cung cấp và người tiêu dùng trong nước nhiệt liệt ủng hộ. Việc siêu thị và nhãn hàng cùng liên kết để thực hiện chương trình khuyến mãi quy mô lớn dành riêng cho hàng Việt thì từ trước tới nay chưa có mấy. Đặc biệt là chương trình có quá trình trên chục năm, có uy tín thì càng khan hiếm.

Nổi bật trong hàng loạt chương trình về hàng Việt trên thị trường bán lẻ trong nước hiện nay phải kể đến chương trình “Tự hào hàng Việt” mà tiền thân là chương trình “Người tiêu dùng và hàng Việt Nam chất lượng cao” đã được Saigon Co.op khởi động năm 1996 khi đưa vào hoạt động Co.opmart đầu tiên là Co.opmart Cống Quỳnh. Khác với các chương trình mang tính phong trào nhất thời, mượn danh hàng Việt, “Tự hào hàng Việt” đã được Saigon Co.op gắn kết với những đối tác tâm huyết kiên trì thực hiện liên tục gần 20 năm qua với quy mô và chất lượng không ngừng được nâng lên hằng năm. 

6. Bộ Công Thương không cần nghĩ thay, lo thay cho doanh nghiệp.

Đó là tiêu đề bài viết đăng trên Vietnam net 30/8. Bài viết phản ánh: Trong quá trình tranh cãi về sự tồn tại các quy định tương tự như Thông tư 20 về kinh doanh ô tô nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đề nghị phải có trạm bảo hành, bảo dưỡng được chính hãng hoặc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp phép. Trong khi đó, chính Bộ GTVT lại là đơn vị chủ động muốn xóa bỏ việc kinh doanh trạm bảo hành, bảo dưỡng ô tô ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Còn các ông chủ của gara ô tô cho rằng, giấy phép không làm nên uy tín một gara.

Bài báo dẫn lời một chủ gara ô tô: “Theo chúng tôi, việc bảo hành bảo dưỡng ô tô không nhất thiết phải là ngành kinh doanh có điều kiện. Đã đến lúc, Bộ Công Thương không nên nghĩ thay, lo thay cho doanh nghiệp (DN). Tiền DN bỏ ra hãy để DN tự quyết".

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)