banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 22/8
Cập nhật lúc 09:49 ngày 23/08/2016

Trong ngày 22 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước. Thông tin cụ thể như sau: Gara ôtô lo sẽ đóng cửa vì đề xuất của Bộ Công Thương?; Xử phạt Công ty Thiên Ngọc Minh Uy 114 triệu đồng; Nhiệt điện than đã hết thời; Trung Quốc lập rào “chặn” xuất khẩu Việt Nam; Trung Quốc lập rào “chặn” xuất khẩu Việt Nam;  Các điểm bán hàng Việt gặp nhiều khó khăn.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Gara ôtô lo sẽ đóng cửa vì đề xuất của Bộ Công Thương? Bộ Công Thương chính thức đề nghị Thủ tướng bỏ TT 20/2011, đồng thời kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì ban hành quy định buộc tất cả các loại phương tiện đường bộ phải bảo đảm được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của VN. Đề nghị trên khiến hàng ngàn cơ sở sửa chữa ôtô có khả năng đóng cửa.


TT 20 bổ sung thêm hai loại giấy tờ doanh nghiệp phải đáp ứng là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối chính hãng, giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện khiến các doanh nghiệp bức xúc. Có nghĩa hàng ngàn cửa hàng sửa chữa ôtô, gara ôtô tư nhân hiện nay sẽ có nguy cơ đóng cửa?

Trả lời Tuổi Trẻ về quy định trên, một lãnh đạo có thẩm quyền ở Bộ Công Thương cho rằng Bộ chỉ kiến nghị chung, còn quy định cụ thể như thế nào nếu Thủ tướng đồng ý sẽ là Bộ Giao thông Vận tải quy định chi tiết. Tuy nhiên, tinh thần chung là đề nghị bỏ điểm 1 của TT 20/2011. Thay vào đó, sẽ phải tăng cường điểm thứ hai, đó là cần có “Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện”…

2. Xử phạt Công ty Thiên Ngọc Minh Uy 114 triệu đồng. Ngày 20-8, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, một chi nhánh và một đại lý bán hàng đa cấp của công ty này vừa nộp phạt tổng cộng 114 triệu đồng, theo quyết định xử phạt của chi cục.

Theo đó, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy bị phạt 90 triệu đồng. Chi nhánh công ty tại Vĩnh Long bị phạt 15 triệu đồng, bị tịch thu số hàng hóa vi phạm trị giá 24,7 triệu đồng; một đại lý bị phạt 9 triệu.

Trên địa bàn An Giang có 5 đại lý bán hàng đa cấp cho Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, qua kiểm tra phát hiện trong 712 chuyên viên kinh doanh chỉ có 252 người có đầy đủ hợp đồng, thẻ thành viên, chứng chỉ đào tạo.

3. Nhiệt điện than đã hết thời. Nhiều quốc gia trên thế giới đóng cửa dần các nhà máy nhiệt điện đốt than để tránh tàn phá môi trường, thay vào đó tập trung khai thác triệt để năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện rác, điện địa nhiệt, điện thủy triều. Trong khi đó, tại VN các nhà máy nhiệt điện không ngừng được xây dựng.


Mới nhất là quy hoạch dự án Nhà máy nhiệt điện than Long An I, do Tập đoàn Daewoo E&C (Hàn Quốc) triển khai, theo hình thức BOT. Long An cách TP.HCM 30 km mà một trung tâm nhiệt điện lớn như vậy thì cũng rất đáng ngại cho sự phát triển tương lai.

Bài học từ Hàn Quốc cho thấy, tại đây, nhà máy nhiên liệu đốt than là một trong những nguồn chính gây ra ô nhiễm thủy ngân. Thủy ngân hiện tại được xem là vấn đề quan trọng trong quản lý ô nhiễm trên toàn thế giới. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng quản lý ô nhiễm thủy ngân vẫn chưa có một công nghệ thích hợp. Hàn Quốc sẽ đóng cửa 10 nhà máy điện than cũ vào năm 2025 và có kế hoạch đầu tư cho năng lượng tái tạo, nhằm thực hiện kế hoạch cắt giảm lượng bụi than.

4. Trung Quốc lập rào “chặn” xuất khẩu Việt Nam. Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc XK hàng sang Trung Quốc.

Thời gian qua, Trung Quốc liên tục tăng rào cản đối với tất cả các ngành hàng như nông sản, thủy sản Việt Nam. Thậm chí, một số mặt hàng không được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu như cá hồi, sắn... nhưng lại tăng mua sản phẩm của các nước khác, khiến XK của Việt Nam lao đao.

Thay vì việc chỉ chú trọng tới thị trường Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần tăng cường chất lượng sản phẩm, chú trọng tới khâu VSATTP để đa dạng hóa thị trường, thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

5. Các điểm bán hàng Việt gặp nhiều khó khăn. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng theo nhiều doanh nghiệp, việc đào tạo đội ngũ bán lẻ chuyên nghiệp vẫn là điểm yếu nhất của hệ thống bán lẻ trong nước do chưa được quan tâm đúng mức. Sức tiêu thụ hàng Việt của các điểm bán lẻ tại các đô thị hiện mạnh hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Tuy nhiên, do nạn ùn tắc giao thông nên việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nông sản và các mặt hàng tươi sống.


Từ chính sách đến thực tế vẫn là khoảng cách khá xa khiến các doanh nghiệp bán lẻ chưa tận dụng được các chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển hệ thống bán lẻ hàng Việt. Vì vậy, việc khơi thông các ưu đãi của Nhà nước để hệ thống bán lẻ phát triển và làm tốt vai trò cầu nối giữa nhà sản xuất hàng Việt với người tiêu dùng là điều cần thiết vào lúc này.

6. Khoai tây Trung Quốc bôi đất đỏ 'biến thành' khoai Đà Lạt. Chất lượng khoai tây Trung Quốc (TQ) thấp hơn hẳn khoai Đà Lạt và tiềm ẩn nguy cơ bị mất an toàn. Nhiều thương lái đưa khoai TQ về tận Đà Lạt, bôi đất đỏ cao nguyên lên củ khoai, đội lốt thương hiệu khoai Đà Lạt để dễ bề tiêu thụ và thu lợi khủng.


UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết để ngăn ngừa tình trạng này, tỉnh đang chỉ đạo các ban ngành chức năng tiến hành khảo sát chọn một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác để xây dựng mô hình điểm hoạt động theo chuỗi giá trị từ khâu gieo trồng, thu hoạch sản phẩm khoai tây đến đóng gói bao bì rồi đưa đi tiêu thụ tại TPHCM và một số tỉnh lân cận. Từ đó giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, tránh mua nhầm khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai Đà Lạt.

7. Thủy sản: Không thể đi ‘dép lê’ để hội nhập. Theo nhìn nhận của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì hoạt động XK thủy sản hiện đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn. Tuy thủy sản là nhóm ngành hàng có lịch sử đi ra thương trường thế giới sớm hơn so với nhiều mặt hàng nông, lâm sản nhưng ngành hàng này vẫn chưa thoát khỏi việc lấy số lượng bù chất lượng khi XK. Muốn tăng tốc trong giá trị, các sản phẩm thủy sản cần có chỗ đứng trên thị trường quốc tế bằng chính thương hiệu được làm nên từ chất lượng của mình.


Đa số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang hỗ trợ tối đa cho ngành thủy sản. Nỗ lực bằng chính chất lượng và quyết tâm bảo vệ thương hiệu của từng doanh nghiệp mới là “đôi giày vạn dặm” để ngành thủy sản vững bước vươn lên trên con đường hội nhập.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)