banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 18/8
Cập nhật lúc 05:22 ngày 18/08/2016

Trong ngày 18 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Đề nghị xóa nợ, khoanh nợ cho nông dân gánh chịu thảm họa; Gạo Việt học gì từ Campuchia?; Hàng Việt ngày càng được ưa chuộng ở Nga; Xuất khẩu rau quả “tăng tốc”.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Đề nghị xóa nợ, khoanh nợ cho nông dân gánh chịu thảm họa. Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và 9 bộ ngành về những giải pháp cụ thể để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2016, trong đó đáng chú ý là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoãn nợ, giãn nợ, xóa nợ đối với nông dân bị ảnh hưởng nặng bởi hiện tượng El Nino (khô hạn), xâm ngập mặn.

Thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp lần đầu sau 15 năm ghi nhận có tăng trưởng âm, trong đó có sự sụt giảm nghiêm lớn của ngành nông nghiệp vào GDP cả nước. Ngành nông nghiệp - một trong những ngành đang thu hút hơn 60% lao động và hộ dân vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, từ quy mô nhỏ, năng suất thấp đến là đối tượng chịu tác động chính của biến đổi khí hậu và các thảm họa.

2. Gạo Việt học gì từ Campuchia? Báo Hải Quan đặt ra câu hỏi trên sau mấy chục năm phát triển mạnh mẽ, gạo Việt lại quay về với câu chuyện nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để giữ thị phần. Cách làm mà Campuchia- một nước đi sau đang làm cũng là cách Việt Nam có thể tham khảo để xây dựng được thương hiệu cho gạo Việt. Sau 20 năm tham gia xuất khẩu gạo, gạo Việt Nam đã đã và đang bị gạo Campuchia, gạo Thái Lan giành mất thị phần. Đặc biệt không chỉ ở thị trường quốc tế, Campuchia còn đang dần thâm nhập thị trường trong nước.


Chuyên gia về nông nghiệp Võ Tòng Xuân cho biết, mỗi năm Campuchia chỉ xuất khẩu mấy chục nghìn tấn gạo nhưng bán sang Việt Nam là nhiều nhất. Có thể thấy, Campuchia nổi lên như một “hiện tượng” trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Chỉ mới đặt chân vào lĩnh vực này 5 năm mà gạo Campuchia đã trở nên nổi tiếng trên thế giới (3 năm liên tiếp đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới và có tới 8 thương hiệu để trưng bày tại Hội chợ thương mại lương thực được tổ chức ở Bangkok - Thái Lan). 

3. Hàng Việt ngày càng được ưa chuộng ở Nga. Các loại gia vị, thực phẩm, hàng tiêu dùng... xuất xứ từ Việt Nam hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của người dân xứ sở bạch dương. Đó là chia sẻ của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở Liên bang Nga - Nguyễn Thanh Sơn trong buổi Hội thảo chuẩn bị cho Tuần lễ hàng Hà Nội tại Mátxcơva diễn ra chiều 17/8 ở Hà Nội. Gần 100 lãnh đạo của hơn 50 doanh nghiệp đã được ban tổ chức cung cấp thông tin cập nhật về tình hình giao thương giữa hai nước, kinh tế Liên bang Nga.

Ông Sơn đánh giá, quốc gia 200 triệu dân này vẫn còn nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt khai thác, đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, may mặc, thực phẩm.  Người dân Nga thích hàng "made in Việt Nam" vì giá cả hợp lý với đại bộ phận người tiêu dùng nơi đây, trong khi chất lượng sản phẩm hơn hẳn hàng đại trà của Trung Quốc. Do vậy, nếu doanh nghiệp Việt chịu đầu tư nghiêm túc, xác lập phương án kinh doanh bài bản sẽ dễ gặt hái thành công khi làm ăn ở xứ sở bạch dương.

Tuy vậy, việc kinh doanh tại thị trường này vẫn còn hạn chế do có nhiều vướng mắc về thuế. Cho tới khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu ký kết cuối tháng 5/2015, những rào cản cơ bản mới tháo gỡ. Cuối năm 2015, lần đầu tiên một hội chợ bán hàng Việt Nam chất lượng cao có quy mô và đầu tư nghiêm túc tổ chức tại Mátxcơva đã giúp không ít doanh nghiệp tìm được hướng đi và đối tác cho mình.

4. Xuất khẩu rau quả “tăng tốc”. Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), khối lượng và kim ngạch xuất khẩu rau quả đang có chiều hướng tăng nhanh. Bất chấp nhiều khó khăn về thiên tai dịch bệnh và thị trường, rau quả Việt lại tăng tốc xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2016, với kim ngạch tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó là những tín hiệu vui từ thị trường khi trái cây từng bước chinh phục được những thị trường khó tính.


Trái vú sữa và xoài đã xâm nhập trên đất Mỹ, mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ cho đăng Công báo Liên bang đề xuất xin ý kiến công chúng về việc sửa đổi các quy định cho phép trái vú sữa và trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: trái cây của chúng ta xuất đi các thị trường này vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân do, phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta năng lực còn yếu, khi đối tác yêu cầu duy trì khối lượng lớn trong một thời gian dài thì thường không đáp ứng được.