banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 15/8
Cập nhật lúc 06:14 ngày 15/08/2016

Trong ngày 15 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Cổ phiếu VEAM chuẩn bị lên “sàn”; PVN bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn hàng ngàn tỉ đồng/năm; Làm rõ vụ thép Trung Quốc “đội lốt” thép Việt; Chủ tịch EVN: “Tái cơ cấu là quá trình không thể chủ quan”.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Cổ phiếu VEAM chuẩn bị lên “sàn”. Thông tin này đang được nhiều nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước quan tâm bởi đây là thương vụ IPO  lớn nhất từ đầu năm tới nay. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, ngày 29/8/2016, Công ty mẹ - Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) sẽ chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 167 triệu cổ phần, tương đương với 12,57% vốn điều lệ sau cổ phần hóa với mức giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phần. Theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, tương đương hơn 677,6 triệu cổ phần. Còn lại 478,3 triệu cổ phần sẽ được phân phối cho nhà đầu tư chiến lược, tương đương 36% vốn điều lệ; 5,6 triệu cổ phần dành cho người lao động và hơn 167 triệu cổ phần, tương đương 12,57% vốn điều lệ sẽ được bán đấu giá công khai cho công chúng đầu tư tại Sở GDCK Hà Nội vào ngày 29/8/2016.


Đặc biệt, VEAM hiện đang có 2 công ty liên doanh chính gồm: Honda Việt Nam (VEAM sở hữu 30%), Toyota Việt Nam (VEAM sở hữu 20%), công ty con là Diesel Sông Công (Disoco) đang sở hữu 25% Ford Việt Nam… Tổng cộng VEAM đang quản lý 03 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 11 công ty con, 09 công ty liên kết và 01 viện nghiên cứu.

2. PVN bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn hàng ngàn tỉ đồng/năm. Thông tin này được phản ánh trên nhiều báo ra ngày hôm nay 15/8, Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) mới đây đã có báo cáo đánh giá tác động liên quan đến thu ngân sách nhà nước khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSRP - ở Thanh Hóa) đi vào hoạt động. Khi NSRP đi vào hoạt động, năm 2017 tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến giảm 1.377 tỉ đồng, năm 2018 giảm 10.929 tỉ đồng, năm 2019 giảm 10.632 tỉ đồng và năm 2020 giảm 14.110 tỉ đồng. Riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), do bao tiêu sản phẩm từ NSRP nên với phương án giá dầu 45 USD/thùng thì sẽ phải bù lỗ 1,54 tỉ USD/10 năm (tương đương khoảng 3.500 tỉ đồng/năm). Tuy nhiên, PVN sẽ thu được lợi nhuận theo tỉ lệ góp vốn 1.400-1.600 tỉ đồng/năm. 

Như vậy, khi NSRP đi vào hoạt động, PVN sẽ phải bù lỗ bình quân 80-110 triệu USD/năm, tương đương khoảng 1.800-2.500 tỉ đồng/năm. Dự kiến dự án sẽ đi vào vận hành thử vào tháng 11/2016 đến tháng 6/2017, vận hành thương mại từ tháng 7/2017. Đến năm 2020 nhà máy sẽ vận hành chính thức.

3. Làm rõ vụ thép Trung Quốc “đội lốt” thép Việt. Liên quan tới vấn đề này, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết đang tích cực trao đổi với các thương vụ tại nước ngoài và các cơ quan liên quan để rà soát lại các dữ liệu, xác minh rõ vụ việc thép Trung Quốc nghi “đội lốt” thép Việt để xuất khẩu vào EU. Bởi nếu có tình trạng trên thì doanh nghiệp thép Trung Quốc sẽ được hưởng lợi lớn khi né được thuế chống bán phá giá. Trong khi đó, thương hiệu thép Việt khi xuất khẩu sang thị trường EU lại bị nghi ngờ dẫn đến bị điều tra oan, mất uy tín trên thị trường thế giới.

Trước đó, thông tin từ Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) nghi ngờ số lượng thép trị giá khoảng 19 triệu USD là của doanh nghiệp Trung Quốc bán vào Việt Nam, rồi để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU với giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Việt Nam nhằm tránh thuế chống bán phá giá. 

Hiện nay, do giá thành rẻ cộng với sản lượng dư thừa lớn, thép Trung Quốc đã tác động không hề nhỏ đến lĩnh vực sản xuất thép của nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. EU và một số nước đang có các hình thức ngăn chặn thép Trung Quốc giá rẻ tràn vào bằng việc tăng thuế chống bán phá giá.

4. Chủ tịch EVN: “Tái cơ cấu là quá trình không thể chủ quan”. Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, trọng tâm của công tác tái cơ cấu là hoàn thành cổ phần hoá 3 tổng công ty phát điện, đồng thời việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN cần tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng xuất lao động và đặc biệt cần phải đáp ứng yêu cầu hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và đạt mục tiêu đứng trong top 4 nước ASEAN về lĩnh vực điện lực ….


Để thực hiện được điều trên, theo ông Thành, EVN tập trung tái cơ cấu về tổ chức và sở hữu; rà soát, tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh và đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp. “Tái cơ cấu là một quá trình không thể chủ quan, duy ý chí, tái cơ cấu phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế quốc dân, không ảnh hưởng xấu đến các khách hàng và đối tác, không tăng thêm các chi phí và giảm thiểu phát sinh các đầu mối quản lý trung gian”, ông Dương Quang Thành kết luận.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)