banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 10/8
Cập nhật lúc 07:16 ngày 10/08/2016

Trong ngày 10 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gỡ khó cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Quản lý khai thác khoáng sản: Quản lý bất cập, “chảy máu” khoáng sản nhiều; Doanh nghiệp Việt làm gì để đón đầu FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á – Âu; Ngành than lại kêu khó, tiếp tục xin giảm thuế tài nguyên; Xem xét gia hạn áp thuế tự vệ với dầu thực vật nhập khẩu.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gỡ khó cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. 

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại miền Trung, chiều 09/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm và làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng lưu ý việc phải bảo đảm an toàn tuyệt đối Nhà máy lọc dầu Dung Quất cùng với việc bảo vệ môi trường. Về vấn đề chênh lệch bất bình đẳng về thuế suất, Thủ tướng cho biết sẽ đưa vấn đề này ra bàn bạc với Thường trực Chính phủ vào thứ Sáu tới, với tinh thần ủng hộ kiến nghị của BSR và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh, hài hòa với lợi ích của đất nước. 

2. Quản lý khai thác khoáng sản: Quản lý bất cập, “chảy máu” khoáng sản nhiều. 

Tại hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và khuyến nghị” vừa được Trung tâm Con người và Thiên nhiên chủ trì tổ chức, cho biết Việt Nam hiện có hơn 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau, với khoảng 170 doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nguồn tài nguyên lớn, điểm mỏ nhiều, nhưng hiệu quả đóng góp của khai thác khoáng sản vào nền kinh tế còn thấp và có nhiều hệ lụy.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, hiện các cơ quan Nhà nước đang đứng ở thế bị động trong quản lý khai khoáng. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến có tình trạng trốn thuế khai thác tài nguyên, vận chuyển, buôn bán lậu khoáng sản trở thành vấn nạn ở nhiều địa phương, còn ngân sách nhà nước thất thu. Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến hoạt động khai khoáng ở Việt Nam còn lộn xộn, hiệu quả kinh tế cho quốc gia chưa cao, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính, do chính sách thuế tài nguyên còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế và trốn thuế. 

Thực trạng quản lý khai thác khoáng sản còn lỏng lẻo, nạn khai thác trái phép, buôn lậu khoáng sản vẫn diễn ra không chỉ gây thiệt hại tài nguyên quốc gia, thất thu ngân sách nhà nước mà còn sinh ra nhiều hệ lụy về môi trường và xã hội. Do đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần xốc lại công tác quản lý khai khoáng.

3. Doanh nghiệp Việt làm gì để đón đầu FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu. 

Theo Bộ Công Thương, để tận dụng ưu đãi mà Hiệp định FTA Việt Nam - EAEU mang lại, các doanh nghiệp Việt cần xem xét kỹ các mặt hàng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của thị trường mới. Chỉ còn khoảng 60 ngày tới, Hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn đến với thị trường có hơn 183 triệu dân.

4. Ngành than lại kêu khó, tiếp tục xin giảm thuế tài nguyên. 

Lý giải nguyên nhân vì sao than trong nước kém cạnh tranh hơn so với than nhập khẩu, đại diện TKV cho rằng, thuế tài nguyên của Việt Nam cao hơn các nước như Indonesia, Úc, Trung Quốc từ 5 - 7%.

Phó Tổng giám đốc TKV đề xuất giảm thuế tài nguyên trong nước, tránh để than nước ngoài tràn vào Việt Nam làm ảnh hưởng đến sản xuất, tình hình việc làm của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã đề ra các giải pháp ổn định việc làm bằng cách giảm sản lượng đủ để công nhân mỏ làm việc 5 ngày/tuần.

5. Xem xét gia hạn áp thuế tự vệ với dầu thực vật nhập khẩu. 

Cục Quản lý cạnh tranh đã ra thông báo về thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam.

Nếu ngành sản xuất trong nước thấy cần gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ phải gửi Hồ sơ yêu cầu gia hạn cho Bộ Công Thương theo quy định tại Điều 10.1 và Điều 26 của Pháp lệnh 42 trước ngày 08 tháng 11 năm 2016.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)