banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Chủ tịch công đoàn phải hoạt động độc lập
Cập nhật lúc 08:10 ngày 08/08/2016

Chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) là người có trách nhiệm đầu tiên trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Để bảo vệ hiệu quả quyền lợi chính đáng của người lao động, bên cạnh việc nâng cao năng lực, cần có giải pháp hỗ trợ Chủ tịch CĐCS hoạt động độc lập khi thực thi nhiệm vụ.

 

Cán bộ công đoàn có năng lực, có bản lĩnh, trách nhiệm cao sẽ đấu tranh hiệu quả hơn cho quyền lợi người lao động

Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Việt Pacifict (quận Hà Đông) Nguyễn Tràng Hưng cho biết, với 1.500 lao động, trong đó 97% là nữ, việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho từng lao động, bảo đảm quyền lợi về BHXH, BHYT, giờ làm việc, chế độ phụ cấp, trợ cấp… không đơn giản. Chủ tịch công đoàn thường xuyên phải giao ban, phối hợp cùng lãnh đạo công ty giải quyết các vấn đề phát sinh. Nhiệm vụ nặng nề, trong khi Chủ tịch CĐCS cũng là một lao động, nếu làm việc không vừa ý chủ rất dễ bị sa thải. Chủ tịch CĐCS sẽ phải lựa chọn giữa một bên là bảo vệ quyền lợi người lao động (phần lớn không hiểu biết đầy đủ chính sách, pháp luật, quyền lợi của mình), một bên là quyền lợi của bản thân, nên dễ thỏa hiệp.

Giám đốc nhân sự Công ty CP Hãng sơn Đông Á Lan Anh cho rằng, theo chức năng, Chủ tịch CĐCS là người “đứng mũi chịu sào” trong việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Điều này đòi hỏi Chủ tịch CĐCS phải có trình độ, kiến thức và kỹ năng. Không những thế, Chủ tịch CĐCS còn phải tích cực hoạt động nhằm thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong doanh nghiệp, tạo điều kiện nâng cao tay nghề, trình độ cho công nhân, lao động, làm lợi cho doanh nghiệp và người lao động... 

Nhiều năm làm công tác công đoàn, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản bổ sung thêm, Chủ tịch CĐCS phải có đủ cả “tâm” và “tầm”, phải theo dõi sát sao, gần gũi, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người lao động, giải thích các vướng mắc, xử lý mâu thuẫn giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Để làm tốt chức trách của mình, Chủ tịch CĐCS cần chủ động phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, sao cho quyền lợi của người lao động được thực hiện tốt hơn so với các quy định của pháp luật đề ra, nhưng vẫn phải bảo đảm quan hệ hài hòa giữa hai bên.

Nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, đòi hỏi cả kinh nghiệm lẫn trách nhiệm cao, Chủ tịch CĐCS rất cần được tổ chức Công đoàn và hệ thống chính sách, pháp luật hỗ trợ đắc lực. Trong khi đó, hệ thống chính sách pháp luật lao động của Việt Nam vẫn chưa đầy đủ, khiến cho việc vận dụng để bảo vệ quyền lợi của người lao động còn nhiều vướng mắc. Điều này đòi hỏi Chủ tịch CĐCS cũng như cán bộ công đoàn phải có năng lực thực sự, có bản lĩnh, trách nhiệm cao mới có thể đấu tranh hiệu quả vì người lao động…

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Chủ tịch CĐCS nhận lương của chủ sử dụng lao động đã khiến việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động gặp nhiều khó khăn, khó có thể thực hiện quyết liệt, triệt để. Để giải quyết mâu thuẫn này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ công đoàn, rất cần có giải pháp, cơ chế để Chủ tịch CĐCS được trả thù lao xứng đáng và quan trọng nhất là không nhận lương từ chủ sử dụng lao động. 

Để bảo đảm cho Chủ tịch CĐCS hoạt động độc lập, không bị chi phối, Chủ tịch CĐCS sẽ nhận lương từ chính những đoàn viên công đoàn của mình, có sự điều phối của công đoàn cấp trên cơ sở. Như vậy, Chủ tịch CĐCS vừa phải bảo đảm quyền lợi của người lao động (người đóng đoàn phí công đoàn để trả lương cho Chủ tịch CĐCS), vừa không vi phạm quyền lợi của chủ sử dụng lao động (đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động). Mức thù lao cho Chủ tịch CĐCS cũng phải tương xứng, có như vậy, việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động mới thực sự hiệu quả.

Theo Báo Hà Nội Mới