banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 02/8
Cập nhật lúc 05:32 ngày 02/08/2016

Trong ngày 02 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Thông tin cụ thể như sau: Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:"Tập trung giải quyết những tồn tại về công tác cán bộ"; Hàng loạt “đại gia” dầu khí tháo chạy khỏi Việt Nam; Về sự cố vỡ đường ống dẫn xút Nhà máy alumin Nhân Cơ; Về vấn đề cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Tập trung giải quyết những tồn tại về công tác cán bộ". 

Trên nhiều trang nhất báo ra hôm nay 02/8 đăng bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về công tác cán bộ của Bộ trong thời gian qua. Các bài báo nhấn mạnh:  Trong buổi trả lời phỏng vấn đầu tiên sau khi Quốc hội phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh cũng đã nêu rõ một số quan điểm về định hướng chỉ đạo, điều hành ngành Công Thương trong thời gian tới. Việc ưu tiên đầu tiên là cơ cấu lại Bộ: “tập trung quyết liệt xây dựng bộ máy tổ chức, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và của hội nhập, đáp ứng được chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng gần đây về thể chế, về con người. Trước mắt, chúng tôi phải tập trung vào giải quyết những tồn tại công tác cán bộ” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bên cạnh đó, các vấn đề về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; các dự án không phát huy hiệu quả có nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước, xã hội do triển khai chậm, kéo dài; lĩnh vực thương mại có thị trường bán lẻ, hệ thống phân phối, các ngành công nghiệp như công nghiệp nặng: Cơ khí, chế tạo máy, ô tô... hay công nghiệp nhẹ vẫn chủ yếu là làm gia công, xuất khẩu… đã được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ trong bài phỏng vấn. 

2. Hàng loạt “đại gia” dầu khí tháo chạy khỏi Việt Nam. 

Điển hình mới gần đây nhất là dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội 22 tỷ USD đã chính thức được đề nghị không nằm trong Quy hoạch phát triển dầu khí Việt Nam đến năm 2025. Tính tới thời điểm này đã có ít nhất 3 “đại gia” dầu khí tháo chạy khỏi Việt Nam. Trước đó, một công ty đến từ Nga - Tập đoàn Gazprom Neft (GPN) hồi đầu năm cũng đã chính thức có thông báo không tiếp tục đàm phán chuyển nhượng 49% cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Còn Dự án Tổ hợp lọc hoá dầu niềm Nam (Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu) trì hoãn 8 năm, trong đó có nguyên nhân, Tập đoàn Qatar Petroleum (Qatar) đã rút khỏi dự án vào năm 2015. Dự án do liên doanh giữa PVN, Tập đoàn SCG và Tập đoàn Qatar Petroleum (Qatar) làm chủ đầu tư, việc Qatar rút khỏi dự án đã tác động không nhỏ đến tiến độ của toàn bộ dự án. 

3. Về sự cố vỡ đường ống dẫn xút Nhà máy alumin Nhân Cơ. 

Sự cố vỡ đường ống dẫn xút Nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) cảnh báo thảm hoạ môi trường ngang tầm Formosa, báo chí ngày 2/8 đã đăng tải dày đặc thông tin này.

Sáng 23/7, sự cố đường ống Nhà máy Alumin Nhân Cơ (do nhà thầu Chalieco, Trung Quốc phụ trách) khiến hóa chất kiềm tràn ra bên ngoài, một phần kiềm thẩm thấu xuống lòng đất trong phạm vi 600m2, phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao. Khi thấy cá trên suối Đắk Dao chết, nhiều người dân, trong đó có cả trẻ em đã lội xuống dòng suối này vớt cá về ăn.

Các bài báo dẫn lời Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phổ, Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản, (Hội Địa chất Việt Nam) cho biết, nếu không cẩn trọng trong khai thác boxit ở Nhân Cơ sẽ có nguy cơ thảm họa môi trường giống Formosa ở Tây Nguyên. PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ bày tỏ lo lắng: “Quả thực đây là điều báo động cực kỳ nguy hiểm đối với quá trình sản xuất alumin ở khu vực Nhân Cơ. Về nguy hại lâu dài sẽ vô cùng khủng khiếp”.

Ngày 2/8 Tập đoàn Công nghiệp Than  - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có báo cáo Bộ Công Thương về tình hình xử lý và mức độ ảnh hưởng sau sự cố..

4. Về vấn đề cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam. 

Trên Báo đấu thầu có bài viết “Bộ Công Thương rút lui, Gelex có lột xác?” phản ánh: Đã hơn 7 tháng kể từ phiên giao dịch kỷ lục của GEX (cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam - Gelex) với khối lượng cổ phiếu khớp lệnh lên tới 122 triệu đơn vị, gần 2.200 tỷ đồng đã được trao đổi qua sàn. Bộ Công Thương, thay vì chào bán 122 triệu cổ phần cơ quan này sở hữu thông qua đấu giá, đã “nhẹ nhàng” đưa lên sàn, hoàn tất thoái vốn chỉ trong 30 phút mở cửa phiên giao dịch ngày 25/12/2015. Năm 2015, kết quả kinh doanh của Gelex vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc với lợi nhuận đạt được 321 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với kết quả thực hiện năm 2014. Tuy nhiên, cổ phiếu GEX đã trải qua nhiều biến động thăng trầm kể từ khi Bộ Công Thương nhường sân chơi cho các tổ chức/cá nhân khác.

Với gần 80 trang tài liệu, ĐHĐCĐ bất thường của Gelex tổ chức ngày 1/8/2016 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến định hướng phát triển của công ty này giai đoạn “hậu” Bộ Công Thương. Điều dễ thấy nhất là kế hoạch đầu tư khá dồn dập của Gelex với việc thành lập các công ty con có tư cách pháp nhân độc lập, với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Có thể kể đến Công ty TNHH MTV Thiết bị đo điện (Gelex EMIC) với số vốn 368 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Bất động sản Gelex với số vốn 900 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Gelex (vốn 600 tỷ đồng). Đặc biệt, Gelex sẽ đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng vào lĩnh vực logistics.

Với một doanh nghiệp vừa thoát cái áo nhà nước, kế hoạch đầu tư của Gelex được đánh giá như việc lột xác, mở ra một chương hoàn toàn mới. Nhưng vốn lấy từ đâu? Bức tranh về Gelex giai đoạn “hậu” Bộ Công Thương đã bắt đầu được đặt những nét vẽ đầu tiên. Những biến động lớn lao tại doanh nghiệp này vẫn cần thời gian để thẩm định hiệu quả. 

LH (Nguồn Bộ Công Thương)