banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động các khu công nghiệp
Cập nhật lúc 09:16 ngày 26/07/2016

Hiện nay cả nước có 310 khu công nghiệp và 16 khu kinh tế được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 90 ngàn ha. Tính đến tháng 4/2016, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút 6.678 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 146 tỷ USD và 6.957 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1.175 tỷ USD.

Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp trên toàn quốc đã mang lại nhiều tác động tích cực trong tạo việc làm, thu hút một lực lượng lao động với quy mô lớn, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Một số thực trạng của người lao động khu công nghiệp

Với gần 2 triệu công nhân lao động lao động làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế, khu chế xuất, đa số lao động ở độ tuổi kết hôn và nuôi con nhỏ, hầu hết người lao động là lao động trực tiếp sản suất, số ít là lao động gián tiếp làm các công việc hành chính, văn phòng. Tiền lương và thu nhập ở mức khiêm tốn, số ngày làm việc 6 ngày/tuần và từ 8-10 giờ/ngày chiếm tỉ lệ cao. Điều kiện nhà ở và các đồ dùng thiết yếu ở mức trung bình, nhà trọ của người lao động diện tích khoảng 10-15 m2 cho 3-4 người, phòng chật chội, thiếu ánh sáng. 

Đời sống văn hóa tinh thần ngoài giờ làm việc của người lao động còn hạn chế và khá nghèo nàn. Kết quả khảo sát về các hoạt động văn hóa ngoài giờ làm việc chính thức cho thấy, người lao động nhập cư dành thời gian để xem ti vi, nghe đài, nghe nhạc phổ biến hơn tỷ lệ chơi thể thao, đọc báo. Hình thức phổ biến của đời sống văn hóa tinh thần của người lao động là sử dụng internet qua điện thoại. Thời gian rảnh rỗi của công nhân lao động chủ yếu dành cho việc làm thêm để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Nhiều công nhân lao động nhập cư gặp khó khăn trong cuộc sống và một bộ phận không nhỏ người lao động nhập cư bày tỏ sự lo lắng về việc khó lập gia đình vì đời sống quá vất vả, khó có thể đảm bảo cho gia đình trong tương lai. 

Khảo sát cho thấy, đa số công nhân lao động mong muốn được cung cấp kiến thức về chính sách pháp luật lao động, nếp sống văn hóa, nhà văn hóa, khu thể thao trong KCN. Qua đó cho thấy, phần lớn công nhân lao lao động có nhu cầu về sân chơi thể thao, phòng đọc sách báo, trường học cho con công nhân, khuôn viên trồng hoa, cây xanh, ghế đá, phòng y tế, phòng truyền thống của công nhân lao động; đồng thời cũng mong muốn nhà trẻ, trường học, nhà ở của công nhân lao động trong hoặc gần khu công nghiệp và các tụ điểm vui chơi, giải trí gần khu nhà trọ; được tham gia các hoạt động văn hóa thể thao do doanh nghiệp, tổ chức công đoàn tổ chức, được trang bị sách báo hoặc có phòng đọc các loại báo, tạp chí.

Bên cạnh những khó khăn của công nhân lao động trong đời sống thực tiễn thì tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN diễn ra phổ biến. 5 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp trên cả nước đã nợ bảo hiểm số tiền 14.467 tỷ đồng, tăng khoảng 7.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2015. Trong đó có khoảng 2.200 tỷ là nợ khó đòi hoặc không có khả năng thu hồi do doanh nghiệp phá sản, giải thể, bị rút giấy phép kinh doanh, không giao dịch với cơ quan BHXH, chủ doanh nghiệp bỏ trốn làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động. 

Những hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với người lao động khu công nghiệp

Trong những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động, cụ thể đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, chương trình kế hoạch về xây dựng đời sống văn hóa cho người lao động. Điển hình như, năm 2011, Chính phủ đã ban hành “Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó nhấn mạnh việc xây dựng đời sống văn hóa của công nhân ở các khu công nghiệp gắn với xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên, chất lượng, hiệu quả; xây dựng đội ngũ công nhân có nếp sống văn hóa lành mạnh, có tác phong làm việc công nghiệp, năng suất, chất lượng và hiệu quả; từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của công nhân, góp phần xây dựng các doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

Nội dung cơ bản cũng như xuyên suốt của Đề án là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của công nhân và người sử dụng lao động về xây dựng đời sống văn hóa. Do vậy cần có những bước khảo sát, đánh giá đúng thực trạng nhận thức pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa của công nhân và người sử dụng lao động ở các khu công nghiệp. Từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, đối tượng công nhân và người sử dụng lao động ở các khu công nghiệp. Cần xây dựng và phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân và người sử dụng lao động ở các khu công nghiệp. Các cấp các ngành liên quan cần hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp tự tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về văn hóa.

Vì vậy, cần xây dựng một kế hoạch tổng thể, toàn diện để xây dựng, từng bước phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân như: Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân phù hợp với quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa, thể thao ở cơ sở. Nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, phục vụ công nhân làm việc ở các khu công nghiệp và nhân dân cư trú trên địa bàn. Nâng cấp các nhà văn hóa, thể thao công nhân hiện có do Liên đoàn Lao động các cấp và Ban Quản lý các khu công nghiệp quản lý. Xây dựng mô hình thí điểm nhà văn hóa, thể thao công nhân ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khu công nghiệp theo chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, thể thao trong công nhân là góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa tinh thần của công nhân ở các khu công nghiệp. Cùng với việc xây dựng, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng; thi đấu các môn thể thao trong công nhân. Tổ chức đa dạng các phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong công nhân; nếp sống văn hóa và tác phong lao động công nghiệp trong công nhân. Xây dựng, phát triển các loại hình câu lạc bộ sở thích, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của các đối tượng công nhân; tổ chức tốt các hoạt động học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của công nhân.

Một số Bộ, Ngành đã triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng các thiết chế về văn hóa như: Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch số 2177/KH-BVHTTDL ngày 03/7/2014 về việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa công nhân ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số: 55/2013/TT-BTC ngày 06/5/2013 về việc Quy định quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Ngày 9/7/2016, tại buổi làm việc giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo Quy chế về mối quan hệ công tác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thấu hiểu tình hình thực tế của công nhân lao động còn quá nhiều khó khăn trong đời sống và những vướng mắc, bất cập về tình trạng công nhân trong các khu công nghiệp chưa có chỗ sinh hoạt về văn hóa tinh thần. Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà ở, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở 15 địa phương trọng điểm, đây sẽ là “một bước đột phá” về xây dựng đời sống văn hóa cho người lao động KCN. Đồng thời Thủ tướng còn đề nghị các tỉnh, thành phố hỗ trợ về đất đai, hỗ trợ về thuế; huy động kinh phí từ các nguồn để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn tham gia xây dựng nhà ở tập thể, nhà giá rẻ cho công nhân; trước hết triển khai tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân như ở Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.

Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động KCN

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong công nhân lao động đã đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng khích lệ, với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực của tổ chức công đoàn các cấp như: Hội thi công nhân giỏi, có bốc thăm trúng thưởng, Hội thao công nhân, Hội diễn công nhân, Câu lạc bộ sở thích công nhân, thi karaoke, tham quan du lịch, văn nghệ vào các dịp kỷ niệm, tặng quà cho con công nhân học giỏi, biểu dương công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo… 


Nhiều mô hình tổ công nhân tự quản tại các khu nhà trọ công nhân, nhiều điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được xây dựng ở nhiều các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, tập trung đông công nhân lao động đã từng bước, phần nào đáp ứng nhu cầu của lao động. Điều đó thể hiện sự nỗ lực của tổ chức công đoàn các cấp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động; tạo tiền đề, cơ sở để tiếp nhận và giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động, nhất là đời sống văn hóa tinh thần của người lao động.

Qua sự hỗ trợ, vận động của công đoàn các cấp và các đơn vị liên quan, hiện nay cả nước đã thành lập 2.648 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, với 186.968 công nhân lao động tham gia. Phần lớn các tổ tự quản khu nhà trọ này hình thành phổ biến ở gần các khu công nghiệp, nơi tập trung động công nhân lao động. Các tổ tự quản khu nhà trọ công nhân đã tổ chức, tham gia, phối hợp tổ chức 932 buổi tuyên truyền, phổ biến về đời sống văn hóa, phòng chống tội phạm, sức khỏe sinh sản, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội cho 246.097 lượt công nhân lao động. Bên cạnh đó, công đoàn các cấp còn trao tặng trên 271.000 vé xe cho công nhân về quê ăn tết và tổ chức đón tết đầm ấm vui tươi cho công nhân lao động không có điều kiện về quê ăn tết. Đây cũng là hoạt động thiết thực hỗ trợ, chia sẻ, mang đến đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Trên cơ sở đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 52-CT/TW ngày 09/01/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”. Đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch triển khai Chỉ thị bằng văn bản xuống cơ sở. Nhiều tổ chức công đoàn đã tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong việc cải thiện đời sống văn hóa tinh thần người lao động, từ đó đã triển khai xây dựng được 8 nhà văn hóa công nhân lao động, trong đó có nguồn vốn tài chính công đoàn các cấp.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động ở các khu công nghiệp của các cấp các ngành liên quan, của doanh nghiệp và tổ chức công đoàn đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên mới đáp ứng một phần rất nhỏ với đời sống thực tiễn, với nhu cầu thực tế của người lao động. Do vậy, cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước và đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm của người sử dụng lao động, của doanh nhân, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Với quan điểm xác định người sử dụng lao động, doanh nghiệp, công nhân lao động vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của việc tạo dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh trong khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn các cấp cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho người lao động; xây dựng, bổ sung trong thỏa ước lao động tập thể có các nội dung liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cho người lao động. Đẩy mạnh công tác xây dựng các thiết chế văn hóa để nhằm mục tiêu cho người lao động được thụ hưởng đời sống tinh thần tương xứng, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân lao động ngày càng vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, theo hướng ngày càng tri thức hoá, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới.

Trần Phong (tổng hợp)