banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 29/6
Cập nhật lúc 07:40 ngày 30/06/2016
Trong ngày 29 tháng 6 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin đáng chú ý về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài, áp lực với nhà bán lẻ trong nước;EU trấn an về hợp tác với Việt Nam; Kinh doanh mũ bảo hiểm phải có điều kiện: Rào cản quyền tự do kinh doanh?; Khởi động dự án 500 kV Vĩnh Tân - Tân Uyên.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài, áp lực với nhà bán lẻ trong nước.


Tại Hội thảo "Nhận diện các rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA," tổ chức ở TPHCM ngày 28/6, theo xếp hạng trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) do Tập đoàn Tư vấn Thị trường AT Kearney (Mỹ) công bố hàng năm, Việt Nam liên tục nằm trong top 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới cho đầu tư nước ngoài từ năm 2008 đến nay, nhưng đối với các nhà bán lẻ trong nước đây là thách thức không nhỏ.

Đánh giá về triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều công ty nghiên cứu thị trường và chuyên gia trong ngành cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều triển vọng phát triển và đạt tăng trưởng cao trong thời gian tới. Trong đó, có nhiều yếu tố cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam là khu vực sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao. Dự báo, động lực thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam là quy mô tiêu dùng hơn 91,7 triệu người với cơ cấu dân số vàng cho tiêu dùng cao.

Theo thông tin khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam và Trung tâm WTO, dù doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tham gia thị trường ngày càng nhiều và càng lấn át, nhưng các nhà bán lẻ nội địa vẫn lạc quan và tự tin về khả năng cạnh tranh của mình.Tuy nhiên, kết quả khảo sát này ngay lập tức gặp một số phản ứng từ phía doanh nghiệp. Các ý kiến cho rằng kết quả khảo sát không thực tế, các thương hiệu bán lẻ của Việt Nam ngày càng bị teo tóp và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo ông Phạm Trung Kiên - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng Saigon Co.op cũng tự tin có khả năng cạnh tranh, nhưng cần phải thực tế. Hiện nay doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang trong một cuộc cạnh tranh sống còn với khối ngoại, nếu yếu thì chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

2. EU trấn an về hợp tác với Việt Nam.

Chiều 28/6, Phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức cuộc trao đổi với báo chí về những tác động của Brexit đối với quan hệ giữa khối này với Việt Nam. Đặc biệt liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) được ký kết tháng 12/2015, Đại sứ Bruno Angelet khẳng định việc chính thức phê duyệt vẫn đang trong lộ trình bình thường.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 27/6 về chính sách thương mại của EU, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström cũng đã nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa liên minh với các đối tác then chốt sẽ tiếp tục. Trả lời câu hỏi về khả năng Brexit sẽ kéo dài việc chính thức ký kết EVFTA, ông cho rằng cần phải có thêm các thông tin sắp tới từ phía chính phủ mới và Nghị viện Anh cũng như kết quả cuộc họp thượng đỉnh EU đang diễn ra. Theo Đại sứ Angelet, trong thời gian tới, Phái đoàn EU tại Việt Nam và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp về mặt kỹ thuật để hoàn thành thủ tục phê chuẩn EVFTA như đã được thống nhất từ 2015.

Đại sứ Angelet cũng bày tỏ mong muốn EVFTA giữa EU và Việt Nam sẽ mang lại sự quan tâm lớn hơn của cộng đồng đầu tư, cộng đồng kinh doanh EU khi muốn làm ăn với Việt Nam.

Liên quan đến Brexit, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã có những phân tích sơ bộ những tác động của sự kiện Anh rời Liên minh Châu Âu (EU). Qua đánh giá ban đầu, việc Anh rời EU chưa tác động lớn đến Việt Nam, bao gồm vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu.

3. Kinh doanh mũ bảo hiểm phải có điều kiện: Rào cản quyền tự do kinh doanh?


Nếu không có gì thay đổi, từ ngày 01/7, các doanh nghiệp kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi moto, xe máy phải đáp ứng hàng loạt điều kiện kinh doanh mới. Nhưng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đang đề nghị loại bỏ các quy định này.

Nghị định quy định về kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi moto, xe máy do Bộ KH&CN chịu trách nhiệm soạn thảo quy định rất nhiều đối tượng chịu tác động, là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và phân phối mũ bảo hiểm cho người đi xe moto, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy, xe đạp điện và các loại xe tương tự. Các điều kiện kinh doanh đang được đề xuất thực sự khiến không chỉ doanh nghiệp chịu tác động lo ngại.

Trong lần giải trình gần đây tại Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ KH&CN lý giải, ngành này cần có điều kiện kinh doanh vì có nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng kém chất lượng. Đại diện Bộ Công Thương cũng ủng hộ vì hàng nhái, hàng giả nhiều, phải có điều kiện kinh doanh để quản lý. Nhưng câu hỏi lớn nhất đặt ra ở đây là các điều kiện kinh doanh này có giải quyết được đầu bài mà các bộ, ngành đưa ra không thì lại chưa rõ ràng.

Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM thì cho rằng không nên đồng nhất việc quy định điều kiện kinh doanh để xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Lo ngại hơn là các điều kiện kinh doanh đang được dựng theo hướng không khuyến khích tạo ra chuỗi sản xuất, chuyên môn hóa.

VCCI cũng kiến nghị loại bỏ ngành nghề này ra khỏi Danh mục Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. 

4. Khởi động dự án 500 kV Vĩnh Tân - Tân Uyên.

Khoản vay NEXI không ràng buộc trị giá 170 triệu USD để tài trợ Dự án Đường dây truyền tải điện Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên (Bình Dương) vừa được Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) khởi động.

Theo ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV EVNNPT, khoản vay này sẽ giải quyết một phần nhu cầu vốn đầu tư của EVNNPT trong giai đoạn 2016 - 2018. Đây là khoản vay thứ ba của EVNNPT theo hình thức NEXI không ràng buộc, tiếp theo khoản vay thứ nhất năm 2011 trị giá 200 triệu USD và khoản vay thứ hai năm 2014 trị giá 245 triệu USD.

        LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)