banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 18: Đối thoại để giảm tranh chấp lao động
Cập nhật lúc 08:30 ngày 24/06/2016

Sáng 23.6, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 18 (khóa XI) bước sang ngày làm việc cuối cùng dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Đại diện Ban Dân vận T.Ư; UBKT T.Ư Đảng; Văn phòng T.Ư Đảng đến dự. Hội nghị đã bàn bạc nhiều vấn đề, đặc biệt tổ chức đối thoại phải thực chất, phát huy quyền dân chủ của người lao động để làm giảm tranh chấp lao động. 

 

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Q.CHI

Tăng cường chất vấn

Thay mặt Thường trực Đoàn Chủ tịch (ĐCT), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính trình bày tờ trình về việc xây dựng và ban hành Quy định chất vấn tại các kỳ họp BCH Tổng LĐLĐVN. Theo đó, mục đích của quy định này nhằm phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm, năng lực lãnh đạo của BCH, ĐCT, UBKT Tổng LĐLĐVN, đề cao chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan lãnh đạo cấp T.Ư và từng đồng chí Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong BCH Tổng LĐLĐVN và trong tổ chức hệ thống CĐVN.

Chất vấn của các đồng chí Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN và việc trả lời chất vấn của đại diện BCH, ĐCT, UBKT Tổng LĐLĐVN hoặc của đồng chí Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN phải được tiến hành trực tiếp, công khai, dân chủ với tinh thần trách nhiệm xây dựng, khách quan, thẳng thắn, chân thành, bảo đảm đúng nguyên tắc làm việc của BCH, ĐCT, UBKT Tổng LĐLĐVN và Điều lệ CĐVN.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội - đánh giá: Quy định này thể hiện nỗ lực, quyết tâm của BCH Tổng LĐLĐVN. Tuy nhiên, nên bổ sung một số NĐ của Chính phủ (NĐ 60/2013/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật LĐ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; NĐ số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập) làm căn cứ ra quy định này; đồng thời đối tượng cần cụ thể hơn, bởi phải gắn trách nhiệm tới từng cá nhân, tất nhiên vẫn phải có trách nhiệm tập thể.

Theo đồng chí Trần Danh Chức - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh - việc chất vấn tại các kỳ họp BCH nên áp dụng trên toàn hệ thống CĐ, chứ không chỉ ở cấp Tổng LĐLĐVN để các ủy viên BCH ở cấp đó có trách nhiệm hơn trong thực hiện chức trách của mình. Điều này cũng sẽ góp phần đổi mới nội dung các cuộc họp BCH theo hướng hiệu quả hơn. Đồng chí Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐ Giáo dục Việt Nam - có ý kiến, trước hết triển khai quy định này tại các cuộc họp BCH ở cấp Tổng LĐLĐVN, CĐ ngành, LĐLĐ tỉnh để rút kinh nghiệm, từ đó triển khai có hiệu quả quy định này… Thay mặt Thường trực ĐCT, đồng chí Mai Đức Chính tiếp thu các ý kiến đóng góp trên để trình ra BCH trong kỳ họp sắp tới.

Phát huy quyền dân chủ của NLĐ

Hội nghị còn xin ý kiến về tờ trình Nghị quyết của BCH Tổng LĐLĐVN về “CĐ tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong tình hình mới”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hải - Trưởng ban CĐ Quốc phòng - cho rằng, việc tổ chức đối thoại giữa chủ sử dụng LĐ và NLĐ rất quan trọng. “Những vấn đề như tranh chấp LĐ, đình công là liên quan đến đối thoại; nếu tổ chức đối thoại tốt thì những vấn đề này sẽ giảm đi” - đồng chí nhận xét. Đồng chí đánh giá chất lượng của Ban Thanh tra nhân dân chưa cao, vì vậy, khi đưa ra chỉ tiêu cần phải có định hướng để ban này hoạt động hiệu quả hơn. Đồng chí Phạm Văn Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học CĐ - góp ý nên có quy chế thưởng, phạt đối với những đơn vị thực hiện tốt, không tốt.

Theo đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN - đối thoại là vấn đề quyết định nhất trong việc thực hiện NQ này. Đối thoại phải thực chất, làm sao phát huy được dân chủ trong NLĐ; còn nếu hình thức thì sẽ không giải quyết được điều gì. Vì vậy, cần phải đào tạo CBCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở là chuyên gia về đối thoại để tư vấn cho các CĐCS tổ chức các buổi đối thoại. Các đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu trong NQ. Đồng chí Bùi Văn Cường giao cho đồng chí Mai Đức Chính tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, hoàn chỉnh lại để trình BCH. Hội nghị còn xin ý kiến về công tác cán bộ; nội dung Hội nghị BCH Tổng LĐLĐVN lần thứ 8. Dự kiến, Hội nghị BCH Tổng LĐLĐVN sẽ được tổ chức từ ngày 14-16.7.2016 tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu bế mạc, đồng chí Bùi Văn Cường đánh giá hội nghị đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Thường trực ĐCT sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của ĐCT thì sẽ ban hành; những vấn đề nào không thuộc thẩm quyền thì sẽ trình BCH Tổng LĐLĐVN trong kỳ họp sắp tới.

Nguồn Báo Lao động