banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Hiệp định TPP: Cơ hội vẫn trên giấy, thách thức đã hiện hữu
Cập nhật lúc 09:21 ngày 16/06/2016

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cơ hội từ TPP hay FTA VN - EU vẫn đang nằm trên các văn bản hiệp định, còn rủi ro, thách thức có vẻ đã hiện hữu.

Phát biểu tại hội thảo “Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương đồng tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam.


Cơ hội vẫn đang nằm trên các văn bản hiệp định

Tán thành quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh rằng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra một con đường, thậm chí là một đại lộ rất thênh thang cho Việt Nam, nhưng vấn đề là cỗ xe kinh tế Việt Nam được chuẩn bị như thế nào để đi trên con đường này đảm bảo an toàn và tới đích, đó mới là quan trọng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn nhấn mạnh: “Việc các nhà đàm phán đã đàm phán thành công các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là thành quả rất đáng ghi nhận. Nhưng cơ hội vẫn đang nằm trên các văn bản hiệp định, còn rủi ro, thách thức có vẻ đã hiện hữu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực chuẩn bị để có một tâm thế vững chắc để có thể hội nhập thành công”.

Liên quan đến Hiệp định TPP, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nhất trí sẽ trình Quốc hội xem xét để phê chuẩn Hiệp định TPP vào kỳ họp quốc hội sắp tới. Hiện Việt Nam đã và đang làm nhiều việc để chuẩn bị cho việc thực thi TPP, như rà soát hệ thống pháp luật của Việt Nam và thông qua kế hoạch sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những bộ luật, tạo thể chế chính sách để đáp ứng các cam kết hội nhập làm tiền đề để Việt Nam hội nhập thành công.

Đặc biệt, “Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng một chính phủ trong sạch, liêm chính, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động ở Việt Nam được bình đẳng cạnh tranh. Quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp có thể đi lên bằng chính bản thân đôi chân của mình trên cơ sở xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, liêm chính, đổi mới, sáng tạo….”.

Vì thế, Chính phủ muốn lắng nghe các phân tích, dự báo của các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp để liên tục cập nhật các vấn đề, hoàn thiện những quyết sách cụ thể cho từng giai đoạn, từng năm, và trong dài hạn…”.

Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch khu vực Đông Á- Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, cũng đánh giá hội nhập toàn cầu đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của Việt Nam. Việc tham gia Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp Việt Nam ngày càng thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường, cơ hội thúc đẩy cải cách trong nước; nhiều lợi ích về đầu tư, thương mại, việc làm, tăng thu nhập cho người Việt…

Tuy nhiên, bà Kwakwa cũng cảnh báo, cùng với cơ hội thì nhiều thách thức có thể đến, nhiều lợi ích tiềm tàng có thể bị bỏ lỡ nếu Việt Nam không chuẩn bị tốt nội lực để giành lợi ích. Đặc biệt, về chính sách thương mại, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực nhiều ở sau đường biên để có thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu mà các hiệp định đặt ra. Chính việc thực thi các cam kết hội nhập là một tiêu chuẩn quan trọng đánh giá năng lực của Việt Nam.

“Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ Việt Nam khai thác tối đa lợi ích của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại”- bà Kwakwa nhấn mạn

Doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho TPP và EVFTA?

Trả lời câu hỏi này, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay: Khảo sát của VCCI cho thấy, hiện DN Việt Nam đã sẵn sàng hơn trước TPP và EVFTA (hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh EU). Biểu hiện 88,16% doanh nghiệp được hỏi đã biết về TPP; 83% DN biết về EVFTA; 93,78% DN biết về cộng đồng kinh tế SEAN; 97,35% DN biết về WTO; 77,8% DN biết về hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.

Đặc biệt, theo bà Trang, DN Việt Nam lạc quan một cách tỉnh táo về tác động của các FTAs. Hơn 96% DN cho rằng các FTAs là cơ hội để DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; 80% DN cho rằng mang lại nhiều cơ hội hơn thách thức cho DN và 88,5% DN thấy sẽ tạo cơ hội mới cho DN…

Đáng mừng là 88% DN có kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất trong 3 năm tới và cũng có tính đến kế hoạch cụ thể trong cải thiện sản xuất như: đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý cho lãnh đạo DN; đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân; tiếp cận các thị trường mới; chuyển đổi sản xuất để năng cao giá trị gia tăng; tổ chức lại sản xuất để tăng năng suất; cải thiện công nghệ; đạt được những chứng nhận về môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm…

Tuy nhiên, bà Trang cũng lưu ý, vẫn có nhiều trở lại với DN khi hội nhập như: Các cam kết phức tạp, không dễ đọc, hiểu và chuẩn bị. Trong khi đó, hướng dẫn đã có nhưng còn ít, và chưa cụ thể như với hiệp định TPP. Hai yếu tố cản trở nhất đối với việc DN tận dụng cơ hội từ các FTAs là thông tin cam kết và thực thi từ phía cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, DN cũng còn cho rằng quy tắc xuất xứ quá khó, năng lực cạnh tranh của DN thấp so với đối thủ.

Cùng với đó, nhiều yếu tố cản trở DN cải thiện năng lực sản xuất như: Chính sách thuế, tình trạng nhũng nhiễu, thủ tục hải quan, cơ sở hạ tầng, tay nghề lao động, chính sách lương.

Theo vov.vn