banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Công đoàn cơ sở: Phải đưa quy định bữa ăn ca vào TƯLĐTT
Cập nhật lúc 03:27 ngày 30/12/2015

Nội dung tờ trình Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN về chất lượng bữa ăn ca của NLĐ nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận tại tổ ngày 29.12. Mục tiêu của nghị quyết chỉ rõ từ năm 2016, các CĐCS trong khu vực doanh nghiệp khi tiến hành đối thoại thương lượng tập thể cần đưa nội dung đảm bảo bữa ăn ca của NLĐ với mức thấp nhất bằng 0,6% mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định được đa số các đại biểu đồng tình. “Nhiệm vụ quan trọng nhất là trong năm 2016, các CĐCS phải đưa được nội dung này vào TƯLĐTT nhằm đảm bảo nghị quyết đi vào thực tế” - Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Hải nhấn mạnh.


Mức thấp nhất 0,6% là hợp lý

Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) Lê Trọng Sang cho biết, khi xây dựng nghị quyết với mức giá tối thiểu bữa ăn ca bằng 0,6% tiền lương tối thiểu vùng, Ban Quan hệ lao động dựa trên cơ sở khoa học là một khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn vào năm 2012. Bên cạnh đó, thực tiễn theo dõi cho thấy, mức giá này là tương đối chấp nhận được để các CĐCS đưa ra nhằm thương lượng với chủ sử dụng lao động.

Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch CĐ các KCN-CX Hà Nội - bày tỏ sự nhất trí với nội dung tờ trình nghị quyết và thống nhất đề xuất đảm bảo bữa ăn ca của NLĐ với mức thấp nhất 0,6% mức lương tối thiểu và mức giá này không bao gồm chi phí, nhân công phục vụ. Ông Đỗ Đình Hiền - Chủ tịch CĐ Than - Khoáng sản VN - cho rằng vấn đề bữa ăn giữa ca phụ thuộc nhiều vào khả năng của từng doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, CĐ phải quyết liệt phối hợp với DN, ký kết với DN. Ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN, mức ăn giữa ca thấp nhất là 21.000 đồng/suất, cao nhất là 65.000 đồng/suất. CĐ các DN cùng chuyên môn phối hợp với bên cung cấp thực phẩm thường xuyên giám sát chặt thực phẩm nên không xảy ra hiện tượng ngộ độc. Vai trò CĐ trong bữa ăn ca là rất quan trọng.

Cũng có một số ý kiến đề nghị nên chọn quy định mức tối thiểu của bữa ăn ca phải từ 15.000 đồng trở lên. Ông Nguyễn Minh Hoàng - Chủ tịch CĐCS Cty Shyang Hung Cheng (Bình Dương) - đồng ý chọn phương án mức tối thiểu của bữa ăn ca phải từ 15.000 đồng trở lên. Tại Shyang Hung Cheng, Cty tự nấu bữa ăn ca cho CN với mức giá 15.000 đồng/suất, tuy nhiên mức giá này bao gồm cả nhân công, phục vụ. Ông Hoàng đề nghị mức giá bữa ăn ca có thể tính bằng 0,6% theo từng mức lương tối thiểu vùng, để đảm bảo bữa ăn cho CNLĐ tại những địa bàn có chi phí cao hơn, đắt đỏ hơn.

Bày tỏ tâm đắc về tờ trình nghị quyết nâng cao chất lượng bữa ăn cho NLĐ, bà Đinh Thị Thanh Hà - Chủ tịch CĐ các KCN Đà Nẵng - cho rằng, tính khả thi của nghị quyết này rất cao, có thể thực hiện ngay trong năm 2016. Bà Hà đồng ý với mức quy định bữa ăn ca trị giá từ 15.000 đồng trong các DN và cho rằng, khi xảy ra trình trạng CNLĐ bị ngộ độc, CĐ hoàn toàn có thể đứng ra khởi kiện DN. “CĐ sẽ tham gia giám sát việc thực hiện này của các DN nếu nghị quyết này được thực thi” - bà Hà nói.

Nên kiến nghị để Chính phủ ban hành văn bản

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tây Ninh Nguyễn Xuân Hồng nhìn nhận việc đưa vào nghị quyết về bữa ăn ca của CNLĐ với mức từ 15.000 đồng là quá thấp, đồng thời bày tỏ sự lo ngại nghị quyết chỉ là phương hướng thực hiện của riêng tổ chức CĐ, chưa đủ tính pháp lý để bắt buộc các DN phải làm; do đó thay vì đưa vào nghị quyết, Tổng LĐLĐVN nên có kiến nghị với Chính phủ cụ thể hóa thành văn bản có tính pháp lý cho các bên thực hiện.

Đối với ý kiến đưa vào TƯLĐTT, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Lê Thành Nhơn ủng hộ việc đưa bữa ăn ca vào TƯLĐTT, tuy nhiên phải làm sao cho phù hợp với pháp luật để có chế tài thực hiện cũng như xử lý. Còn ông Đỗ Việt Anh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình - đánh giá, nội dung bữa ăn giữa ca được đưa vào TƯLĐTT tại nhiều DN nhưng họ vẫn chưa thực hiện. Việc đưa bữa ăn giữa ca vào tiêu chí thi đua cũng cần làm rõ đó là tiêu chí thi đua của CĐ hay tiêu chí thi đua của DN. Cũng theo ông Đỗ Việt Anh, cần nghiên cứu mô hình bếp ăn tập thể phục vụ CNLĐ thế nào cho hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền về ATVSTP cho NLĐ, người sử dụng lao động và người cung cấp thực phẩm, suất ăn cho NLĐ để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho CNLĐ.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng: “Giá trị mỗi bữa ăn ca cho CNLĐ phải đảm bảo tối thiểu 15.000 đồng/suất mới đủ chất cho NLĐ. Nếu nơi nào, doanh nghiệp nào có giá bữa ăn ca dưới mức giá này, tổ chức CĐ sẽ tổ chức đình công, đòi giám đốc doanh nghiệp phải tổ chức bữa ăn đủ chất và đảm bảo tối thiểu 15.000 đồng/suất cho CN. Nếu doanh nghiệp nào để tình trạng đấu thầu mà không bảo đảm chất lượng, để tình trạng ngộ độc xảy ra trong bữa ăn ca của CNLĐ, tổ chức CĐ sẽ tổ chức kiện giám đốc doanh nghiệp đó”.

Ông Vũ Thượng Thư - Chủ tịch CĐ Cty CP Gang thép Thái Nguyên - cho biết, đầu năm 2012, CĐ Cty đề xuất với lãnh đạo Cty thí điểm bếp ăn tự chọn tại 2 nhà máy cán thép Lưu Xá và cán thép Thái Nguyên. Đến nay, CĐ Cty nhân rộng mô hình nhà ăn ca tự chọn tại các đơn vị thành viên và các Cty CP có vốn góp của Cty; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các CĐCS đưa nhà ăn ca tự chọn vào phục vụ CNVCLĐ. Đến nay toàn Cty có 12 nhà ăn ca tự chọn ở 11 đơn vị, phục vụ trên 4.400 người. Trong đó có 7 bếp ăn phục vụ với mức ăn 18.000 đồng/suất; 3 bếp ăn phục vụ với mức ăn 20.000 đồng/suất; 1 bếp ăn phục vụ với mức ăn 21.000 đồng/suất và 1 bếp ăn phục vụ với mức ăn 23.000 đồng/suất. Nhiều đơn vị phục vụ ăn ca tự chọn cho cả 3 ca, đến nay có tổng số 9 bếp ăn 3 ca phục vụ gần 1.000 người ăn. Hầu hết các bếp ăn đều phục vụ từ 10 đến 18 món, chất lượng chế biến một số món ăn tốt hơn, bữa ăn bảo đảm nóng, đúng giờ; thực đơn được lên theo ngày, tuần, công khai giá cả để NLĐ biết và đóng góp ý kiến; công tác vệ sinh nhà ăn, nhà bếp sạch sẽ; thái độ phục vụ của nhân viên tận tình, chu đáo.

Nguồn Báo Lao động