banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Bước phát triển mới của kinh tế Việt Nam
Cập nhật lúc 03:23 ngày 29/12/2015

Năm 2015 đánh dấu bước phát triển mới của kinh tế Việt Nam. Những kết quả trong cả giai đoạn vừa qua đã tạo nền tảng cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, hướng tới tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn.

Trước tiên phải nói rằng trong thời kỳ 2011-2015, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển trong một bối cảnh khá đặc biệt. Kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, thăng trầm khó đoán định. WB, IMF hay các tập đoàn kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới cứ vài tháng lại phải điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu theo hướng giảm tốc độ tăng. Nhiều diễn biến tác động trực tiếp tới Việt Nam như giá dầu giảm sâu

 

Biến nguy cơ thành thời cơ mới

Ở trong nước, mô hình tăng trưởng trước đây bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết. Cộng thêm với những tác động từ tình hình thế giới, giai đoạn 2011-2015 bắt đầu khi nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trở thành một thách thức. Đó là chưa kể tác động từ những sự kiện liên quan đến tình hình quốc phòng-an ninh, như vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Trong điều kiện đó, thấy rõ các khó khăn, thách thức, cả nước đã đồng sức, đồng lòng, ra sức khắc phục các yếu kém chủ quan, chủ động vươn lên trong khó khăn, thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được chuyển biến tích cực đáng khích lệ.

Kinh tế sau một thời gian giảm tốc độ tăng trưởng đã từng bước khôi phục trong 3 năm qua. Năm 2015 đánh dấu bước phát triển mới: Kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, khởi sắc rõ nét với sự phát triển nhanh trở lại của công nghiệp. Mức tăng trưởng bình quân 5 năm cao hơn mức chung của khu vực. Năng lực xuất khẩu mấy năm nay đã tăng mạnh 9-10% và hơn thế trong khi thương mại thế giới chỉ tăng 3-5%.

Trong điều kiện đó, tăng trưởng kinh tế đã gắn kết với giảm nghèo và công bằng xã hội. Theo chuẩn nghèo mới ngang với chuẩn quốc tế, tỉ lệ nghèo nói chung đã giảm từ 20,7% năm 2010 xuống còn 13,5% năm 2014, hay nói cách khác, trong vòng 5 năm đã có trên 6 triệu người thoát nghèo. Tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em nói chung liên tục giảm. Tỉ lệ trẻ còi xương giảm từ 29,3% xuống còn 24,9%. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế cũng tăng từ 60% năm 2010 lên 71% dân số năm 2015. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi đi học mầm non đạt 95,0%...

Trên lĩnh vực thể chế kinh tế, Hiến pháp 2013 và một loạt các luật quan trọng khác đã được thông qua, trong đó có thể kể đến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Nhà ở,  Luật Quản lí và sử dụng vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp…

Những luật này ra đời đã góp phần củng cố bộ khung pháp lý vững chắc giúp nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng vận hành tốt hơn, thích ứng với tiến trình hội nhập quốc tế. Thách thức lúc này là thực hiện các luật đã ban hành một cách nghiêm túc, đưa những quy định tiến bộ trong Hiến pháp 2013 vào cuộc sống.

Việc đàm phán, gia nhập các hiệp định FTA kiểu mới mang lại hứa hẹn mới trong phát triển kinh tế đất nước, góp phần vượt nhanh “bẫy thu nhập trung bình thấp”. Đón bắt thời cơ mới, Việt Nam đã chủ động thương lượng và ký kết các FTA với 55 nước, trong đó có cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và 15 nước G20.  Các FTA đã hoàn tất ký kết với ASEAN, EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu, TPP hay với Hàn Quốc mang lại cơ hội mới cho phát triển.

Đồng thời, những thách thức mới về chất lượng tăng trưởng sẽ là một sức ép tích cực để Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ hơn, biến nguy cơ thành thời cơ mới. Chẳng hạn, tuy chỉ là thành viên có mức thu nhập GDP/đầu người thấp nhất trong 12 nước tham gia TPP, Việt Nam có những lợi thế so sánh đặc biệt mà các thành viên khác không có, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động.

Các kết quả mô phỏng cho thấy trong vòng 20 năm tới TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất của Việt Nam. Đó là chưa kể tới các tác động lan tỏa và thúc đẩy lẫn nhau. Mặc dù sẽ có nhiều thách thức phải vượt qua, nhưng tác động chung của TPP và các FTA khác đối với Việt Nam là tích cực.

Hướng tới tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn

Thời kỳ phát triển mới của đất nước đã mở ra, ở thời điểm các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm 17 nhóm chỉ tiêu và 169 tiêu chí cụ thể cho giai đoạn 2016 - 2030 đã được các nước thống nhất tại Hội nghị các nguyên thủ quốc gia tại Liên Hợp Quốc năm 2015. Các mục tiêu này khi vận dụng vào Việt Nam trong 5 năm tới có thể quy về 4 trụ cột:

Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế phải cao hơn, bền vững hơn với mục tiêu tăng trưởng trung bình 5 năm tới là từ 6,5% đến 7%/năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là mục tiêu không đơn giản khi kinh tế thế giới còn khó khăn, cơ hội từ các FTA kiểu mới đang mở ra, nhưng năng lực hấp thu cơ hội của nền kinh tế Việt Nam còn có hạn.

Hai là, cùng với tăng trưởng kinh tế, phải phát triển văn hoá, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống người dân. Đó là điều kiện để đạt tới công bằng trong từng bước phát triển kinh tế.

Ba là, bảo vệ và cải thiện môi trường, tăng cường khả năng chống chịu của đất nước trước những tác động mới của biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như các tác động tiêu cực do phát triển công nghiệp, đô thị hóa và các hoạt động thiếu kiểm soát của con người gây ra.

Bốn là phải bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là các điều kiện rất cơ bản để có đời sống an lành cho người dân trong một Nhà nước pháp quyền.

Cũng cần nhắc tới một điểm rất thuận lợi là những kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo các Nghị quyết 19 của Chính phủ, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và của từng ngành, từng sản phẩm, dịch vụ. Điều này sẽ có tác động lâu dài tới nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu của năm 2016 và 5 năm tới, cần phát huy tối đa nội lực, tranh thủ thời cơ để phát triển bền vững, vượt qua rào cản và các rủi ro không nhỏ. Đó là các thói quen và tư duy cũ không thích hợp với giai đoạn hội nhập sâu; đó là có khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa các quy định và thực thi; đó là tình trạng tham nhũng, lãng phí; đó cũng có thể là các rủi ro do nền kinh tế chưa thích ứng ngay với các cam kết hội nhập và các biến động khó lường của bối cảnh quốc tế...

Muốn khắc phục, không còn cách nào khác là phải kiên trì thực hiện chính sách đổi mới cơ bản và toàn diện đất nước, cần lấy lợi ích của Tổ quốc và toàn dân tộc đặt lên trên hết để vươn lên.

GS Nguyễn Quang Thái (Nguồn Chính phủ)