banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Cổ phần hóa DN thuộc Bộ Công Thương: Cần linh hoạt khi thực hiện
Cập nhật lúc 03:21 ngày 25/12/2015

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng nếu như các doanh nghiệp (DN) cứ chờ đợi có khuôn khổ pháp lý phù hợp rồi mới tiến hành cổ phần hóa thì sẽ không bao giờ kịp.

Ảnh minh họa

Quý I/2016, hoàn thành cổ phần hóa 15 DN

Tại Hội nghị Tổng kết công tác Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn DN thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015, kế hoạch 2016-2020 diễn ra sáng 24/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, tổng số DN thuộc sự quản lý của Bộ là 299 DN. Giai đoạn 2005-2010, Bộ đã cổ phần hóa xong 279 DN (đạt 93%), còn lại 20 DN tiếp tục cổ phần hóa, trong đó 15/20 DN bắt buộc cổ phần hóa trong giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và chuyển đổi 8 DN Nhà nước thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bao gồm: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam, Công ty TNHH MTV Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty TNHH MTV Điện máy, Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại, Công ty TNHH MTV Viện máy và Dụng cụ công nghiệp IMI, Công ty TNHH MTV Caric, Công ty TNHH MTV Cơ khí Duyên hải trực thuộc Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp.

Hiện, tổng số vốn Nhà nước còn nắm giữ ở 8 DN nêu trên đạt hơn 3.600 tỉ đồng. Dự kiến, năm 2015 và quý I/2016, Bộ Công Thương hoàn thành việc cổ phần hóa 7 DN còn lại, trong đó có 3 tổng công ty và 4 công ty TNHH MTV.

Như vậy, sau khi hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá DN 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015, Bộ còn quản lý 4 Tập đoàn kinh tế và một Tổng công ty 100% vốn Nhà nước gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Trong đó, 4 Tập đoàn EVN, TKV, PVN, Vinachem đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh đề án tái cơ cấu, kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá DN 100% vốn Nhà nước trực thuộc và các Tập đoàn đã có báo cáo Thủ tướng về kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá và tái cơ cấu DN ngoài Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Với Vinataba, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá các đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty và Công ty mẹ-Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.

Cần linh hoạt khi thực hiện

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, nếu như các DN cứ chờ đợi có khuôn khổ pháp lý phù hợp rồi mới tiến hành cổ phần hóa thì sẽ không bao giờ kịp.

“Tập đoàn Dệt may Việt Nam mất 16 năm mới cổ phần hóa xong và đã thực hiện theo rất nhiều nghị định. Hiện, ta đang áp dụng Nghị định 189 nhưng chắc chắn sẽ có sửa đổi trong thời gian tới. Cứ hy vọng có khuôn khổ pháp lý bao trùm hết thì không thể có, vì vậy các DN phải linh hoạt khi thực hiện”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng chia sẻ, trong thời điểm chứng khoán ảm đạm như hiện nay, có DN với số lượng cổ phần bán được rất ít như Tổng Công ty Điện của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, khi mới cổ phần hóa chỉ bán được 3-4% cổ phần. Vì vậy, một trong những yếu tố để cổ phần hóa thành công lần đầu là phải có phương án bán từ 51% cổ phẩn trở lên để nhà đầu tư biết được Nhà nước sẽ không nắm giữ số cổ phần đó nữa thì họ mới sẵn sàng tham gia.

“Tôi cho rằng, trong thời gian tới, sự thành công trong công tác cổ phần hóa phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu DN. Ta chỉ có thể làm tốt khi gắn trách nhiệm người đứng đầu”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Đại diện Vụ Đổi mới DN của Văn phòng Chính phủ cho rằng, công tác cổ phần hóa chủ yếu nhằm xử lý triệt để các vướng mắc cho DN. Các bộ, ngành có vướng mắc gì vượt thẩm quyền thì báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để giải quyết và cũng không nên đặt nặng vấn đề chi phí cổ phần hóa vì sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ công tác này.

Một vấn đề mà đại diện Vụ Đổi mới doanh nghiệp cho là đóng vai trò rất quan trọng để cổ phần hóa thành công, đó là các DN phải đảm bảo chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, bởi lực lượng lao động chính là giá trị của DN. Nếu những lao động này rời bỏ DN thì giá trị DN chỉ còn rất ít.

“Chúng tôi đã đề nghị mở cơ chế bán thêm cổ phần cho người lao động với điều kiện họ phải giữ cổ phần trong thời gian từ 3-5 năm”, đại diện Văn phòng Chính phủ nói.

Bộ Công Thương cũng đề xuất cần có cơ chế chính sách tài chính để giúp các DN có quy mô lớn thực hiện thuê tư vấn tìm đối tác chiến lược, quảng bá DN không chỉ trong nước mà còn tại nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia đầu tư mua cổ phần DN.

Đồng thời, cần giảm tỉ lệ nắm giữ của Nhà nước đối với một số lĩnh vực hiện nay Nhà nước đang nắm giữ tỉ lệ cao.

Phan Trang (Nguồn Chính phủ)