banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Mối lo mất an toàn thực phẩm từ những bữa ăn ca cho công nhân
Cập nhật lúc 08:17 ngày 06/06/2016

Việc nỗ lực nâng cao chất lượng bữa ăn trưa, hay còn gọi là bữa ăn ca, nhằm đảm bảo sức khỏe cho công nhân đã được đưa vào Nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đến nay còn nhiều dang dở, mối lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn của người lao động trên cả nước vẫn đang là một câu chuyện dài được xã hội rất quan tâm. 

Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 256 khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Bên cạnh nhiều khó khăn mà người công nhân phải đối mặt như thu nhập, giờ làm việc, chế độ bảo hiểm..., tình trạng mất an toàn thực phẩm trong bữa ăn tập thể đang diễn ra trong những năm gần đây gây nhiều lo lắng trong dư luận xã hội. 

Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể, làm cho hàng nghìn lao động phải nhập viện. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các vụ ngộ độc thực phẩm đang có dấu hiệu gia tăng trên toàn quốc. Chỉ tính riêng quý 1 năm 2016, cả nước ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hon 900 người nguy kịch, gây tử vong 2 người, trong đó có tới 8 vụ xảy ra từ các bếp ăn tập thể.

Gần đây nhất vào trưa 21/4, hơn 300 lao động làm việc tại các công ty thuộc Khu công nghiệp Minh Hưng-Hàn Quốc, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước được đưa đi cấp cứu vì bị ngộ độc thực phẩm, hay hàng nghìn công nhân ở công ty trách nhiệm hữu hạn Youngor Smart Shirts Việt Nam hoảng hồn bỏ bữa khi phát hiện ra có dòi bọ trong trong khẩu phần ăn giữa ca.

Những con số nêu trên đủ để cho hàng triệu công nhân trên cả nước phải "giật mình" lo lắng cho sức khỏe của bản thân, nhưng đó cũng chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm." Hàng triệu người lao động lo lắng thực phẩm bẩn đang hàng ngày được tuồn vào các khu công nghiệp, tồn tại trong các bữa ăn, nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa được phát hiện. 

Đa số công nhân khi được hỏi đều tỏ ra rất bức xúc với tình trạng mất an toàn trong bữa ăn tập thể và ngày qua ngày họ vẫn đang phải “sống chung với lũ."

Chị Phan Minh Lý làm việc tại một công ty ở khu công nghiệp Bắc Giang, nơi vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể cách đây gần 2 tháng khiến 60 công nhân nguy kịch, cho biết chị và tất cả công nhân cùng làm việc ở đây đều lo lắng hàng ngày mình phải ăn thực phẩm không đảm bảo, nhưng cũng chỉ biết im lặng vì muốn duy trì công việc.

"Nhiều nơi đã nghỉ việc tập thể để phản đối nhưng rồi có khác được đâu. Chúng tôi không có bằng cấp, trình độ nên xin việc không dễ, ở chỗ khác cũng thế thôi,” chị Lý tâm sự.

Phó Giáo sư, tiến sỹ Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn khẳng định kết quả khảo sát trước năm 2016 cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp trên toàn quốc chưa thực hiện tốt việc cung cấp bữa ăn ca cho người lao động. Nhiều công ty tư nhân do muốn tiết kiệm chi phí nên chỉ định giá mỗi suất ăn cho công nhân trung bình là 10.000 đồng/bữa, sức khỏe của công nhân không được đảm bảo dễ dẫn đến kiệt quệ trong quá trình làm việc.

Đe dọa sức khỏe người lao động

Kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thời gian qua cho thấy khẩu phần bữa ăn của công nhân không chỉ thiếu năng lượng mà còn rất mất cân đối, thiếu chất cho sự phát triển cơ bắp. Cụ thể, năng lượng sản sinh từ protein chỉ có 12%, chất béo 16%, còn lại 72% là các chất bột đường như gạo, khoai...


Một doanh nghiệp tại khu chế xuất xây dựng bếp ăn tập thể ngay tại Công ty. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Y tế, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 160.000 ca ung thư được phát hiện mới, mà nguyên nhân chủ yếu là do môi trường ô nhiễm và sử dụng thực phẩm, đồ uống không đảm bảo vệ sinh.

Có thể thấy, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và tình trạng ngộ độc thực phẩm nói riêng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội, gióng lên hồi chuông cảnh báo, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người lao động. 

Nhiều chuyên gia đánh giá việc bữa ăn không đảm bảo chất lượng còn ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất lao động của công nhân, hay nói đúng hơn là tác động trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp đó. 

"Có những doanh nghiệp coi công nhân là nguồn lực chính của họ nên rất quan tâm đến việc đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này rất ít," phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn cho biết.

Như vậy, chất lượng dựa trên giá trị của suất ăn theo quy định đã thiếu, lại không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, khiến sức khỏe của công nhân đang bị đe dọa nghiêm trọng. 

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng khẳng định nếu tình trạng thiếu hụt năng lượng từ khẩu phần ăn kéo dài, cơ thể sẽ phải huy động nguồn năng lượng dự trữ và sức khỏe của người lao động sẽ bị bào mòn từng ngày và nảy sinh mầm bệnh nguy hiểm.

Theo congdoanvn