banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 3/6
Cập nhật lúc 08:04 ngày 04/06/2016

Trong ngày 03 tháng 6 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin đáng chú ý về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Đừng vội ép dùng xăng E5; Lọc dầu Dung Quất có thể được giải cứu; “Uẩn khúc” hai giá than chênh lệch nghìn tỷ; Long An: Xin tái xuất thuốc lá lậu vì tiêu hủy quá tốn kém; Văn bản điện tử: Bước đi quyết đoán của Bộ Công Thương; 15 tập đoàn, Tổng công ty do Bộ Công Thương quản lý đủ sức thay đổi nền kinh tế.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Đừng vội ép dùng xăng E5. Kiến nghị “khai tử” xăng khoáng truyền thống A92 để thay thế hoàn toàn bằng xăng sinh học E5 mới đây của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam bị nhiều chuyên gia cho rằng không thực tế và đi ngược với kinh tế thị trường.

Các chuyên gia cho rằng kiến nghị của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam còn nặng tư duy bao cấp, không khả thi và phi thị trường.

Ngoài giá, nhiều doanh nghiệp cho rằng tính thẩm thấu của E5 cũng cao hơn xăng bình thường nên hao hụt trong quá trình vận chuyển, chứa tại bồn cũng cao hơn. Nếu hàng bán thừa, lại phải đầu tư các loại chi phí cho bồn chứa, vệ sinh bồn bể, mặt bằng, phối trộn... cao, thì doanh nghiệp không mặn mà.

2. Lọc dầu Dung Quất có thể được giải cứu. Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi về cơ chế cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, giúp đơn vị này thoát khỏi khó khăn. Phương hướng đưa ra là ngân sách chỉ thu điều tiết đối với mặt hàng xăng ở mức 10% (so với mức tương đương thuế nhập khẩu 20% hiện nay).


Bộ Tài chính cho biết, khi phương án sửa đổi cơ chế được Thủ tướng phê duyệt thì Bình Sơn được tự quyết định giá bán sản phẩm để cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Nếu kiến nghị của Bộ Tài chính được Thủ tướng phê duyệt, Lọc dầu Bình Sơn sẽ được phép tự tính giá bán xăng dầu để có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. 

3. Bộ Công Thương khẳng định không hề có ưu ái nào đối với TKV. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 02/6 liên quan đến việc chỉ đạo "tập trung mua than của TKV".

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định không hề có ưu ái nào đối với TKV. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện từ nguồn than trong nước do TKV và Tổng Công ty Than Đông Bắc sản xuất và Bộ Công Thương phải chỉ đạo EVN, PVN mua than trong nước cho sản xuất điện từ hai đơn vị này.

Ngày 06/4, TKV đã ký hợp đồng với tổng số 2,6 triệu tấn than. Tuy nhiên, công ty Điện Vũng Áng báo cáo là có sự cố ở tổ máy số 1, dự kiến mất 10 tháng để sửa chữa, và vì vậy lượng than để sản xuất điện đã ký với TKV đủ để cho sản xuất điện theo quy định.

4. Long An: Xin tái xuất thuốc lá lậu vì tiêu hủy quá tốn kém. Ông Võ Thiện Ngộ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, thông tin hiện đơn vị đang kiến nghị UBND tỉnh Long An đề xuất Chính phủ xin tái xuất thuốc lá lậu thay vì phải tiêu hủy tốn kém, gây ô nhiễm như thời gian qua. Việc tái xuất thuốc lá lậu cũng đã được thí điểm và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Theo ước tính, có những lúc việc tiêu hủy thuốc lá lậu phải tiêu tốn hàng tỉ đồng, tính bình quân mỗi năm tiêu tốn cả chục tỉ đồng.

5. Văn bản điện tử: Bước đi quyết đoán của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành. Cải cách thủ tục hành chính luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. 


Với mục tiêu điện tử hóa toàn bộ quy trình quản lý, xử lý văn bản và áp dụng đồng bộ, thống nhất tại các đơn vị trong Bộ, Bộ tiến hành cải tiến quy trình xử lý văn bản và triển khai mới Hệ thống văn bản điện tử Bộ Công Thương (iMOIT). 

Thông qua trục kết nối, Hệ thống đã liên thông văn bản với Văn phòng chính phủ và sẵn sàng kết nối, liên thông với các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước. Đây sẽ là tiền đề cho việc sớm hoàn thành mục tiêu Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương.

6. 15 tập đoàn, tổng công ty do Bộ Công Thương quản lý đủ sức thay đổi nền kinh tế. Chính phủ đã có chủ trương trình Quốc hội thành lập một Ủy ban quản lý toàn bộ các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn cũng như có phần vốn nhà nước từ 50% trở lên.


Theo các ước tính sơ bộ, nhóm doanh nghiệp này đang nắm giữ lượng tài sản trị giá tới 5 triệu tỷ đồng. Khi "uỷ ban 5 triệu tỷ" được thành lập, các doanh nghiệp của Bộ Công Thương sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể trên tổng khối tài sản mà uỷ ban này quản lý. Nắm giữ những lĩnh vực trọng yếu cũng như đang quản lý nguồn lực khổng lồ nên các doanh nghiệp này đóng vai trò then chốt đối với kinh tế đất nước.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)