banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Sự thật về cân bằng lợi ích trong đàm phán TPP
Cập nhật lúc 04:22 ngày 20/12/2015

Có ý kiến còn xuyên tạc rằng “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản và kể từ khi ra đời năm 1946 đến nay chỉ giữ vai trò thay mặt Đảng để kiềm tỏa người công nhân chứ không tranh đấu cho quyền lợi của người công nhân”!

“Những cam kết trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) về lĩnh vực lao động cùng với các cam kết quốc tế khác liên quan mà Việt Nam đã và sẽ tham gia chính là bước tiến trong nỗ lực của Việt Nam nhằm cải cách thị trường lao động gắn với quyền, quyền lợi và điều kiện để nâng cao năng lực của người lao động...”. Nhận định này của Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã góp phần đưa lại một góc nhìn tương phản với ý kiến cho rằng, Việt Nam đang chịu sức ép từ các đối tác đàm phán yêu cầu Việt Nam phải cho phép thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công nhân...

“Vì tham gia TPP nằm trong lợi ích của Việt Nam đã được các nghiên cứu chứng minh, ở đây chỉ là câu chuyện của cân bằng giữa lợi ích và những tác động mặt trái của nó, cân bằng giữa lợi ích cụ thể của từng ngành nghề với lợi ích của cả đất nước...”, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành.  

Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết, “luật chơi” trên “sân chơi TPP” mà Việt Nam đang tham gia đặt ra cho tiêu chuẩn lao động được dựa cơ bản vào nguyên tắc đã nêu trong tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1998. Như vậy, nói là có sự ép buộc hay áp đặt ở đây là không hợp lý vì Việt Nam cũng là một thành viên của ILO và đang nỗ lực thực thi các cam kết dựa trên nguyên tắc của ILO, đằng sau đó là quyền và quyền lợi của người lao động. Những cam kết quốc tế dựa trên nguyên tắc của ILO mà Việt Nam là thành viên, rõ ràng về tổng thể là phù hợp với con đường và cách thức mà Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Thậm chí Việt Nam còn có sự sáng tạo nữa.

Vậy nhưng hiện nay, có một số người đang lợi dụng cái mà họ gọi là “sức ép” ấy để kêu gọi thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam với những lý do thiếu tính thuyết phục. Họ viết thư gửi đến 11 nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP để gia tăng áp lực quốc tế đối với Việt Nam trong vấn đề này. Họ phủ nhận vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong bảo vệ người lao động, cho rằng “nếu người công nhân không có quyền thành lập nghiệp đoàn, không được ai bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì họ vẫn là những người nô lệ”!

Có ý kiến còn xuyên tạc rằng “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản và kể từ khi ra đời năm 1946 đến nay chỉ giữ vai trò thay mặt Đảng để kiềm tỏa người công nhân chứ không tranh đấu cho quyền lợi của người công nhân”! Họ rêu rao một câu chuyện không có thực khi cho rằng, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì “nuốt lời hứa và quay ra đàn áp những người tranh đấu vì quyền nghiệp đoàn của công nhân”. Họ cũng tự huyễn hoặc một mối lo ngại mơ hồ là sau khi vào TPP, Việt Nam cũng sẽ lại như vậy (?). 

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nếu nhìn lại quá trình mở cửa hội nhập của Việt Nam, nhất là mở cửa về kinh tế, Việt Nam về cơ bản thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế. Thậm chí, luật của Việt Nam cũng quy định rằng, nếu một cam kết quốc tế mà luật của Việt Nam chưa phù hợp thì đặt cam kết quốc tế làm điều kiện cao hơn để thực hiện. Như khi ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ năm 2000, Việt Nam cam kết khá chặt chẽ về nội dung mở cửa trong lĩnh vực bảo hiểm. Nhưng trên thực tế, tốc độ mở cửa và cải cách của ta còn nhanh hơn cả cam kết trong BTA. “Cả văn bản pháp luật và thực tiễn đều khẳng định rõ như vậy, cho thấy ý thức thực hiện cam kết của Việt Nam là rõ ràng”, Tiến sĩ Võ Trí Thành dẫn chứng. 

Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết thêm, kể từ sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong vấn đề tiêu chuẩn và quyền của người lao động. Việt Nam là thành viên ILO, sau khi gia nhập WTO, do nhu cầu đối với tiêu chuẩn hàng hóa, vấn đề chiếm lĩnh thị trường, uy tín doanh nghiệp, sự thừa nhận của người tiêu dùng nên ngoài những tiêu chuẩn kỹ thuật, sản phẩm của Việt Nam cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định về người lao động. 

Cho đến nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đạt tiêu chuẩn SA 8000-được xem là chứng chỉ quốc tế đầu tiên cho những công ty bảo đảm được các quyền lợi cơ bản của người lao động. SA 8000 dựa trên 12 công ước của ILO, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việc áp dụng mô hình quản lý theo tiêu chuẩn SA 8000 đã được chứng minh là mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và các bên liên quan như tổ chức công đoàn và tổ chức phi chính phủ. Vì SA 8000 tạo cơ hội để thành lập tổ chức công đoàn và thương lượng tập thể; là công cụ đào tạo cho người lao động về quyền lao động và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cam kết bảo đảm cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn về sức khỏe và môi trường. Hiện nay, ở Việt Nam đã có 25 doanh nghiệp được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn SA 8000. 

Đó là chưa kể việc Việt Nam vừa thông qua Luật Lao động mới, góp phần nâng cao năng lực của người lao động cũng như quyền lợi của người lao động.

Tiến sĩ Võ Trí Thành khẳng định, mỗi cam kết quốc tế, trong Hiệp định TPP cũng vậy, thường ở một tầm mức mới, cao hơn, để đáp ứng được các điều kiện của nền kinh tế toàn cầu, sự vận động của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động của thế giới, nên cũng đòi hỏi các nước tham gia phải nỗ lực nhiều hơn nếu muốn tham gia. Những thay đổi tích cực trên cho thấy những nỗ lực của Việt Nam để ngày càng đáp ứng tốt hơn các cam kết quốc tế, bao gồm việc tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế, hoàn thiện luật pháp... 

Tuy nhiên, trong việc này cũng cần tính tới tình hình thực tế, điều kiện, hoàn cảnh ở mỗi quốc gia. Về tổng thể, kể cả trong vấn đề lao động cũng phải phù hợp với quá trình đổi mới ở Việt Nam. Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết, có những cam kết quốc tế ở một số lĩnh vực nhất định do điều kiện, năng lực thực tế ở Việt Nam chưa phù hợp để thực thi nên phải có lộ trình. Mặt khác, Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực hơn nữa, bao gồm năng lực thể chế, năng lực thực thi, năng lực cho doanh nghiệp và cả cho người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm được rất nhiều việc để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, nhưng điều đó không có nghĩa là không cần tiếp tục cải cách, đổi mới phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình và phù hợp với phương thức lao động, sản xuất trong môi trường mới cũng như phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới của nền kinh tế nói chung đang vận động không ngừng.

Ở góc độ ngược lại, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh, bên cạnh các lợi ích đã được nhiều nghiên cứu chứng minh, TPP không phải chỉ có “hoa hồng”. Ngành nghề bị thu hẹp, doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ bị thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản, gây tác động đến người lao động. Vì vậy, theo ông, cách thức cam kết của Việt Nam trong TPP là gắn với quyền, quyền lợi, quyền lựa chọn của người lao động nhưng nó cũng tương thích với thực tiễn của Việt Nam, với năng lực của Việt Nam. 

Điều này được thể hiện trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ được hai nước thông qua trong chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây, nêu rõ: “Việt Nam và Hoa Kỳ mong đợi phối hợp chặt chẽ với các bên tham gia đàm phán khác để hoàn tất sớm nhất có thể Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện, nhiều kỳ vọng và tiến hành những cải cách mà thấy có thể cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP, kể cả khi cần thiết đối với các cam kết liên quan tới Tuyên bố của ILO năm 1998 về Nguyên tắc cơ bản và Quyền tại nơi làm việc”. 

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, qua đó có thể tin tưởng rằng Việt Nam và các thành viên tham gia đàm phán Hiệp định TPP, đặc biệt là trong đàm phán song phương trong khuôn khổ TPP với Hoa Kỳ, đã tìm ra giải pháp thích hợp cho vấn đề công đoàn độc lập gây tranh cãi.

Vậy nhưng, đây đó vẫn xuất hiện những dòng chảy lạc lõng và phi lý. Trên không gian mạng xã hội Facebook đang tồn tại một trang có cái tên “Công đoàn độc lập”, trong đó thường đưa đường dẫn những bài báo về các vụ việc mâu thuẫn giữa công nhân và doanh nghiệp, các vụ việc tiêu cực liên quan đến người lao động hay những thông tin một chiều, tiêu cực về tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam... Kèm theo đó là các bình luận, đánh giá phủ nhận vai trò lãnh đạo, điều hành đất nước của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với người lao động. Chưa cần biết đằng sau trang Facebook này là ai, nhưng với kiểu trình bày nội dung đầy thiên kiến một cách có chủ ý như vậy cũng có thể khẳng định, vấn đề công đoàn độc lập đang bị chủ nhân của trang Facebook lợi dụng phục vụ cho mục đích chính trị hòng thay đổi chế độ ở Việt Nam dưới chiêu bài quen thuộc là dân chủ, nhân quyền. 

Họ cố tình không hiểu rằng, trên bàn đàm phán TPP chỉ thương lượng các vấn đề về kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ chứ không đặt ra vấn đề áp đặt về thể chế chính trị. Âm mưu chính trị của họ càng lộ rõ khi tuyên bố cái gọi là "công đoàn độc lập" là yêu cầu, đòi hỏi của các tổ chức chính trị, xã hội ở các nước chuẩn bị ký kết Hiệp định TPP với Việt Nam. Vì thế, họ cố tình bỏ qua một sự thật không thể phủ nhận là Hiệp định TPP mà Việt Nam đang nỗ lực đàm phán cũng chính là vì quyền lợi của người lao động và trên hết là lợi ích quốc gia. Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Hiệp định TPP nếu đàm phán thành công sẽ tác động rất tốt đến lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư và sau đó là tăng trưởng kinh tế, chính là lợi ích của doanh nghiệp, là cơ hội có công ăn việc làm tốt hơn và cải thiện thu nhập của người lao động.

Những người xuyên tạc, chống phá xung quanh vấn đề công đoàn độc lập trong đàm phán TPP không hiểu được một nguyên tắc cơ bản trong đường lối đối ngoại của Việt Nam, là độc lập, tự chủ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi trong quan hệ quốc tế. Không một ai, một thế lực nào có thể ép buộc Việt Nam hành động đi ngược lợi ích quốc gia, dân tộc./.

Mai Xuân (QĐND)