banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Công nhân yêu không dám cưới, cưới không dám có con, có con lại không nuôi nổi
Cập nhật lúc 10:54 ngày 26/05/2016

“Yêu, tiến tới hôn nhân, xây dựng gia đình của mình hạnh phúc là quyền của mỗi người, là nhu cầu tự nhiên, là khát vọng cuộc sống nhưng cũng rất giản dị, đời thường. Thế nhưng, dường như điều giản dị đó với đa phần công nhân lao động ở KCN, KCX lại không dễ dàng một chút nào. Nhiều anh chị em công nhân lao động trẻ đã từng tâm sự: Chúng em yêu nhau mà chưa dám cưới, cưới nhau lại chưa dám có con, có con lại không nuôi nổi, không có chỗ gửi con phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm nom, nhớ con mà không biết làm sao”.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng chủ trì Hội thảo

Đó là lời phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng tại Hội thảo vấn đề đời sống hôn nhân, gia đình của CN tại các KCN hiện nay được tổ chức vào sáng 24.5.

Theo Tổng LĐLĐVN, đến nay, có hơn 2,4 triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, với 60 – 70% là lao động nữ và phần lớn là lao động di cư đến từ nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Sự phát triển của các KCN mang lại nhiều tác động tích cực trong tạo việc làm, thu hút một lực lượng lao động với quy mô lớn và đa dạng về đặc trưng nhân khẩu học và xã hội, góp phần cho sự hình thành và phát triển của các gia đình công nhân trong các khu công nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề xây dựng đời sống gia đình để công nhân “an cư, lạc nghiệp” tại các khu công nghiệp cho thấy nhiều khó khăn thách thức.

Đa phần công nhân có tuổi đời trẻ, là người lao động nhập cư mới tốt nghiệp PTTH, thoát li từ nông thôn ra thành thị đến làm việc tại các KCN.

Hầu hết các KCN hiện nay chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ NLĐ; đời sống tinh thần của công nhân còn nghèo nàn; có tình trạng mất cân bằng giới tính tại KCN; Đời sống vật chất của CNLĐ còn gặp nhiều khó khăn, tiền lương chưa đáp ứng được mức chi tiêu cơ bản hàng ngày của NLĐ. Tiền lương và thu nhập thấp, dẫn đến áp lực về đời sống vật chất khiến đại bộ phận công nhân lúng túng khi lựa chọn bạn đời và lo lắng các điều kiện cần và đủ để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Tuy đây là một vấn đề lớn, nhưng cho đến nay, chưa có đề tài nghiên cứu độc lập về vấn đề này. Do đó, việc triển khai đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các KCN hiện nay”. Trong bối cảnh nêu trên, Tổng Liên đoàn LĐVN đã giao cho Ban Nữ công chủ trì nghiên cứu đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các KCN hiện nay”.

Tại Hội thảo ngày hôm nay, cùng với việc công bố những kết quả khảo sát, nghiên cứu của đề tài, Tổng LĐ sẽ nghe những tham luận đến từ các chuyên gia về giáo dục, lao động, việc làm, đại diện Vụ Gia đình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Viện nghiên cứu Gia đình và giới; các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố nhiều KCN... trình bày những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến công tác gia đình và các yếu tố tác động đến vấn đề xây dựng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay. Những ý kiến từ Hội thảo này, cùng với kết quả nghiên cứu sẽ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn nhằm nhìn nhận, dự báo xu hướng về đời sống hôn nhân, gia đình công nhân đặc biệt là nữ công nhân tại các khu công nghiệp, là nơi người lao động gặp nhiều khó khăn hơn so với các khu vực khác. Từ đó, đề xuất những giải pháp có tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng điều kiện sống, đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, Đảng Nhà nước rất quan tâm đến quyền con người, trong đó hôn nhân gia đình là quyền tự thân, tự nhiên, không phải bản thân tự quan tâm đến hạnh phúc, mà còn thể chế trong văn bản của Đảng, nhà nước. Riêng vấn đề hôn nhân gia đình quốc hội đã ban hành luật và đã sửa đổi Luật hôn nhân gia đình. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước.

“Hiện nay, có khoảng 2,4 triệu CNLĐ đang LĐ trong các KCN trong các vùng miền cả nước. Cùng những mặt thuận lợi, tích cực, cũng đang đối mặt với khó khăn về việc làm, thu nhập, nhà trẻ cho con, về thiết chế văn hóa. Hoặc có những điều hết sức bình dị là mái ấm gia đình, thì đối với CNLĐ không đơn giản. Chúng tôi đã từng gặp gỡ họ, có những tâm sự anh chị em CN bộc bạch giản dị rằng, chúng em rất là muốn yêu vì đa số trẻ, nhưng yêu rồi thì đôi lúc chưa dám cưới. Trong khoảng thời gian chưa dám cưới đó, CN sống như vợ chồng nhưng không được pháp luật công nhận. Cưới rồi chưa dám có con. Bởi ai sẽ trông, ai sẽ nuôi? Họ không biết gửi nhà trẻ nào tốt, hoặc không có nhà trẻ. Sinh con rồi thì nhiều người phải tạm phải xa tình mẫu tử gửi con về quê, không được ở gần con; cháu bé non nớt nhưng không được tình thương, bú sữa ngọt ngào của mẹ. Những điều này dẫn đến những hệ lụy tinh thần, tình cảm, tinh thần của CN”- Phó Chủ tịch chia sẻ.

Phó Chủ tịch đề nghị các đại biểu thảo luận, làm rõ hơn một số vấn đề: Những yếu tố tác động tới vấn đề xây dựng đời sống hôn nhân, gia đình bền vững của công nhân tại các KCN hiện nay; đánh giá thực trạng vấn đề hôn nhân, đời sống gia đình của công nhân tại các KCN hiện nay; vai trò của công đoàn/ của các cơ quan Bộ, ngành có liên quan trong việc đề xuất các giải pháp góp phần xây dựng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các KCN hiện nay.

Đề tài “Vấn đề đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các KCN hiện nay” bắt đầu được triển khai từ tháng 6.2015 –tháng 6.2016 hoàn thành, nghiệm thu đề tài. Nhóm nghiên cứu đã phân tích và chọn mẫu ở nơi có đông KCN, đông công nhân làm việc trong các KCN tại 9 tỉnh, thành phố tập trung nhiều KCN, KCX, gồm Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ (đại diện cho khu vực phía Nam),TP Đà Nẵng, Tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa (đại diện cho khu vực Miền Trung), TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc khảo sát 1.500 phiếu hỏi công nhân.

Nguồn Báo Lao động