banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
"Đối diện" TPP và thách thức với công đoàn
Cập nhật lúc 08:24 ngày 24/05/2016

Một trong những nội dung chính về lao động trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là các nước tham gia phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động (NLĐ) trong việc thành lập, gia nhập tổ chức của NLĐ tại cơ sở. Đây là vấn đề lớn, đặt ra nhiều thách thức cho Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam.

Cơ hội và thách thức

Tại buổi Báo cáo chuyên đề về "Những cơ hội và thách thức khi Việt Nam ký kết và thực thi Hiệp định TPP", Vụ trưởng Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái nhấn mạnh: "Cơ hội mà TPP mang lại cho Việt Nam là tương đối lớn, tuy nhiên cũng sẽ có không ít thách thức đối với NLĐ và tổ chức công đoàn. Không loại trừ khả năng doanh nghiệp (DN) đình đốn sản xuất ở những lĩnh vực kém cạnh tranh: Nông nghiệp, sắt thép, ô-tô... Điều này dẫn tới nguy cơ mất việc làm cho NLĐ".

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính, thành viên trực tiếp tham gia phái đoàn đàm phán của Việt Nam, nhận định: Nếu công đoàn hoạt động thật sự hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh, nói lên được tiếng nói, những bức xúc chính đáng của NLĐ, thì các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ gia nhập vào tổ chức công đoàn Việt Nam, tạo thêm sức mạnh cho tổ chức công đoàn Việt Nam. Ngược lại, nếu công đoàn hoạt động hời hợt, không hiệu quả, không đấu tranh cho quyền lợi của NLĐ hoặc đấu tranh không hiệu quả, các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ không gia nhập công đoàn Việt Nam. Họ sẽ tự liên kết để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Khi đó, chắc chắn tổ chức công đoàn hiện tại chỉ là hình thức, không có sức mạnh thật sự. Đây là thử thách vô cùng lớn.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Mtex Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Văn Lai chia sẻ: Việc có nhiều tổ chức đại diện cho NLĐ khác hoạt động song song với hệ thống công đoàn hiện nay, ngoài mặt tốt là NLĐ sẽ có nhiều lựa chọn, nhưng cũng gây khó khăn cho hoạt động công đoàn hiện tại. Nhìn chung, công đoàn cơ sở (CĐCS) vẫn phải chịu áp lực từ nhiều phía: DN, công đoàn cấp trên. Ở nhiều nơi, công đoàn chưa hoàn thành tốt vai trò đấu tranh cho NLĐ. Theo tôi, ngay từ bây giờ, công đoàn phải có những bước đi đón đầu thật vững chắc, tự làm mới mình, có nhiều hoạt động thiết thực hơn cho NLĐ. Làm thế nào để NLĐ cảm thấy không cần lập thêm một tổ chức mới để đấu tranh bảo vệ quyền lợi. Nếu công đoàn cứ ngồi yên, buộc NLĐ phải lập ra các tổ chức mới để bảo vệ quyền lợi, lúc đó, vai trò của công đoàn sẽ giảm sút, thậm chí khó duy trì.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chúng ta cũng không quá lo lắng về việc có những tổ chức NLĐ tại cơ sở khác được thành lập, bởi theo Hiệp định TPP, Việt Nam cũng như các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của NLĐ trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của NLĐ tại cơ sở. Tổ chức của NLĐ tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng LĐLĐ Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch, được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức của NLĐ, sau khi hoàn tất thủ tục nêu trên, sẽ có một số quyền tự chủ nhất định phù hợp quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và pháp luật Việt Nam. ILO cũng như TPP luôn nhấn mạnh việc tất cả tổ chức của NLĐ phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại cũng như phải hoạt động phù hợp tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã đăng ký. Các tổ chức của NLĐ không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích phù hợp quy định của ILO, đã đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.

"Lột xác" hay "thua cuộc"?

Theo cam kết trong Hiệp định TPP, riêng Việt Nam sẽ có thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, tức là khoảng bảy năm kể từ khi ký Hiệp định, các tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với các quy định của ILO.

Với thời gian chuẩn bị này, đây là cơ hội để công đoàn Việt Nam đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, hoàn thiện hệ thống pháp luật và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của người lao động.

"Hoạt động của CĐCS phải thật sự "lột xác", nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, nếu không chúng ta sẽ "thua" - Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhận định tại Hội nghị BCH lần thứ 7 khóa XI diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2015.

Góp ý về phương hướng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong thời gian tới, Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu cho rằng, khi gia nhập TPP, việc phát triển đoàn viên, CĐCS sẽ gặp khó khăn khi "đối đầu" cuộc chiến thu hút NLĐ gia nhập tổ chức của mình với các tổ chức của NLĐ khác. Do đó, hơn bao giờ hết, cần nâng cao chất lượng, số lượng cán bộ CĐCS. Nhưng, đó không chỉ là tăng cán bộ một cách cơ học, bởi hiện nay, bên cạnh những cán bộ công đoàn hoạt động tích cực, hết lòng vì NLĐ, vẫn còn một bộ phận cán bộ công đoàn thiếu nhạy bén, không dũng cảm đấu tranh cho quyền lợi của NLĐ. Vì vậy, điều cấp bách là thay đổi nhận thức, tư duy tập trung bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đội ngũ này, nhất là cán bộ CĐCS ở khu vực ngoài nhà nước. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Về tài chính, việc để lại 65% kinh phí công đoàn cho cơ sở thay vì 50% như trước đây là điều kiện để CĐCS có thực lực, chăm lo tốt hơn cho NLĐ, đoàn viên công đoàn.

Tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI, BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định lấy chủ đề hoạt động năm 2016 là "Năm phát triển đoàn viên, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐCS". Đó thật sự là cách nhập cuộc nhanh chóng và trọng tâm, chính xác, nhằm giải quyết những vấn đề hạn chế của công đoàn hiện nay. Theo đó, các cấp công đoàn cần tham gia xây dựng đề án "Đổi mới hoạt động công đoàn sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định TPP"; triển khai, phổ biến các mô hình phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, gắn phát triển đoàn viên với thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An Nguyễn Văn Vân cho rằng: "Chưa khi nào, chưa bao giờ, hoạt động tổ chức công đoàn cần hướng về cơ sở mạnh hơn nữa, sát sao hơn nữa, tới từng NLĐ như hiện nay; cần hiểu được những khó khăn của công nhân. Để được như vậy, trong quá trình học tập và tự rèn luyện, cán bộ công đoàn phải nhạy bén, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, tham gia bảo vệ quyền lợi của NLĐ, thật sự trở thành thủ lĩnh của NLĐ, dẫn dắt họ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội quy lao động tại DN. Chỉ khi đó, NLĐ mới thừa nhận tổ chức công đoàn là chỗ dựa vững chắc của họ; mới vững tâm, nhiệt tình tham gia các hoạt động do công đoàn phát động".

Quyền lựa chọn và sức ép nâng tầm

Vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam gấp rút xây dựng chương trình hành động với các nhóm giải pháp chủ yếu, đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn theo phương thức mới. Tuyển dụng cán bộ công đoàn theo hướng trưởng thành từ thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu sửa đổi Điều lệ công đoàn Việt Nam, tăng cường tham gia sửa đổi pháp luật lao động và công đoàn. Tập trung thực hiện những nội dung liên quan chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, các vấn đề về quan hệ lao động. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo hướng xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa Ban Chấp hành CĐCS với đoàn viên, NLĐ và xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Ban Chấp hành CĐCS với người sử dụng lao động. Kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tại nơi làm việc.

Phó Chủ tịch Công đoàn Khu chế xuất - khu công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Đình Thắng cho biết: Sau 30 năm đất nước đổi mới, hoạt động trong cơ chế thị trường, tổ chức công đoàn đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Trong đó, có bài học phải làm thế nào để ngày càng hấp dẫn, thu hút NLĐ tự giác gia nhập; làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Hoạt động luôn hướng đến mục đích bảo vệ việc làm của NLĐ, làm sao để NLĐ được trả công xứng đáng, được lao động trong môi trường tốt, được chăm lo đời sống văn hóa tinh thần... Với sự xuất hiện của hai hay nhiều tổ chức đại diện NLĐ trong một DN, việc NLĐ suy nghĩ, lựa chọn tổ chức nào làm tốt hơn việc bảo vệ lợi ích của họ để họ gia nhập, là điều tất yếu. Với tư cách cá nhân, tôi không ngại sự "đối đầu" giữa tổ chức đại diện cho NLĐ tại DN và tổ chức công đoàn Việt Nam. Nhiều người nói, khi tham gia TPP, chúng ta sẽ gặp nhiều cản trở, thách thức, nhưng tại sao chúng ta không biến những khó khăn, thách thức ấy thành cơ hội? Với những gì mà công đoàn Việt Nam đã làm được cho NLĐ, chúng tôi tự tin và hân hoan chờ đón những thách thức tạo thời cơ lớn. Hiệp định TPP sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm, tiền lương khấm khá, ổn định cho NLĐ. Tổ chức nào cũng đều phải đấu tranh cho quyền lợi của NLĐ một cách tốt nhất. Đó là cơ sở, động lực để NLĐ quyết định chọn ai là người đại diện.

Nguồn Báo Nhân dân