banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Kế hoạch của Việt Nam và Hoa Kỳ về tăng cường thương mại và quan hệ lao động
Cập nhật lúc 07:44 ngày 18/05/2016

Kế hoạch này xác lập các quyền và nghĩa vụ mà chỉ có giá trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Theo đó, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ghi nhận, mỗi Bên, theo Chương 19 (Lao động) của Hiệp định TPP, cam kết thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến pháp luật và thực tiễn về lao động của mình, bao gồm các luật và quy định của Bên đó và các quyền lao động như được nêu trong Tuyên bố của ILO; thừa nhận tầm quan trọng của việc thực thi và tuân thủ luật pháp của mỗi Bên và thực hiện một số cam kết trong Kế hoạch đã ký.


Về cải cách pháp luật, Việt Nam sẽ thực thi các cải cách pháp luật dưới đây bằng cách sửa đổi các luật, nghị định, quy định hiện hành hoặc ban hành các luật, nghị định, quy định mới và sẽ thực hiện mọi thay đổi bổ sung cần thiết khác nhằm bảo đảm sự nhất quán giữa các quy định của pháp luật.

Việt Nam bảo đảm rằng luật và quy định cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp, không có sự phân biệt, được thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở theo lựa chọn của họ mà không cần phải xin phép trước. Để được hoạt động, tổ chức của người lao động phải đăng ký với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó. Tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở, nếu đã đăng ký với cơ quan nhà nước, được quyền tự chủ trong việc bầu ra đại diện của mình, thông qua điều lệ và nội quy, tổ chức công việc hành chính, bao gồm quản lý tài chính và tài sản, thương lượng tập thể, tổ chức và lãnh đạo đình công cũng như các hành động tập thể khác liên quan đến lợi ích kinh tế - xã hội và nghề nghiệp của người lao động tại doanh nghiệp đó. Nói rõ hơn, một tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì trong luật pháp cũng như trong thực tiễn sẽ có các quyền không kém hơn so với tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với các quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO.

Theo yêu cầu này, tổ chức đó hoặc đại diện của tổ chức đó có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo để người lao động và tổ chức của người lao động nêu trên tìm hiểu pháp luật lao động Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu và thủ tục thành lập tổ chức của người lao động, thành lập tổ chức của người lao động và tiến hành các hoạt động của tổ chức của người lao động sau khi đã được thành lập, bao gồm thương lượng tập thể, đình công và tiến hành các hành động tập thể có liên quan tới lao động theo Tuyên bố của ILO.

Bảo đảm tổ chức của người lao động được tự chủ trong việc quản lý các vấn đề của tổ chức đó

1. Việt Nam bảo đảm luật pháp sẽ không quy định các tổ chức của người lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải hoạt động theo Điều lệ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cho phép các tổ chức này được thông qua và hoạt động theo điều lệ riêng của mình; Việt Nam cũng bảo đảm luật pháp quy định rằng một tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có quyền thu và quản lý phí hội viên của tổ chức đó và được nhận phần chia cho tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở từ khoản đóng góp 2% mà người sử dụng lao động đóng trên cơ sở không phân biệt đối xử. Các điều khoản liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành bao gồm Điều 4(8), Điều 6(2), Điều 26 và Điều 27 của Luật Công đoàn.

2. Việt Nam bảo đảm rằng luật pháp sẽ không quy định duy nhất một tổ chức của người lao động được hưởng đặc quyền trong việc tham gia tham vấn với các cơ quan chính quyền; và luật pháp sẽ cho phép sự tham gia tham vấn đó nhưng không dẫn chiếu tới một tổ chức của người lao động cụ thể nào. Các điều khoản liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành bao gồm Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều13 của Luật Công đoàn.

3. Việt Nam bảo đảm luật pháp của mình cho phép các tổ chức của người lao động đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền sở hữu và quản lý các loại tài sản của mình. Các điều khoản liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành bao gồm Điều 28 của Luật Công đoàn.

4. Do Hiến pháp Việt Nam chỉ công nhận các tổ chức của người lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, Việt Nam bảo đảm luật pháp của mình sẽ không yêu cầu tổ chức của người lao động đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị mâu thuẫn với các quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO.

5. Việt Nam bảo đảm rằng luật pháp sẽ không yêu cầu tổ chức của người lao động ở cấp trên, theo chức năng, phải hỗ trợ tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở và quy định rõ rằng tổ chức của người lao động ở cấp trên có thể thực hiện hoạt động hỗ trợ này chỉ khi có yêu cầu cụ thể từ tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở. Các điều khoản liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành bao gồm Điều 188(1) và Điều 188 (2) Bộ luật Lao động.

Đại diện cho người lao động tại nơi chưa có tổ chức của người lao động

Việt Nam bảo đảm rằng luật pháp sẽ không yêu cầu tổ chức của người lao động ở cấp trên phải đại diện cho những người lao động chưa tham gia tổ chức của người lao động và quy định rằng tổ chức của người lao động ở cấp trên có thể đại diện cho những người lao động chưa tham gia tổ chức của người lao động chỉ khi có yêu cầu của những người lao động đó và chỉ đại diện cho một, hoặc một số, người lao động đã đưa ra yêu cầu cụ thể đó. Các điều khoản liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành bao gồm Điều 188 (3) và Điều 210 (2) của Bộ luật Lao động.

Lựa chọn cán bộ cho tổ chức của người lao động

Việt Nam bảo đảm rằng luật pháp sẽ quy định tất cả các cán bộ thuộc ban chấp hành của một tổ chức của người lao động sẽ do các thành viên của tổ chức đó bầu; và ban chấp hành đó có thể tuyển dụng nhân sự để hỗ trợ các hoạt động của tổ chức của người lao động. Các điều khoản liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành bao gồm Điều 4(4) và Điều 4(5) Luật Công đoàn.

Can thiệp vào hoạt động tổ chức

Để bảo vệ lợi ích của người lao động, bao gồm cả lợi ích trong thương lượng tập thể, Việt Nam bảo đảm rằng, trong luật pháp và trong thực tiễn, có sự tách bạch rõ ràng giữa người lao động và những người có lợi ích gắn với người sử dụng lao động và cấm người sử dụng lao động can thiệp vào tổ chức của người lao động, phù hợp với quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO, đồng thời vẫn tôn trọng quyền tham gia tổ chức của người lao động đối với  những người làm công tác  quản lý và điều hành.

Việt Nam sẽ sửa Điều 24 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP để mở rộng phạm vi bảo vệ chống lại các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn, bao gồm các yếu tố về thương lượng thiện chí, và đưa ra  chế tài đủ để răn đe các vi phạm.

Sự thống nhất với các luật khác

Việt Nam bảo đảm sẽ không có luật hoặc văn bản pháp luật nào, hoặc các điều khoản cụ thể trong luật hoặc văn bản pháp luật nào, ví dụ như Luật về Hội, được áp dụng hoặc sửa đổi nhằm cản trở các hoạt động liên quan tới tổ chức của người lao động đã được quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và các luật khác liên quan tới lao động của Việt Nam, bao gồm việc thành lập tổ chức của người lao động, thương lượng tập thể, đình công hoặc hỗ trợ các hoạt động này.

Phạm vi đình công

1. Việt Nam bảo đảm rằng luật pháp sẽ cho phép đình công về quyền phù hợp với hướng dẫn của ILO. Các điều khoản liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành bao gồm Điều 215 (1) Bộ luật Lao động.

2. Việt Nam bảo đảm luật pháp quy định rằng, để có thể tổ chức đình công, cần có 50 phần trăm cộng một thành viên Ban Chấp hành đồng ý. Các điều khoản liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành bao gồm Điều 212 và Điều 213(1) Bộ luật Lao động.

3. Ghi nhận rằng thương lượng tập thể ở cấp ngành và bao gồm hơn một doanh nghiệp đã được thừa nhận trong Bộ luật Lao động, Việt Nam bảo đảm sẽ cho phép đình công được tổ chức cho những người lao động ở các doanh nghiệp khác nhau ở cùng cấp mà thương lượng tập thể đã được pháp luật cho phép, với điều kiện phải tuân thủ các thủ tục trong nước mà không trái với các quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO. Các điều khoản liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành bao gồm Điều 215(2) của Bộ luật Lao động.

4. Việt Nam sẽ sửa đổi Nghị định 41/2013/NĐ-CP để bỏ Điều 2.1.b của Nghị định và danh mục các đơn vị thuộc diện điều chỉnh để bảo đảm rằng đình công là được phép trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, cung cấp và sản xuất khí ga.

5. Việt Nam sẽ sửa đổi Nghị định 46/2013/NĐ-CP để bỏ Điều 8.1 của Nghị định này.

Bên cạnh đó, kế hoạch này cũng xác lập chi tiết về lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử, đầu mối liên lạc quốc gia trong TPP, các hoạt động về quan hệ lao động, năng lực của thanh tra lao động, lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, minh bạch và chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến của công chúng, hợp tác, tiếp cận cộng đồng và giáo dục và các cơ chế Chính phủ... 

Cơ chế rà soát cấp chính phủ

Để hỗ trợ các cơ chế rà soát cấp chính phủ đã được thiết lập ở phần  trên, Việt Nam và Hoa Kỳ thống nhất các hành động sau: Việt Nam, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, sẽ đề nghị ILO thành lập một Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật (TAP) tại Việt Nam để hỗ trợ thường xuyên và liên tục cho Việt Nam, nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cải cách pháp luật và bộ máy tổ chức trong khuôn khổ Kế hoạch này. TAP sẽ đưa ra một báo cáo công khai sau hai năm kể từ khi Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Việt Nam và Hoa Kỳ và sau đó là hai năm một lần trong vòng tám năm, báo cáo sẽ bao gồm các thông tin và dữ liệu liên quan tới đánh giá việc thực hiện hiệp định, bao gồm thực tiễn quan hệ lao động tại Việt Nam. Báo cáo có thể đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình thực hiện. Việt Nam sẽ cân nhắc các khuyến nghị của TAP.

 Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ thành lập một Ủy ban Chuyên gia Lao động (LEC) bao gồm ba thành viên. Trong vòng 30 ngày kể từ khi Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Việt Nam và Hoa Kỳ, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ thống nhất về vị trí Chủ tịch Ủy ban - có thể là một đại diện của ILO hoặc một cá nhân khác có kiến thức chuyên môn về tiêu chuẩn lao động quốc tế, không thiên vị, khách quan và độc lập với cả hai bên. Việt Nam và Hoa Kỳ mỗi bên sẽ cử ra một thành viên không thuộc hay chịu sự chỉ đạo từ một trong hai Chính phủ, có chuyên môn về tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong vòng 60 ngày kể từ khi Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Việt Nam và Hoa Kỳ.

Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ nỗ lực bảo đảm nguồn tài chính cho chương trình hỗ trợ kỹ thuật để trực tiếp tạo thuận lợi cho việc thực hiện cải cách pháp luật và bộ máy tổ chức trong Kế hoạch này.

Việt Nam sẽ đề nghị sự hợp tác, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của ILO để hỗ trợ việc thực thi này và nỗ lực kết thúc đàm phán một thoả thuận với ILO để phục vụ mục đích này. Việt Nam sẽ thực hiện các khuyến nghị do ILO đưa ra từ những hỗ trợ này. Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ nỗ lực phối hợp cùng các bên có quan tâm trong TPP để hỗ trợ các chương trình hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến việc thực hiện cải cách bộ máy tổ chức và pháp luật trong khuôn khổ Kế hoạch này.

Thực thi

1. Việt Nam sẽ thực hiện các cải cách về pháp luật và bộ máy tổ chức của Kế hoạch này trước khi Hiệp định TPP có hiệu lực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trừ những trường hợp mà bản Kế hoạch này có quy định khác.

2. Về vấn đề Việt Nam sẽ quy định trong luật pháp và thực tiễn rằng tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở, tùy theo lựa chọn của họ, có thể thành lập hoặc gia nhập tổ chức của người lao động liên doanh nghiệp và ở các cấp trên doanh nghiệp, bao gồm cấp ngành và cấp vùng, phù hợp với các quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO và các thủ tục trong nước mà không mâu thuẫn với các quyền lao động đó.

Việt Nam sẽ thực thi trong thời gian không quá năm năm kể từ khi Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Việt Nam và Hoa Kỳ. 

3. Kế hoạch này là đối tượng áp dụng của cơ chế tham vấn theo Điều 19.5 (Tham vấn lao động) của Chương Lao động, ngoại trừ điểm 2 và 3 về yêu cầu lưu chuyển yêu cầu và trả lời tới các Bên TPP khác sẽ không được áp dụng; và điểm 4 cũng sẽ không áp dụng.

4. Kế hoạch này là đối tượng áp dụng của cơ chế giải quyết tranh chấp theo Chương 28 (Giải quyết tranh chấp) của Hiệp định TPP, ngoại trừ Điều 28.13 (Sự tham gia của bên thứ ba) sẽ không được áp dụng.

5. Chương 29 (Ngoại trừ chung) cũng được áp dụng cho Kế hoạch này.

Nguồn dịch Trung tâm Hỗ trợ phát triển Quan hệ lao động