banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Đổi mới quan hệ lao động để hội nhập
Cập nhật lúc 08:26 ngày 20/04/2016

Diễn đàn quan hệ lao động Việt Nam (QHLĐ VN) với chủ đề “Đổi mới QHLĐ VN trong tiến trình hội nhập quốc tế” do các đối tác ba bên gồm Tổng LĐLĐVN, Bộ LĐTBXH, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 19.4, tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng và Giám đốc Văn phòng ILO tại VN Chang-Hee Lee đồng chủ trì hội nghị. Tại hội nghị, Tổng LĐLĐVN, Bộ LĐTBXH và VCCI đã ra tuyên bố chung về đổi mới QHLĐ VN trong tiến trình hội nhập quốc tế.


Từ trái qua: Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân và Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng tại buổi ra tuyên bố chung về đổi mới QHLĐ VN trong tiến trình hội nhập quốc tế. Ảnh: Q.C

Hệ thống quan hệ lao động đòi hỏi phải đổi mới

“VN nên tận dụng thách thức mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại như một cơ hội vàng để chuyển đổi hệ thống quan hệ lao động (QHLĐ) cũ thành hệ thống QHLĐ hiện đại và hiệu quả, phục vụ tốt cho DN, NLĐ và xã hội VN” - ông Maurizio Bussi - Trưởng nhóm Hỗ trợ kỹ thuật về việc làm bền vững khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương - phát biểu tại diễn đàn.

Diễn đàn được tổ chức hằng năm này là một sáng kiến có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm của các đối tác xã hội VN và ILO nhằm xây dựng mối QHLĐ hài hòa, bình đẳng trên cơ sở tôn trọng và đảm bảo các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, đặc biệt trong bối cảnh VN đang tham gia tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia những hiệp định thương mại mới. Những hiệp định thương mại mới được ký kết gần đây được kỳ vọng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến mức độ tăng trưởng GDP và việc làm. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, dự báo trong 15 năm tới, GDP của VN sẽ đạt mức tăng trưởng lũy kế 8% khi các hiệp định thương mại được thực thi. Về vấn đề việc làm, ILO dự báo có 6,5 triệu việc làm mới được tạo ra tại VN vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo ông Maurizio Bussi “cái gì cũng có giá của nó”. “Để hưởng lợi đầy đủ từ TPP và các hiệp định thương mại tự do khác, VN sẽ phải tiến hành những cải cách quan trọng và rộng khắp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật và quan trọng không kém là các thiết chế thị trường lao động” - ông Maurizio Bussi cho biết. Việc tham gia TPP và Hiệp định Thương mại tự do VN - EU đòi hỏi VN thông qua và duy trì trong luật, quy định và thực tiễn những quyền được nêu trong Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, gồm: Tự do liên kết và thừa nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; xóa bỏ thực chất lao động trẻ em; xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

Bà Virginia Foote - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại VN (AmCham) - bày tỏ mong muốn có một cơ chế đối thoại hiệu quả giữa chủ sử dụng lao động với NLĐ ở VN. “Các cuộc đình công thường ở các DN FDI, tạo ra nhiều sức ép. Tuy nhiên, nếu tình trạng căng thẳng quá thì không DN FDI nào muốn đầu tư vào VN. Quan trọng nhất là tạo cơ chế đối thoại hiệu quả, nâng cao năng lực, vai trò vị thế của NLĐ để có được mối QHLĐ hài hòa” - bà Virginia Foote nói.

Công đoàn đổi mới như thế nào?

Khi VN gia nhập TPP, NLĐ sẽ có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện của mình. Nói về thách thức này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng cho rằng, nếu không đổi mới cách thức, nội dung hoạt động CĐ, sẽ có nguy cơ NLĐ không gia nhập tổ chức CĐVN nhiều như hiện nay. “Nếu bản thân tổ chức CĐ không tập hợp tốt, không đại diện được quyền lợi cho NLĐ, thì có thể NLĐ sẽ không gia nhập tổ chức CĐVN” - bà Hồng nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, việc đổi mới phương thức, nội dung hoạt động CĐ đã được tổ chức CĐVN tích cực thực hiện; vai trò và chức năng của tổ chức CĐ tiếp tục được khẳng định ở trong luật và trong thực tế. Để đổi mới hoạt động của tổ chức CĐ, Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục đồng hành, xây dựng sửa đổi hoàn thiện bổ sung việc xây dựng pháp luật liên quan đến lao động, QHLĐ phù hợp với tiến trình hội nhập. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho cán bộ CĐ các cấp để làm tốt vai trò đại diện; sẵn sàng cùng đoàn viên tháo gỡ những bức xúc, tâm tư nguyện vọng của NLĐ. Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và phương pháp tập hợp NLĐ; cùng với chủ DN cải thiện mức sống, điều kiện làm việc tốt hơn cho NLĐ.

Chia sẻ về vấn đề đổi mới cách thức tiếp cận và phương pháp tập hợp NLĐ, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, Tổng LĐLĐVN xác định NLĐ chính là chủ thể quan trọng trong đổi mới QHLĐ. “Tổng LĐLĐVN đã triển khai việc thành lập CĐ theo Điều 17 Điều lệ CĐVN. Thành lập CĐCS theo phương pháp cũ là từ trên xuống (CĐ cấp trên xuống vận động và thống nhất với người sử dụng lao động để thành lập CĐCS và chỉ định BCH CĐ lâm thời); còn theo Điều 17 là từ dưới lên, NLĐ được tự nguyện thành lập CĐCS; CĐ cấp trên chỉ hướng dẫn, rồi ra quyết định công nhận. Cách thành lập này tạo sự chủ động của NLĐ, không có sự can thiệp của chủ DN” - ông Quảng nói và cho biết thêm, xu hướng này là sự đổi mới để thích ứng khi hội nhập. Điều này sẽ làm các CĐCS mạnh hơn, thực sự là đại diện cho NLĐ.

Tại diễn đàn, Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN và VCCI ra tuyên bố chung về đổi mới QHLĐ VN trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tuyên bố chung nhấn mạnh: Ba bên nhận diện những cơ hội và thách thức về QHLĐ đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa của VN cũng như những tác động được dự báo từ TPP và Hiệp định Thương mại tự do VN - EU. Trên cơ sở đó, diễn đàn thảo luận cách thức đổi mới để hệ thống QHLĐ hoạt động hiệu quả hơn, bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như thiết chế QHLĐ gắn với tăng cường năng lực của các chủ thể QHLĐ và thanh tra lao động. “Chúng tôi cam kết hợp tác với các đối tác trong việc tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc trong Tuyên bố 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm cả nỗ lực nghiên cứu khả năng phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO” - tuyên bố chung viết.

Nguồn Báo Lao động