banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 23/3
Cập nhật lúc 08:40 ngày 23/03/2016
Trong ngày 23 tháng 3 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Pháp luật Việt Nam và các quy định của FTA: "Vênh" rất nhiều; Nga sẽ sản xuất ô tô tại Việt Nam; Cảnh sát biển bắt 6 tàu buôn lậu dầu số lượng lớn trên biển Tây Nam; Hạn mặn, thuế chống bán phá giá: Tôm xuất khẩu chồng chất khó khăn; Gia nhập TPP, Việt Nam giống đứa trẻ nhà nghèo học trường quốc tế.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Pháp luật Việt Nam và các quy định của FTA: "Vênh" rất nhiều.


Vừa qua, một số doanh nghiệp xăng dầu bị phát hiện đã hưởng lợi cả nghìn tỷ đồng nhờ tận dụng chênh lệch thuế nhập khẩu giữa quy định hiện hành và các Hiệp định thương mại tự do. Theo rà soát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, không chỉ xăng dầu, mà ở nhiều lĩnh vực khác, rất dễ dàng tìm ra các quy định của Việt Nam đang không tương thích với quy định của các Hiệp định thương mại tự do.

Đơn cử như trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu có đưa ra định nghĩa về khoản đầu tư, trong khi đó, ở pháp luật Việt Nam lại không hề tồn tại khái niệm này, thay vào đó là vốn đầu tư hay dự án đầu tư. Ngoài ra, trong lĩnh vực vận tải hàng không, Việt Nam quy định nhà đầu tư nước ngoài không được chiếm quá 30% cổ phần tại hãng hàng không, Hiệp định tự do xúc tiến bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – Nhật Bản lại cho phép nhà đầu tư Nhật chiếm tới 49% cổ phần… 

2. Nga sẽ sản xuất ô tô tại Việt Nam.

Mới đây Nga và Việt Nam đã ký Biên bản chính thức giữa hai nước về hỗ trợ sản xuất các phương tiện giao thông có động cơ cụ thể là xe buýt, xe hơi trên địa bàn Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nga và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đã ký Biên bản chính thức giữa hai nước về hỗ trợ sản xuất các phương tiện giao thông có động cơ cụ thể là xe buýt, xe tải, xe chuyên dụng, xe thương mại hạng nhẹ và xe hơi trên địa bàn Việt Nam. Việc này hướng tới mục tiêu tạo lập các cơ sở sản xuất kỹ thuật ô tô; đồng thời, các nhà sản xuất Nga sẽ được quyền nhập khẩu miễn thuế xe ô tô và bộ phụ kiện xe hơi vào lãnh thổ Việt Nam. 

3.Cảnh sát biển bắt 6 tàu buôn lậu dầu số lượng lớn trên biển Tây Nam.

Khoảng 8 giờ đến 11 giờ ngày 18/3, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt quả tang 6 tàu có hành vi sang mạn dầu trái phép trên vùng biển Tây Nam cách đảo Hòn Khoai về phía Nam khoảng 80 hải lý. Qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện trong số 6 tàu vi phạm có 3 tàu vận tải mang quốc tịch nước ngoài, trong đó có 3 tàu của Việt Nam.

Bước đầu, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã xác định, toàn bộ số dầu các tàu đang sang mạn trái phép không có hóa đơn chứng từ và nguồn gốc hợp pháp. Ngoài ra hầu hết thuyền viên trên 3 tàu Thái Lan không có hộ chiếu và giấy tờ tùy thân. 

4. Hạn mặn, thuế chống bán phá giá: Tôm xuất khẩu chồng chất khó khăn.

Hiện nay, tình trạng khô hạn đã khiến trên hàng nghìn hecta nuôi tôm trái vụ trên địa một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long gần như mất trắng. Hạn mặn đã trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm khiến cho nguồn nguyên liệu tôm sụt giảm, thiếu trầm trọng. Hàng loạt các yếu tố khách quan cũng như chủ quan đã và đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam chồng chất khó khăn. Bên cạnh đó, ngành tôm còn đang đứng trước nguy cơ bị đánh thuế chống bán giá cao gấp nhiều lần so với trước. Khó khăn chồng chất, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang đứng ngồi không yên. 

5. Gia nhập TPP, Việt Nam giống đứa trẻ nhà nghèo học trường quốc tế.



Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đã có những chia sẻ về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia TPP. Điều khác biệt ở chỗ, những chia sẻ không mang tính kỹ thuật thuần túy, thay vào đó là tinh thần TPP. Việt Nam đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để thay đổi chính mình, giờ là lúc cần thay đổi tư duy của người làm chính sách cũng như thay đổi tư duy của doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp cần có sự bảo hộ về luật pháp của Nhà nước, bản thân doanh nghiệp cũng phải từ bỏ tư duy phát triển manh mún.

Ông Thành cho rằng: TPP sẽ tạo ra môi trường mới, nó sẽ trở nên tích cực theo hướng có thể doanh nghiệp phải trả giá đắt ban đầu nhưng về lâu dài họ sẽ được lợi bởi hội nhập góp phần tạo sự minh bạch. Tuy nhiên, ngay cả khi không hội nhập, doanh nghiệp cũng sẽ rất khó phát triển nếu không minh bạch. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)