banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 18/3
Cập nhật lúc 03:18 ngày 18/03/2016
Trong ngày 18 tháng 3 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Ngày mai, xăng dầu có thể tăng giá mạnh; Nhà máy thép 8.000 tỷ: Đại dự án 10 năm hoang tàn; Công ty kinh doanh đa cấp tại Hà Nội bị rút phép; Việt Nam sẽ giảm dần thuỷ điện, phát triển điện hạt nhân; Doanh nghiệp hưởng lợi từ chênh lệch thuế xăng dầu; Doanh nghiệp thép hứa ngừng tăng, giá bán lẻ vẫn biến động; Các nhà máy lọc dầu: Bỏ chết lãi hơn bảo hộ.

Thông tin cụ thể như sau:

1Ngày mai, xăng dầu có thể tăng giá mạnh.


Báo chí đưa tin dự đoán về giá xăng dầu có thể tăng theo đúng lịch trình, ngày 19/3 tới sẽ đến chu kỳ điều hành giá xăng dầu. Trong chu kỳ lần này, thị trường thế giới liên tục chứng kiến sự tăng giá mạnh của dầu thô. Đặc biệt, sau nhiều phiên tăng giá liên tục, phiên giao dịch cuối tuần trước, đã có lúc, thị trường London ghi nhận giá dầu Brent ở mức 40,39 USD/thùng. Như vậy, giá dầu đã tăng khoảng 47% trong vòng hơn một tháng qua, tăng hơn 5 USD/thùng so với chu kỳ điều chỉnh giá lần trước của Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, lần điều chỉnh giá hôm 4/3 vừa qua, Liên bộ Tài chính – Công Thương đã quyết định giữ nguyên giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu dù theo các doanh nghiệp đầu mối, họ bị lỗ từ 200 – 750 đồng/lít,kg. Để bình ổn được giá, Liên bộ đã xả Quỹ bình ổn xăng dầu khi đó còn dư gần 4.000 tỷ đồng.

Với việc tăng giá của dầu thế giới cộng với chu kỳ trước, giá xăng dầu trong nước chưa điều chỉnh tăng, rất có khả năng trong lần điều chỉnh giá lần này, giá xăng dầu sẽ tăng.

2Nhà máy thép 8.000 tỷ: Đại dự án 10 năm hoang tàn.

Dự án thép gần 4.000 tỷ, sau hai lần dang dở đã tăng lên hơn 8.000 tỷ nhưng 10 năm qua không thể hoàn thành. Hàng ngàn tỷ đồng thiết bị đang ngày một hoen gỉ và hoang tàn.

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đang mắc kẹt hàng nghìn tỷ đồng ở đại dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn II vì dự án triển khai gần 10 năm nay vẫn dở dang, hoang tàn.

Số phận dự án này đã khiến Chính phủ, các bộ ngành phải nhiều lần họp bàn tìm cách giải cứu. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ quyết định số phận dự án này vào tháng 11/2015. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đàm phán dứt điểm với Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc, chủ động tính toán phương án để thực hiện dự án tiếp tục. Từ đó, xác định điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án, làm cơ sở cho Dự án được tiếp tục triển khai có hiệu quả.

Theo báo cáo mới nhất của TISCO gửi Bộ Công Thương, tổng mức đầu tư khi không tiếp tục đầu tư hạng mục Cốc hóa vẫn lên đến con số 9.031 tỷ đồng. So với tổng mức đầu tư đã được rà soát lại và phê duyệt năm 2014, tổng mức đầu tư này cao hơn tới 927 tỷ đồng, buộc dự án phải bổ sung thêm nguồn vốn. Nhưng theo tính toán của đơn vị tư vấn, với mức vốn “khủng” này dự án sẽ không có hiệu quả kinh tế khi thời gian để thu hồi vốn lên đến trên 23 năm. Để “cứu” dự án, TISCO và Bộ Công Thương đang tính đến một phương án khác.

3. Công ty kinh doanh đa cấp tại Hà Nội bị rút phép.

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương vừa ra quyết định thu hồi giấy đăng ký kinh doanh của 4 Công ty kinh doanh đa cấp.

Cụ thể, theo Cục Quản lý cạnh tranh, 4 Công ty bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động theo loại hình kinh doanh đa cấp gồm: Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Con Đường Việt, Công ty TNHH tầm nhìn Đại Hưng 668, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế TNC, Công ty Cổ phần New Power Việt Nam. Không nêu rõ những sai phạm cụ thể của 4 doanh nghiệp này nhưng nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, các Công ty trên đều đã có những dấu hiệu, căn cứ vi phạm Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ban hành năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo Người phát ngôn của Bộ Công Thương, đây là việc làm cần thiết của Cục Quản lý cạnh tranh nhằm rà soát, chấn chỉnh, lập lại trật tự trên lĩnh vực kinh doanh bán hàng đa cấp để ngăn chặn các hành vi, hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, làm thiệt hại đến lợi ích của người dân.

Trước đó, Bộ trưởng Công thương đã ban hành văn bản yêu cầu các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong cả nước phải duy trì kiểm tra, giám sát công ty, người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. Tất cả các hoạt động liên quan như hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp hoặc người tham gia bán hàng đa cấp cần được kiểm tra chặt chẽ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời nếu phát hiện hành vi vi phạm.

4. Việt Nam sẽ giảm dần thuỷ điện, phát triển điện hạt nhân.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030, với mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, quy hoạch phải đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…, từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện. Ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp bao gồm chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; nghiên cứu đưa nhà máy thuỷ điện tích năng vào vận hành phù hợp với phát triển của hệ thống điện quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả vận hành của hệ thống điện. Phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm bảo đảm ổn định cung cấp điện trong tương lai khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước bị cạn kiệt.

Tổng vốn đầu tư của phát triển nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT) giai đoạn 2016 - 2030 khoảng 3.206.652 tỷ đồng, tương đương 148 tỷ USD. 

5. Doanh nghiệp hưởng lợi từ chênh lệch thuế xăng dầu.

Việc doanh nghiệp hưởng lợi từ việc chênh lệch thuế xăng dầu đang là vấn đề được báo chí phản ánh nhiều trong tuần qua. Các chuyên gia kinh tế cho rằng người tiêu dùng chịu thiệt, còn doanh nghiệp hưởng lợi là không công bằng. Để xử lý vấn đề này, Chuyên gia kinh tế ông Ngô Trí Long cho rằng Nhà nước cần phải kiểm tra toàn diện các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, truy thu bù nộp vào quỹ bình ổn giá dể bù giá cho người dùng.

Khi được hỏi về việc liệu có thể hoàn trả cho người tiêu dùng, hoặc có thể truy thu và đưa vào quỹ bình ổn giá xăng dầu số tiền người dân bị “móc túi” không, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng có hoàn trả hay không phải phụ thuộc vào cơ sở pháp lý để xem xét xử lý. Giá xăng dầu kinh doanh do liên Bộ Tài chính – Công Thương công bố, doanh nghiệp họ lại căn cứ vào đó để thực hiện nên không thể hoàn trả trực tiếp cho người dân được. Vì việc hoàn trả cho người dân không có cơ sở pháp lý, cũng không có căn cứ nào để yêu cầu hoàn trả. Rồi xác định doanh số mua như thế nào, mức giá đền bù vào thời điểm nào cũng rất khó. Không hoàn trả được cho người dân, nhưng chúng ta cũng phải tính đến việc thu hồi, mặc dù xác định căn cứ để thu hồi không hề đơn giản. 

6. Doanh nghiệp thép hứa ngừng tăng, giá bán lẻ vẫn biến động.

Ngày 17/03, giá thép bán lẻ trên thị trường tiếp tục “nhảy múa” với mức giá mỗi nơi một khác. Theo các đại lý, việc giá thép các loại chênh nhau khá lớn giữa các quận vùng ven với quận nội thành do nguồn hàng “rót” cho các nơi không đều, chưa kể do nhu cầu tích trữ từ phía người có nhu cầu thực thụ, người mua đầu cơ... Ông Hồ Nghĩa Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Một số doanh nghiệp sản xuất theo giữ vai trò nguyên đơn như Hòa Phát, Thép Miền Nam, Gang thép Thái Nguyên... đã cam kết với nhau “trước mắt không tăng giá nữa”, đồng thời sẽ có cơ chế phối hợp, kiểm soát hệ thống đại lý của từng doanh nghiệp hiệu quả hơn. Ông Dũng cho rằng, các doanh nghiệp thép hoàn toàn có thể có cơ chế phối hợp phù hợp với các đại lý, nhà phân phối để có mức giá ổn định trên thị trường. Vấn đề cách làm, chứ không phải không thể làm được gì.

7. Các nhà máy lọc dầu: Bỏ chết lãi hơn bảo hộ.

Liên quan đến việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn xin Nhà nước bảo hộ khi rơi vào nguy cơ phá sản, theo ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong bài viết đăng trên Dân Việt ngày 17/3 là “Hãy để cho chúng phá sản hơn là bảo hộ chúng!”.

Theo tiến sĩ A, phá sản không có nghĩa là nhà máy biến thành đống sắt vụn, mà là quá trình buộc nó phải bán rẻ tài sản cho các chủ đầu tư khác. Các chủ đầu tư (kể cả Nhà nước) phải chịu trách nhiệm với tính toán sai lầm của mình! Tiến sĩ A cho rằng phải xóa bỏ mọi sự ưu ái cho các doanh nghiệp nhà nước và bắt buộc phải cạnh tranh sòng phẳng. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)