banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 17/3
Cập nhật lúc 08:33 ngày 18/03/2016
Trong ngày 17 tháng 3 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Dân lẫn doanh nghiệp chóng mặt khi thép 1 ngày 3 giá; Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo hàng quý về bán hàng đa cấp; Chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu; Nỗ lực cho mục tiêu sản xuất 720 triệu kWh điện;  Thanh tra tài chính Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Công Thương. 

Thông tin cụ thể như sau:

1Dân lẫn doanh nghiệp chóng mặt khi thép 1 ngày 3 giá.


Một ngày giá thép cuộn bán ra 11,8 triệu đồng/tấn vào đầu giờ sáng, lên 12 triệu đồng/tấn vào buổi trưa và lên 12,5 triệu đồng/tấn vào đầu giờ chiều.

Dù đến ngày 22/3, lệnh áp thuế tự vệ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu mới có hiệu lực nhưng nhiều người tiêu dùng cho biết giá thép ngày hôm sau đã khác ngày trước đó, khiến mọi dự toán về xây dựng bị đảo lộn, đặc biệt là các công trình xây dựng dở dang.

Lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng lên tiếng cảnh báo khả năng Bộ Công Thương sẽ rút lại quyết định áp thuế tự vệ đối với thép nếu các nhà sản xuất “cứ tăng giá thép vô tội vạ như hiện nay”. Nếu có yếu tố giữ hàng lại để đầu cơ tăng giá thì vi phạm. Do đó, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ có chỉ đạo để chi cục quản lý thị trường các địa phương vào cuộc tìm hiểu, kiểm tra làm rõ, nếu có hiện tượng đầu cơ, găm hàng tăng giá trái quy định sẽ xử lý nghiêm.

2.Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo hàng quý về bán hàng đa cấp.

Bộ Công Thương vừa ban hành chỉ thị về việc giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu chỉ đạo tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm trong hoạt động đa cấp. Các đơn vị phải có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công thương định kỳ 3 tháng/lần.

3. Chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu.


Việc giá xăng tăng nhanh, giảm chậm, giảm không tương xứng với thị trường thế giới lâu nay là nỗi bức xúc với người tiêu dùng. Chính vì vậy, mức lãi "khủng" mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vừa công bố ngay lập tức đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Theo báo Vietnamnet, sự lấn cấn trong việc điều chỉnh lại thuế xăng dầu liên quan đến câu chuyện bù thuế, bù giá cho lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Bộ Tài chính- Công Thương đang kẹt từ chính những cam kết của Chính phủ đối với các nhà máy này. Rõ ràng, nếu Bộ Tài chính giảm thuế xăng về 10% cho bằng thuế cam kết với Hàn Quốc thì dân lợi thì có lợi nhưng sẽ vi phạm cam kết với liên doanh nước ngoài đầu tư Nghi Sơn.

Song, nếu không giảm thuế, giá xăng dầu sẽ rất vô lý. Chắc chắn, các bộ sẽ phải tìm được cách giải quyết mâu thuẫn này nhưng hiện nay, mọi hướng giải quyết vẫn còn tù mù. Trước mặt, người tiêu dùng Việt Nam đang chịu thiệt ngược đời bởi chính các cam kết hội nhập và sự ưu đãi những công trình trọng điểm.

4. Nỗ lực cho mục tiêu sản xuất 720 triệu kWh điện.

Năm 2016, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn đặt mục tiêu phấn đấu sản xuất 720 triệu kWh điện, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 30 tỷ đồng và đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động với tiền lương bình quân 7,8 triệu đồng/người/tháng. Năm nay, Công ty sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả trong hoạt động thị trường phát điện cạnh tranh; đẩy mạnh triển khai nghiên cứu thị trường bán buôn điện để có thể chủ động tiếp cận thị trường. 

5. Thanh tra tài chính Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Công Thương.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2016, đầu tháng 3, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành 3 quyết định thanh tra tài chính năm 2015 và tình hình số liệu thời kỳ có liên quan tại 3 đơn vị gồm: tỉnh Hà Giang, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Bộ Công Thương.

Tại Quyết định số 473/QĐ-BTC ngày 10/3/2016 sẽ thanh tra công tác quản lý tài chính Bộ Công Thương. Theo đó, thanh tra Bộ Tài chính thanh tra tại 11 đơn vị trực thuộc Bộ về các nội dung: việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và cơ chế chính sách tài chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, việc ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật, các quy định về tài chính thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương; việc lập, thực hiện dự toán, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán các nguồn tài chính; việc chấp hành các quy định của pháp luật về kế toán, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và pháp luật tài chính khác. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)