banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 01/02
Cập nhật lúc 08:30 ngày 02/02/2016
Trong ngày 01/2/2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển: Doanh nghiệp tư nhân cứ bị chèn lấn, Việt Nam có thể thua Campuchia ở vài lĩnh vực; Bộ Công Thương chưa có chủ trương tăng giá điện; Tăng thuế suất hàng loạt khoáng sản; “Hàng Tết không thiếu nhưng giá sẽ tăng”; Có nên tiếp tục trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu?; Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với phôi thép nhập khẩu. 

Thông tin cụ thể như sau:

1. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển: Doanh nghiệp tư nhân cứ bị chèn lấn, Việt Nam có thể thua Campuchia ở vài lĩnh vực.


Chia sẻ về tình hình kinh tế năm 2015 và nhận định cho năm 2016, ông Tuyển cho rằng mặc dù nền kinh tế đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng với 6,8%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này lại không đến từ nội lực của nền kinh tế. “Bao trùm lên tất cả là doanh nghiệp trong nước đang yếu đi và đây là điều rất đáng lo ngại. Cần phân tích sâu hơn những vấn đề này trong thời gian tới” – Ông Tuyển khuyến nghị.

Một vấn đề cũng được nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đưa ra là vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết. Đưa ra so sánh ví von, ông Tuyển nói nợ xấu trước đây như một cái ô tô nằm giữa đường thì nay, chỉ “cẩu” nó lên vỉa hè. Những yếu tố bên trong đảm bảo cho tăng trưởng cần được phân tích sâu hơn để có nhìn toàn diện hơn. Bởi nếu không, nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh như nông nghiệp, cũng có thể thua Campuchia khi nhiều sản phẩm nước này đang ngày càng có tính cạnh tranh trên thị trường và thậm chí cạnh tranh ngay tại sân nhà với các sản phẩm Việt Nam. 

2. Bộ Công Thương chưa có chủ trương tăng giá điện.

Đó là khẳng định được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra khi trao đổi về vấn đề điều chỉnh giá điện trong năm 2016 tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016. Thứ trưởng Hải dẫn chứng, hiện trong cơ cấu giá thành sản xuất điện thì lượng điện chạy phát dầu chỉ chiếm chưa đầy 1%. Do đó, cho dù giá xăng dầu tăng hay giảm đều không ảnh hưởng đến giá điện.

“Hiện Bộ Công Thương chưa có chủ trương và chưa nhận được văn bản đề xuất tăng giá điện của EVN, nếu tăng phải từ đề xuất của EVN. Có quy định giá thành tăng bao nhiêu % Bộ Công Thương quyết định và nếu cao hơn mức ấy thì phải báo cáo Chính phủ. Trước mắt chưa điều chỉnh giá điện” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói. 

3. Tăng thuế suất hàng loạt khoáng sản.

Theo Tổng cục Hải quan, biểu mức thuế suất thuế tài nguyên năm 2016 có nhiều thay đổi, trong đó rất nhiều nhóm hàng khoáng sản kim loại tăng thuế suất. Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, thuế suất đối với nhóm khoáng sản kim loại như sau: Sắt tăng lên 14%; Magan tăng lên 14%; Titan tăng lên 18%; Vàng tăng lên 17%; Đất hiếm tăng lên 18%; Bạch kim, bạc, thiếc tăng lên 12%; Vonfram, Antimon tăng lên 20%; Chì, kẽm tăng lên 15%; Đồng tăng lên 15%. Khoáng sản kim loại khác tăng lên 15%.

Đồng thời, Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 quy định mức thuế suất tài nguyên đối với khoáng sản không kim loại; sản phẩm của rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên; yến sào thiên nhiên và một số tài nguyên khác; dầu thô và khí thiên nhiên, khí than.

4. “Hàng Tết không thiếu nhưng giá sẽ tăng”.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, dịp Tết Nguyên đán Bính Thân sẽ không có hiện tượng thiếu các mặt hàng thiết yếu nhưng giá có thể tăng nhẹ đối với một số mặt hàng có nhu cầu cao như thực phẩm tươi sống, trái cây... Trong báo cáo vừa gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương đánh giá, sức mua thị trường trong dịp Tết Nguyên đán ước tăng khoảng 15% so với các tháng trong năm và tăng khoảng 8-10% so với năm trước.

Đến nay, 48/63 địa phương có báo cáo kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết; trong đó 40 địa phương có phương án bình ổn thị trường... Theo báo cáo sơ bộ, lượng hàng chuẩn bị cho dịp Tết ước đạt 230.000 tỉ đồng, tăng khoảng 10-15%; hàng hóa lưu thông qua gần 8.600 chợ, 750 siêu thị và 150 trung tâm thương mại. Về giá cả, giá lương thực tăng nhẹ từ 3-5%; giá thực phẩm tươi sống, rau, quả dự báo tăng từ 5 -10%, giá các sản phẩm bia, rượu tăng nhẹ từ 2-4%; thực phẩm chế biến đã chuẩn bị nguồn hàng tăng khoảng 10-15%. 

5. Có nên tiếp tục trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu?.

Giá dầu thế giới liên tục giảm kể từ cuối năm 2015, đầu năm 2016, xăng liên tục giảm giá, có nghĩa, Quỹ bình ổn giá không phải sử dụng; ngược lại nó được tích lũy dần dần qua nhiều chu kỳ điều chỉnh giá. Và với đà giảm liên tiếp nhiều kỳ, Quỹ bình ổn ngày càng "phình" to, liệu đã đến lúc dừng trích lập? Chưa kể, một lần nữa, người tiêu dùng lại yêu cầu công khai, minh bạch việc sử dụng Quỹ này. Trong trường hợp không được trích bù giá như mục tiêu bình ổn thị trường thì được sử dụng vào việc gì? Đến nay, các doanh nghiệp bán lẻ đã thu được bao nhiêu qua việc trích lập Quỹ?

Nên chăng, kỳ điều chỉnh giá sắp tới, cơ quan quản lý cân nhắc trên cơ sở số tiền Quỹ đã thu được, có thể cho ngừng trích lập Quỹ. Như vậy, giá xăng có dư địa giảm "sâu" hơn và người tiêu dùng cũng như các ngành kinh tế liên quan và xã hội được hưởng lợi nhiều hơn. 

6. Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với phôi thép nhập khẩu.

Theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm phôi thép nhập khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2015, sản lượng phôi thép nhập khẩu đạt 1,7 triệu tấn, cao gấp 3 lần so với năm 2014 với khoảng 600.000 tấn. Nguyên nhân được cho là giá phôi thép nhập khẩu của nước ngoài rẻ hơn phôi thép sản xuất trong nước. Câu hỏi được đặt ra là thực trạng này có tác động như thế nào tới tình hình sản xuất phôi thép trong nước?

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết: “Hiện nay, ngành sản xuất phôi thép của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp phải đóng cửa, thị phần giảm đáng kể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu là do lượng phôi thép nhập khẩu quá lớn với giá giảm rất nhanh. Do đó, giá thành sản xuất và giá bán phôi thép của nước ta không cạnh tranh được. Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp và đi tới đồng thuận rằng sẽ nghiên cứu điều chỉnh một số chính sách liên quan tới sản xuất và xuất nhập khẩu phôi thép của Việt Nam; áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với các sản phẩm phôi thép nhập khẩu vào nước ta”.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)