banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 20/01
Cập nhật lúc 09:00 ngày 21/01/2016

Ngày 20/01, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước đã đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại. Xin điểm qua một số thông tin đáng chú ý.

1. Không phát triển thêm nhiệt điện than.


Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp của thường trực Chính phủ về đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Điều chỉnh quy hoạch điện VII) và dự án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Thủ tướng yêu cầu mục tiêu điện, than phải đảm bảo được cho tăng trưởng, phải cân đối đủ và có dự phòng. Thủ tướng định hướng Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí thải; thúc đẩy phát triển mạnh điện tái tạo trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư làm điện mặt trời, điện gió...

Về điện hạt nhân, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương đã được Trung ương, Quốc hội thông qua về điện hạt nhân với yêu cầu chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối an toàn, hiệu quả. Đồng thời lưu ý ngành điện và ngành than cần tiếp tục kiên trì cơ chế thị trường, tiến tới cạnh tranh, không độc quyền, không bao cấp về giá.  

2. Xuất khẩu da giày sang các thị trường chủ lực tăng khá.

Năm 2015, tốc độ xuất khẩu của ngành da giày sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều đạt mức tăng khá. Nhờ đó, kết thúc năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 15 tỷ USD, tăng hơn 16% so với 2014. Năm 2016, ngành da giày, túi xách có triển vọng để cán đích kim ngạch xuất khẩu đạt 17 tỷ USD. 

3. Gian nan cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả ở miền Trung.


Vào những ngày cận Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại trên cả nước lại trở nên nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt ở địa bàn miền Trung.

Vào thời điểm cuối năm và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa nhập lậu qua biên giới có chiều hướng gia tăng, trong đó nổi cộm là các mặt hàng thiết yếu như rượu, bia, đường kính và bột ngọt. Các mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc cũng được nhập lậu vào khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo. Không nóng như địa bàn Quảng Trị, các tỉnh Hà Tỉnh, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế cũng đang phải đối mặt tình trạng buôn bán hàng nhập lậu khu vực biên giới tiếp giáp với Lào.

Tại khu vực Phú Yên, hàng lậu, hàng giả năm sau nhiều hơn năm trước. Những vi phạm nổi cộm vẫn là kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và vi phạm trong lĩnh vực giá. Ở mỗi lĩnh vực cụ thể, số vụ vi phạm đều tăng hàng chục vụ so với năm trước. Theo lực lượng quản lý thị trường, xu hướng số lượng và trị giá các lô hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị bắt giữ năm sau luôn tăng hơn năm trước. Có lô hàng bị bắt giữ lên đến cả trăm triệu đồng. 

4. Kiên quyết trích Quỹ bình ổn mặc giá xăng dầu giảm “nhỏ giọt”.

Giá xăng ngày 19/1 chỉ giảm được 580-590 đồng/lít. Các cơ quan chức năng đã tiếp tục giữ nguyên các loại thuế phí và mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu dù Quỹ này liên tiếp “phình” lên.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Các cơ quan chức năng đã kiên quyết trích lập tiếp Quỹ bình ổn giá xăng dầu và giữ nguyên các chính sách thuế phí hiện hành để chỉ giảm giá xăng ít cho người dân và không tương xứng với mức giảm của giá thế giới”. Ông Long nói: “Lẽ ra, 300 đồng đưa vào trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu có thể lấy ra để giảm thêm vào giá xăng cho dân thì người dân đã được hưởng giá xăng giảm thêm gần 900 đồng/lít”. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh như vậy, cơ quan chức năng phải đồng thời xem xét điều chỉnh mức thuế phí đối với kinh doanh xăng dầu vốn đang “chiếm dụng” quá lớn trên giá xăng dầu. Hai là khi giá giảm sâu theo  một chiều như vậy, tại sao các cơ quan chức năng vẫn không xem xét việc ngừng thu Quỹ bình ổn giá xăng dầu dù chỉ là tạm thời. Quỹ này đang “phình” rất lớn nhưng vẫn tiếp tục trích cho thấy quan điểm của các cơ quan chức năng là “phòng ngừa quá lớn, nắm đằng chuôi quá lớn”.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, nếu giá xăng dầu giảm phù hợp; thuế phí và quỹ bình ổn với xăng dầu được điều hành phù hợp sẽ giúp cho giá xăng dầu giảm nhiều hơn. Theo đó, người dân, doanh nghiệp sẽ tận dụng được cơ hội giá xăng dầu giảm để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp và người dân thuộc mọi thành phần kinh tế làm ăn tốt hơn, kinh tế cạnh tranh hơn sẽ khiến cho ngân sách Nhà nước thu được nhiều thuế hơn thay vì chỉ thu thuế lớn từ ngành xăng dầu.  

5. TPP mang lại nhiều cơ hội lớn cho ngành da giầy Việt Nam.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các hiệp định khác sẽ mang lại những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày. Nhận định trên được Thứ trưởng Thoa đưa ra tại Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu ngành da giày và định hướng phát triển năm 2016 của Hiệp hội da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), diễn ra ngày 19/1, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội da giày-Túi xách Việt Nam, năm 2015 ngành da giày, túi xách Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội mới, với các FTA cũng như TPP nhưng cũng đặt ra sức ép không nhỏ lên các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, với sự lạc quan về một nền kinh tế khởi sắc, cũng như hoạt động giao thương phát triển, năm 2016 các doanh nghiệp sẽ có mức doanh thu tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nước ngoài cần chuẩn bị chu đáo, riêng doanh nghiệp Việt Nam cần đưa khoa học công nghệ vào để tăng năng suất. 

6. Sẽ có cơ chế gặp gỡ định kỳ giữa Bộ Công Thương với Đại sứ các nước TPP.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa có buổi làm việc với các Đại sứ và đại diện Đại sứ quán của 11 nước thành viên TPP chiều 19/1. Cuộc gặp là sáng kiến của Bộ Công Thương, với sự tham vấn của Đại sứ quán Hoa Kỳ nhằm có sự phối hợp tốt nhất giữa Việt Nam và 11 nước tham gia TPP khi thực thi các cam kết. 

Tại buổi làm việc, các vị Đại sứ và đại diện Đại sứ quán của 11 nước đã nêu những vấn đề quan tâm khi phối hợp với Việt Nam trong thực hiện các cam kết trong TPP. 

Về cách thức hợp tác và phối hợp giữa Việt Nam và các nước TPP, Bộ trưởng khẳng định, với kinh nghiệm 8 năm gia nhập WTO, Việt Nam luôn là nước thực hiện các cam kết nghiêm túc. “Tôi xin khẳng định tinh thần đó cũng sẽ là hành vi ứng xử của chúng tôi trong TPP”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đề nghị có cơ chế, gặp gỡ định kỳ giữa các ngài Đại sứ và Bộ Công Thương, đề xuất những hợp tác và tháo gỡ những khó khăn giữa các nước khi thực thi Hiệp định. Tại đây, sẽ trao đổi các vấn đề chung mà các nước cùng quan tâm, còn những vấn đề riêng của từng nước thì sẽ gặp song phương” Đề xuất này cũng nhanh chóng nhận được sự tán đồng của các Đại sứ. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)