banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Vai trò công đoàn trong thực hiện quy chế dân chủ ở các trường đại học, trường đào tạo nghề
Cập nhật lúc 04:28 ngày 21/10/2015

Trong nhiều năm qua, hệ thống trường của ngành Công Thương ngày càng phát triển, thu hút được nhiều học sinh, chất lượng đào tạo đáp ứng được yêu cầu của xã hội, góp phần không nhỏ vào sự hình thành một đội ngũ công nhân lành nghề.

Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của tổ chức CĐ, đặc biệt trong xây dựng và giám sát quy chế dân chủ cơ sở. 

Nội dung cơ bản của quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường

Mục đích của việc thực hiện dân chủ trong nhà trường nhằm thực hiện tốt nhất, có hiệu quả nhất những quy định của Luật Giáo dục theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong các hoạt động của nhà trường thông qua hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện đảm bảo cho cán bộ, giảng viên, nhân viên được quyền đóng góp ý kiến, giám sát, kiểm tra, đóng góp cho các hoạt động  của nhà trường. Thực hiện dân chủ trong nhà trường còn nhằm phát huy tiềm năng, trí tuệ của hiệu trưởng, nhà giáo, người học, cán bộ, công chức, người lao động trong nhà trường trong quá trình phát triển và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường.

Quy chế thực hiện dân chủ trong nhà trường quy định “Hiệu trưởng là người do cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, có trách nhiệm quản lý toàn bộ các hoạt động của nhà trường” và “thực hiện nguyên tắc dân chủ trong quản lý nhà trường. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường phát huy dân chủ trong hoạt động của nhà trường”.

Những việc Hiệu trưởng cần phải lấy ý kiến đóng góp của các cá nhân và tổ chức, đoàn thể trước khi ra quyết định:

- Kế hoạch phát triển, tuyển sinh, dạy học, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của nhà trường.

- Quy trình quản lý đào tạo, những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trong nhà trường.

- Kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, cán bộ, công chức.

- Kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường, các hoạt động dịch vụ, sản xuất của nhà trường.

- Các biện pháp tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng hằng năm, xây dựng nội quy, quy chế trong nhà trường.

- Các báo cáo sơ kết, tổng kết năm học.

Quy chế về thực hiện dân chủ trong Nhà trường cũng nêu rõ những việc nhà giáo, cán bộ, công chức được biết, tham gia ý kiến, giám sát kiểm tra thông qua hình thức dân chủ trực tiếp hoặc thông qua tổ chức, đoàn thể trong nhà trường:

- Những chủ trương, chính sách, chế độ của nhà trường và nhà nước đối với nhà giáo, cán bộ, công chức.

- Những quy định về sử dụng tài sản, xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường.

- Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật nếu có.

- Công khai các khoản đóng góp của người học, việc sử dụng kinh phí và chấp hành chế độ thu, chi, quyết toán theo quy định hiện hành.

- Giải quyết các chế độ, quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho nhà giáo, cán bộ, công chức, người học.

- Việc thực hiện thi tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, nâng bậc lương, thuyên chuyển, biểu dương, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật.

- Những vấn đề về tuyển sinh và thực hiện quy chế thi trong năm học.

- Báo cáo sơ kết, tổng kết, nhận xét, đánh giá công chức hàng năm.

 Vai trò và nhiệm vụ của công đoàn các trường đại học trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở

Căn cứ vào quy định của Hiến pháp, Luật giáo dục, Luật công đoàn và quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục, để thể hiện vai trò của mình trong vấn đề thực hiện dân chủ cơ sở, công đoàn có các nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ của nhà trường và nhà nước đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên về kế hoạch phát triển, quy mô đào tạo, công tác tuyển sinh, giảng dạy, nghiên cứu khoa học; quy trình quản lý đào tạo; kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất; các hoạt động sản xuất, dịch vụ; việc xây dựng nội quy, quy chế thu chi nội bộ trong trường v.v…

- Phối hợp với Ban giám hiệu, lãnh đạo các Phòng, Khoa, Bộ môn tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ, giáo viên trong toàn trường phát huy quyền làm chủ trong nhà trường; thực hiện nghĩa vụ công dân, đóng góp cho việc xây dựng và phát triển của nhà trường.

- Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của đoàn viên, cán bộ, giáo viên; đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội; phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyền của Công đoàn viên theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Ban Giám hiệu, các Phòng, Khoa, Bộ môn tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên, cán bộ, giáo viên; phối hợp với lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo các Phòng, Khoa, Bộ môn cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của cán bộ, giáo viên.

- Tổ chức vận động cán bộ, giáo viên tham gia phong trào thi đua yêu nước; thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, giáo viên; tham gia quản lý nhà trường, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác…

Công tác tổ chức thực hiện quy chế dân chủ phải đồng bộ, rộng khắp và thường xuyên, đã tạo ra những mô hình, hình thức sinh hoạt mới, thiết thực nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, giảng viên, nhân viên trong việc thực hiện quy chế dân chủ.

Quang Bình