banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
An sinh xã hội - Góc nhìn từ hoạt động công đoàn
Cập nhật lúc 02:32 ngày 10/12/2015

An sinh xã hội giúp người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản và từng bước nâng cao đời sống, thu nhập, phòng ngừa nguy cơ rủi ro cho người dân; đồng thời thúc đẩy sự ổn định chính trị xã hội và tạo nên sự gắn kết xã hội. 

An sinh xã hội và một số vấn đề đặt ra

An sinh xã hội nhằm chia sẻ trách nhiệm cộng đồng hướng tới sự công bằng xã hội, do đó bảo đảm an sinh xã hội là thước đo của sự phát triển kinh tế xã hội với nguyên tắc coi con người là chủ thể, động lực, mục tiêu của sự phát triển. Với quan điểm, mục đích hoạt động cơ bản và cốt lõi hướng tới là: “Sàn an sinh xã hội”, “an sinh xã hội đa tầng”, “lưới an an sinh xã hội” vì hạnh phúc của người dân, đất nước phát triển bền vững, thịnh vượng.

An sinh xã hội đã và đang đặt ra yêu cầu cần thiết, cấp bách hơn. Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với các hiệp định thương mại tự do toàn cầu và khu vực với các tác động đa chiều, với những cam kết, tiêu chuẩn cao hơn.Vì vậy an sinh xã hội luôn song hành với các hoạt động kinh tế và không chỉ đơn thuần là vấn đề riêng rẽ của một quốc gia mà còn là vấn đề chung của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó an sinh xã hội còn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tăng tiêu dùng trong nước, tăng cường nguồn nhân lực và năng suất lao động. Để có được mô hình an sinh xã hội hiệu quả thì cần có kế hoạch tổng thể, toàn diện với các chiến lược cụ thể với lộ trình, bước đi, mục tiêu rõ ràng. Điều đó được thể hiện qua sự quan tâm và kết quả của quá trình thực hiện lâu dài của các đất nước phát triển, tiên tiến trên thế giới hiện nay về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tính đến thời điểm 01/10/2015, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 54,32 triệu người, tăng 11,7 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2014, bao gồm lao động nam 28,12 triệu người, chiếm 51,77%; lao động nữ 26,20 triệu người, chiếm 48,23%. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong 9 tháng năm 2015 ước tính 52,72 triệu người, giảm 177,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 23,35 triệu người, giảm 1523,7 nghìn người, chiếm 44,3%; lao động công nghiệp và xây dựng là 11,85 triệu người, tăng 756,4 nghìn người, chiếm 22,5%; lao động dịch vụ là 17,52 triệu người, tăng 590 nghìn người, chiếm 33,2%. Qua đó cho thấy lực lao động lao động nông nghiệp đang dịch chuyển sang khu vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ và đây là sự dịch chuyển lực lượng lao động từ nông thôn ra các vùng đô thị. Với số lượng lao động khu vực phi chính thức chiếm khoảng hơn 60% lực lượng lao động, đa số người lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng lao động, thu nhập rất bấp bênh, không có bảo hiểm xã hội, chưa được tham gia tổ chức công đoàn và chưa được hưởng các khoản phụ cấp, các phúc lợi và an sinh xã hội. Lao động nhập cư phi chính thức cũng có thể coi là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội vì ngoài điều kiện làm việc và cường độ làm việc lớn, còn gặp nhiều bất lợi khi sống tại các thành phố lớn với mức phí sinh hoạt cao, điều kiện sống ở khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, không bảo đảm an ninh, điều kiện thiết yếu còn hạn chế, việc tiếp cận dịch vụ nhà trẻ, mẫu giáo còn nhiều khó khăn, bất cập...

Điều đó đặt ra vấn đề và yêu cầu lớn về an sinh xã hội đối với người lao động. An sinh xã hội giữ vai trò cần thiết đối với người lao động trong độ tuổi lao động bảo đảm ổn định thu nhập, để phòng ngừa nguy cơ rủi ro, biến cố gặp phải như bị thất nghiệp, tai nạn lao động, ốm đau, thai sản để bảo đảm cho họ một mức thu nhập tối thiểu, có một tích lũy nhất định để vượt qua khó khăn, từng bước phát triển.Trong khi thị trường lao động là nguồn chính đảm bảo an ninh thu nhập trong suốt thời gian làm việc của cá nhân, thì an sinh xã hội can thiệp, hỗ trợ, chia sẻ bằng cách duy trì ổn định thu nhập của người lao động và gia đình họ. Qua đó góp phần tạo điều kiện cho quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng, cùng với đó là bảo đảm an ninh thu nhập, an sinh xã hội cho người lao động và gia đình họ trong trường hợp thất nghiệp tạm thời qua thực hiện độ bao phủ của bảo hiểm y tế, tăng tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, cần mở rộng chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để lao động di cư phi chính thức có thể tham gia đóng và hưởng quyền lợi giống như bảo hiểm xã hội bắt buộc (thai sản, ốm đau, tai nạn lao động). Đồng thời có sự hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với các nhóm yếu thế, các hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp.

Vai trò của tổ chức công đoàn với an sinh xã hội

Điều 10 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước” trong đó đưa ra nhiệm vụ là giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân, tạo được chuyển biến thật sự mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân về nhà ở, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa, cơ sở nuôi dạy trẻ..tương xứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và những đóng góp của giai cấp công nhân; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp.

Những lợi ích bền vững của sự tăng trưởng kinh tế trong xã hội sẽ không có được nếu không có một nỗ lực phát triển xã hội hài hòa, cân bằng giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội, mà trong đó lực lượng lao động là một thành tố cấu thành quan trọng và không thể thiếu.Vì vậy trong hoạt động an sinh xã hội đó người lao động phải được lợi quyền từ sự tăng trưởng kinh tế và thấy có mình trong thành quả của quá trình phát triển kinh tế xã hội, với các hoạt động hỗ trợ, có sự tham gia, cơ hội phát triển...Hoạt động công tác xã hội của tổ chức công đoàn nhằm bảo đảm an sinh xã hội, do đó cần kế hoạch hóa hoạt động công tác xã hội để thực hiện tốt nhất hoạt động hỗ trợ, chia sẻ với người lao động.Thực hiện công tác xã hội góp phần quan trọng vào an sinh xã hội, hướng đến việc phòng ngừa những vấn đề khó khăn gặp phảicủa người lao động trong công việc và cuộc sống. Nguyên tắc phòng ngừa luôn được đặt lên hàng đầu nhằm ngăn chặn các hiện tượng gây ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động và gia đình họ, nhằm tạo ra bầu không khí, văn hóa chia sẻ lan tỏa, cộng hưởng tích cực và nhân văn.

Phát triển là một chức năng rất quan trọng trong công tác xã hội đối với người lao động.Trong các hoạt động công tác xã hộikhông chỉ quan tâm đến việc phòng ngừa và giải quyết các vấn đề xã hội mà còn đặc biệt quan tâm đến việc giải phóng con người, phát huy tiềm năng vốn có của con người nhằm thúc đẩy sự phát triển của người lao động. Làm sao để người lao động có cơ hội được lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hội nhập quốc tế. Không những là lực lượng chính tạo ra của cải, vật chất cho xã hội, mà giai cấp công nhân lao động còn là đội ngũ tin cậy của Đảng, Nhà nước ngày càng hoàn thiện theo hướng tri thức hóa nhằm mục tiêu có nhiều cán bộ, lãnh đạo, quản lýtrưởng thành từ đội ngũ công nhân lao động.

Hoạt động công tác xã hội đối với người lao động là sự giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ, điều phối, kết nối dịch vụ. Chính vì thế hoạt động công tác xã hội cần đánh giá đầy đủ các nhu cầu, nguồn lựccủa lao động. Sự đánh giá chính xác, nghiêm túc là nhân tố tiên quyết để quá trình trợ giúp đạt hiệu quả cao và bền vững.Trong tiến trình chia sẻ, trợ giúp người lao động qua nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, thiết thực. Giá trị cốt lõi của công tác xã hội với hoạt động công đoàn là nhằm trợ giúp người lao động, tạo được sự biến đổi về đời sống việc làm, thu nhập, đảm bảo các quyền cơ bản của người lao động tại nơi làm việc, điều kiện sống, nhằm đạt được sự phát triển bền vững cho người lao động, doanh nghiệp và xã hội trên cơ sở hướng đến đề cao công bằng xã hội và trách nhiệm xã hội.

Một số hoạt động hỗ trợ, chia sẻ của công đoàn các cấp

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi 2014, các cấp công đoàn đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trên 1,48 triệu đối tượng là đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách số tiền hơn 1.300 tỷ đồng, hỗ trợ trên 87 nghìn vé tàu xe cho công nhân về quê ăn tết, hàng nghìn công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động tặng quà, vui chơi, văn hóa văn nghệ cho công nhân lao động không có điều kiện về quê ăn tết…

Hoạt động an sinh xã hội được thể hiện rõ nét qua hoạt động thực hiện Nghị quyết 30a năm 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, điển hình như các đơn vị, cán bộ công nhân lao động ngành Công Thương như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và cán bộ công nhân viên tập đoàn đã đóng góp hỗ trợ 71,8 tỷ đồng cho huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên như giáo dục, y tế góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo; xóa 3.306 nhà tạm, nhà hư hỏng, xây dựng trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, đào tạo nghề. Từ năm 2010 đến nay, cán bộ, công nhân viên chức lao động Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã hỗ ủng hộ,chia sẻ, hỗ trợ trên 173 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội như hỗ trợ, sửa chữa và xây dựng 767 nhà “Mái ấm công đoàn” và nhà tình thương với tổng số tiền là 30,067 tỷ đồng. Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và Công đoàn Xăng dầu Việt Nam với sự đóng góp của cán bộ công nhân viên lao động triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là hỗ trợ huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang hơn 60 tỷ đồng để thực hiện một số chương trình trọng điểm như y tế, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa 2.600 nhà tạm, hỗ trợ gạo, tặng quà cho các hộ nghèo…

Những vấn đề tồn tại, vướng mắc của người lao động

Đa số người lao động là lao động sản xuất trực tiếp, tuổi đời trẻ, cơ bản là lao động phổ thông, trình độ chuyên môn hạn chế. Phần lớn người lao động đến từ các vùng nông thôn, miền núi, đa số lao động đang trong độ tuổi kết hôn,đang nuôi con nhỏ; điều kiện chăm sóc con, chỗ gửi trẻ gặp nhiều khó khăn.Tiền lương, thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống khó khăn, phải làm thêm giờ để tăng thu nhập; lao động nhập cư phải thuê ở trọ, điều kiện sống khu nhà trọ không đảm bảo, chưa có nhiều khu nhà ở, ký túc xá cho người lao động.Việc tham gia các hoạt động văn hóa thể thao còn rất hạn chế do điều kiện thời gian làm việc, làm thêm giờ, đa số người lao động có số tiền tích lũy ít để tiết kiệm, dự phòng rủi ro, khi bị ốm đau,tai nạn và các biến cố khác.Việc thực hiện chế độ chính sách pháp luật của nhiều doanh nghiệp đối với người lao động chưa đầy đủ và theo quy định của pháp luật...

Một số đề xuất, giải pháp về hoạt động công đoàn với an sinh xã hội

Một là, hoàn thiện, thống nhất các số liệu thống kê tổng hợp về đời sống, việc làm, thu nhập và các vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động của các cơ quan chức năng liên quan. Hình thành hệ thống dữ liệu chung, thống nhất, với số liệu thống kê chính xác, nghiêm túc để đánh giá đúng tình hình, thực trạng của người lao động để từ đó có những kế hoạch hỗ trợ, chia sẻ người lao động hiệu quả, thiết thực, đúng đối tượng, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động và đoàn viên.

Hai là, đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ, tổ chức kết nối cho người lao động tham gia các dự án phát triển cộng đồng, đặc biệt là dự án hỗ trợ công nhân lao động.Vận động, tìm các nguồn hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân cho người lao động. Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp, hướng dẫn các công đoàn cơ sở xây dựng, ký kết, bổ sung thỏa ước lao động tập thể với các điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, tham gia tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp. Thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vướng mắc khó khăn của người lao động.Tổ chức, kết nối các hoạt động văn hóa, thể thao. Động viên, quan tâm, giúp đỡ công nhân lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, gặp biến cố trong cuộc sống; trợ giúp người lao động khơi dậy tiềm năng bản thân người lao động cố gắng vươn lên trong cuộc sống cũng như công việc.

Ba là, tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức, tuyên truyền, giáo dục, cung cấp thông tin về chính sách pháp luật, văn hóa, nếp sống văn hóa. các quyền lợi liên quan trực tiếp đến người lao động cũng như kỹ năng sống, trợ giúp kết nối giúp người lao động nhập cư hòa nhập cộng đồng, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch; trợ giúp pháp lý, xây dựng mô hình câu lạc bộ công nhân nhà trọ, mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng...

Bốn là, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động đặc biệt việc tuân thủ các quy định về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động. Đánh giá, giám sát về việc thực hiện các quy định của pháp luật của doanh nghiệp, để có những đề xuất, tham vấn, kiến nghị với Nhà nước, các cấp các ngành liên quan nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động.

m là, tổ chức các hoạt động có sự hưởng ứng,tham gia tích cực của người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước.Tham vấn, đề xuất với Nhà nước,chính quyền, doanh nghiệp xây nhà ở, ký túc xá cho người lao động. Tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể cho công nhân lao động xa nhà, kết nối với các hoạt động hòa nhập xã hội tại địa phương, khu ở trọ. Vận động chủ nhà trọ, giảm giá tiền phòng cho lao động nhập cư, trợ giúp, cầu nối với các trung tâm, dịch vụ công tác xã hội, dịch vụ y tế, bệnh viện, cơ sở nuôi dạy trẻ. Đặt mục tiêu cụ thể, kế hoạch sát thực tiễn để kết nối các nguồn lực,chương trình, dự án để hỗ trợ, chia sẻ, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đoàn viên, người lao động và những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

                                                                                  Kim Sơn  (tổng hợp)