banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thực hiện tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016: Giám sát chặt để DN không “lách luật”
Cập nhật lúc 12:36 ngày 27/11/2015

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 122/2015 về tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016, rất nhiều cán bộ công đoàn (CĐ) tại các doanh nghiệp, KCN-CX cho biết đã sẵn sàng tuyên truyền, giám sát để nghị định được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ).


Tuyên truyền cho người sử dụng lao động

Những năm vừa qua, tại các KCN-CX Hà Nội, 100% các doanh nghiệp đang hoạt động đều thực hiện tốt nghị định của Chính phủ về chi trả lương tối thiểu (LTT) vùng cho NLĐ. Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của tổ chức CĐ. Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch CĐ các KCN-CX Hà Nội - chia sẻ: “Hằng năm, CĐ các KCN-CX Hà Nội đều chủ động trong việc giám sát doanh nghiệp chi trả LTT vùng cho NLĐ theo nghị định của Chính phủ. 

Theo đó, CĐ các KCN-CX Hà Nội tổ chức các cuộc tuyên truyền cho người sử dụng lao động, cán bộ CĐCS về những nội dung liên quan đến nghị định của Chính phủ, chính sách BHXH, hướng dẫn cán bộ CĐCS giám sát việc doanh nghiệp chi trả LTT”. Hiện nay tại các KCN tỉnh Hưng Yên có hơn 35.000 NLĐ, làm việc trong 195 doanh nghiệp với mức lương cơ bản khoảng 3,2 triệu đồng/người/tháng. 

Theo ông Luyện Phương Nam - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Hưng Yên - vào những dịp LTT vùng được Chính phủ điều chỉnh, CĐ các KCN tỉnh đều tổ chức các đợt tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ CĐCS, người sử dụng lao động; hướng dẫn cán bộ CĐCS tham gia xây dựng thang bảng lương tại doanh nghiệp; đưa ra những biện pháp giám sát doanh nghiệp thực hiện việc chi trả LTT và các khoản phụ cấp khác.

Chủ tịch CĐ các KCN Hà Nam Phạm Bá Tùng cho biết, khi Chính phủ ban hành nghị định về mức LTT vùng của năm tiếp theo, CĐ các KCN đều có văn bản hướng dẫn gửi tới các CĐCS để phối hợp với doanh nghiệp thực hiện tốt việc điều chỉnh LTT vùng. Qua giám sát của CĐ các KCN, những năm qua tại các KCN tỉnh Hà Nam, các doanh nghiệp đều thực hiện đúng quy định LTT vùng. CĐ các KCN tỉnh Bắc Ninh cũng hướng dẫn và chỉ đạo các CĐCS phối hợp với doanh nghiệp để điều chỉnh mức LTT vùng theo đúng quy định. 

Theo đó, các CĐCS kiến nghị doanh nghiệp cần triển khai sớm LTT vùng để tránh những trường hợp CNLĐ thấy Chính phủ có quyết định tăng mà doanh nghiệp chưa tăng nên lãn công. Những năm qua, 100% các doanh nghiệp trong KCN đều chủ động cùng CĐ điều chỉnh mức LTT, trong đó có tới 30% tăng LTT trước khi nghị định có hiệu lực. Ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Ninh - cho biết, đến nay các doanh nghiệp đều trả mức lương cao hơn so với LTT khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Vì vậy, thu nhập của nhiều công nhân trong KCN lên tới 6-7 triệu đồng/tháng, trung bình 5 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp lách luật, công đoàn cấp trên sẽ trực tiếp vào cuộc

Ông Huỳnh Tấn Tài - Chủ tịch CĐCS Cty Hong IK Vina (KCX Tân Thuận, TPHCM) - thông tin: BCH CĐ Cty sẽ giám sát, đảm bảo mức tăng đúng với mức tăng LTT Nhà nước quy định. Đặc biệt, Cty không được cắt giảm các khoản phụ cấp trước đó của CNLĐ. 

Đó là những khoản CNLĐ được hưởng, được đưa vào TƯLĐTT. Nếu Cty tùy tiện cắt giảm sẽ dẫn đến tranh chấp lao động, khi đó thiệt hại sẽ nhiều hơn. Trong tháng 12, CĐ sẽ đề nghị Cty thông báo mức tăng lương cơ bản để anh chị em CNLĐ an tâm SX. Còn tại Cty TNHH Toàn Thắng, BCH CĐ Cty sẽ tổ chức họp với ban giám đốc Cty để xác định mức tăng lương cơ bản. Theo ông Đinh Văn Giai - Chủ tịch CĐCS Cty - hiện tại mức lương cơ bản Cty đang áp dụng là 3,74 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp. Như vậy mức lương cơ bản Cty đang áp dụng cao hơn mức LTT năm 2015 là 640.000 đồng và cao hơn LTT năm 2016 240.000 đồng. 

Tuy nhiên, khi CĐ đề xuất mức tăng lương cơ bản năm 2016, mức tăng sẽ cao hoặc bằng mức tăng LTT mà Chính phủ quy định dành cho khu vực I là 400.000 đồng, đảm bảo không cắt giảm các khoản phụ cấp. Như vậy, lương cơ bản của CNLĐ Cty sẽ vào khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. Để làm được việc này, CĐ dựa vào TƯLĐTT thỏa thuận trước đó để thực hiện.

Để giám sát doanh nghiệp thực hiện Nghị định 112/2015 của Thủ tướng Chính phủ, CĐ các KCN tỉnh Hưng Yên sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cán bộ CĐCS giám sát chặt chẽ việc doanh nghiệp chi trả lương, các khoản chế độ tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong môi trường độc hại của NLĐ. Nếu cán bộ CĐCS phát hiện doanh nghiệp thực hiện cắt giảm các khoản trên để bù vào việc tăng LTT, cần phải báo ngay với CĐ cấp trên, để CĐ các KCN tỉnh Hưng Yên có biện pháp hướng dẫn đàm phán với chủ doanh nghiệp. 

Trường hợp doanh nghiệp tìm các biện pháp “lách” luật, CĐ các KCN sẽ trực tiếp vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng làm việc với doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Còn CĐ các KCN-CX Hà Nội chỉ đạo cán bộ CĐCS tham gia cùng với người sử dụng lao động xây dựng thang bảng lương; giám sát việc chi trả LTT cho NLĐ; yêu cầu người sử dụng lao động thông báo công khai việc trả lương để NLĐ nắm rõ quyền lợi của mình; đề nghị lãnh đạo Cty không được khấu trừ các khoản chế độ mà hiện nay NLĐ đang được lĩnh như tiền làm thêm giờ, phụ cấp độc hại.

Nguồn Báo Lao động