banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Hoạt động của tổ chức công đoàn JCM - Những điểm khác biệt
Cập nhật lúc 10:38 ngày 20/11/2015

Trong khuôn khổ Dự án Khảo sát lao động quốc tế do Hội đồng Công đoàn Kim khí Nhật Bản (JCM) tiến hành, ngày 10-11/11/2015, Công đoàn Công Thương Việt Nam (VUIT) và JCM đã tổ chức Hội thảo về Quan hệ lao động tại Hà Nội. Đây là lần thứ 2, VUIT và JCM phối hợp tổ chức hội thảo về người lao động.

Hội thảo đã diễn ra trong 2 ngày với những phần tranh luận sâu về nội dung hoạt động công đoàn của hai tổ chức. Từ những sự trao đổi thẳng thắn giữa hai bên, bên cạnh những điểm tương đồng dễ thấy là đều hoạt động để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, thì do khác biệt về văn hóa cũng như hệ thống chính trị, hoạt động của tổ chức công đoàn hai nước cũng có khá nhiều điểm khác biệt, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho hoạt động công đoàn của cả hai nước.

Hội thảo về Quan hệ lao động giữa CĐCTVN và JCM

Khác biệt về chính sách

Qua phần giới thiệu của VUIT, ông Kenichi Fujitomi - Phó Tổng Thư ký JCM cho rằng, hoạt động công đoàn tại Việt Nam rất qui củ khi có hẳn một luật riêng, đó là Luật Công đoàn, trong khi Nhật Bản không có Luật này. Cũng chính vì thế, tùy từng doanh nghiệp, người ta có thể dao động mức thu đoàn phí từ 1-3% lương. Trong khi ở Việt Nam, điều này qui định rõ trong Luật là đoàn phí công đoàn thu 2% lương cơ bản.

Tuy nhiên, tại Nhật Bản, trong một doanh nghiệp có thể có nhiều tổ chức công đoàn cùng hoạt động, do đó các tổ chức rất chú trọng đến các hoạt động để thu hút đoàn viên tham gia vào tổ chức mình. Ông Hiroyuki Kawamura - Công đoàn Thép Nisshin đặt câu hỏi đặc biệt quan tâm tới việc làm thế nào để người lao động quan tâm và tham gia vào tổ chức công đoàn của mình.

Về điều này, ông Hồ Phi Giao - Trưởng Ban Tổ chức VUIT cho biết, ở Việt Nam chỉ có một tổ chức công đoàn hoạt động tại doanh nghiệp, người lao động sau khi vào làm việc, sau thời gian thử việc nếu có nguyện vọng và có đơn xin gia nhập tổ chức công đoàn sẽ được kết nạp là đoàn viên công đoàn và được tổ chức công đoàn đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Xuất phát là do nền văn hóa của Việt Nam coi trọng tổ chức tập thể, từ nhỏ các em đã được giáo dục và phấn đấu tham gia các tổ chức Đội, Đoàn, lớn lên đi làm thì phấn đấu vào tổ chức Đảng, Công đoàn là các tổ chức chính trị quan trọng. Tham gia các hoạt động đoàn thể đã trở thành một nhu cầu với mỗi người lao động Việt Nam, điều đó lý giải vì sao tỉ lệ đoàn viên công đoàn trong các doanh nghiệp Việt Nam cao.

Đối với sự khác biệt như vậy, ông Giao cũng cho biết thêm, công đoàn rất chú trọng đến việc tuyên truyền đến người sử dụng lao động của các doanh nghiệp FDI, để họ hiểu thêm về văn hóa cũng như con người Việt Nam, để cùng hợp tác với tổ chức công đoàn, tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động vì lợi ích chung là ổn định tư tưởng người lao động, vì sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. Về điều này, ông Fujitomi cũng cho biết, JCM đều có hỗ trợ cho các đơn vị tìm hiểu về văn hóa và con người Việt Nam trước khi các đơn vị này tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Ông Takao Sato - Giám đốc Văn phòng quốc tế, Liên đoàn Ô tô Nhật Bản đề nghị phía Việt Nam nên có những hỗ trợ tương tự cho các doanh nghiệp khi đầu tư, làm ăn tại Nhật Bản và cả những lao động đi xuất khẩu sang đất nước này để có sự hiểu biết lẫn nhau, ứng xử cho phù hợp. Làm sao để không nảy sinh mâu thuẫn vì thiếu hiểu biết.

Khác biệt trong đối thoại

Trong phần trao đổi về công tác đối thoại của hai nước, Luật Việt Nam qui định rõ ràng về việc ít nhất 90 ngày, doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại cho người lao động một lần. Đối với Nhật thì không có qui định bắt buộc này. Tuy nhiên, người lao động có thể trao đổi các khó khăn, vướng mắc của mình với cán bộ công đoàn tại cơ sở mình làm việc, từ đó cán bộ công đoàn sẽ phản ánh lên ban chấp hành công đoàn để giải quyết ngay. Những gì còn tồn đọng thường được tập trung đề xuất giải quyết trong cuộc “đấu tranh mùa xuân”.

Sở dĩ người Nhật gọi đây là cuộc “đấu tranh mùa xuân” là bởi vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 là kết thúc năm tài chính của Nhật. Đây là khoảng thời gian các tổ chức công đoàn sẽ làm việc với chủ sử dụng lao động để đặt ra các yêu cầu về tăng lương, quyền lợi cho người lao động căn cứ trên kết quả tăng trưởng của doanh nghiệp. Nhìn bên ngoài, nó có vẻ giống như Hội nghị người lao động của Việt Nam, nhưng thực chất không phải là như vậy. Bởi nếu như Hội nghị người lao động của Việt Nam có nhiều thành phần, thì cuộc “đấu tranh mùa xuân” của Nhật chỉ có đại diện người lao động là tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động. Và vì trong một doanh nghiệp Nhật có nhiều tổ chức công đoàn khác nhau nên chủ sử dụng lao động cũng sẽ đàm phán riêng với từng tổ chức công đoàn, nhưng trên cơ sở bình đẳng công bằng giữa các tổ chức công đoàn trong cùng doanh nghiệp.

Khác với hoạt động công đoàn của Việt Nam, cán bộ công đoàn của Nhật không hưởng lương của chủ sử dụng lao động mà hưởng lương từ đoàn phí của các đoàn viên. Mọi hoạt động của tổ chức công đoàn đều trích từ quỹ của đoàn viên, do đó, có thể nói, hoạt động của tổ chức công đoàn là hoạt động đối kháng và không quan tâm tới chính trị.

Khác với Nhật, hoạt động công đoàn của Việt Nam bên cạnh việc sử dụng đoàn phí công đoàn để hoạt động, một số chương trình hoạt động còn được người sử dụng lao động hỗ trợ, tạo điều kiện. Vì vậy, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, tổ chức công đoàn có thể tuyên truyền để người lao động cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tạm gác những quyền lợi sang một bên, cùng nhau thúc đẩy sản xuất, đợi khi doanh nghiệp có lợi nhuận mới đòi hỏi quyền lợi. Đây cũng là kinh nghiệm được chia sẻ từ ông Nguyễn Huy Thông - Chánh văn phòng Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam. Ông Thông quan tâm việc đó ở Nhật Bản được xử lý như thế nào?

Về phía Nhật, việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp cũng có sự khác biệt. Trong cuộc “đấu tranh mùa xuân”, dù doanh nghiệp khó khăn hay thuận lợi, công đoàn cũng đều có những đòi hỏi riêng cho người lao động. Ông Akihiro Kataishi - Công đoàn Điện tử Nhật cho biết, mỗi người lao động đều đã làm việc hết sức, vì thế nếu muốn họ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thì phải có những con số cụ thể như GDP, CPI, tăng trưởng việc làm… Công đoàn sẽ xem xét từng đơn vị có khả năng chi trả đến mức nào. Nếu doanh nghiệp vẫn không thể đáp ứng được thì phải nói rõ lý do với tổ chức công đoàn. Về phía công đoàn, nếu xét thấy doanh nghiệp thực sự khó khăn, chưa thể đáp ứng các yêu cầu vào thời điểm đó thì phải qui định thời hạn mới phải thương lượng để tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo mức lương phải được tăng hàng năm. Cả hai bên đều phải biết lắng nghe ý kiến để linh hoạt trong việc thương lượng, đạt được các mục tiêu đặt ra của cuộc “đấu tranh mùa xuân”.

Khác biệt trong chăm lo người lao động

Trong phiên tham luận của ngày họp thứ hai Hội thảo về Quan hệ lao động, ông Yoichi Oshima - Liên đoàn Lao động NEC đặc biệt ấn tượng bởi món quà nhỏ mà Ban tổ chức VUIT dành cho ông tối hôm trước nhân dịp sinh nhật. Sau khi nghe các công đoàn ngành thuộc VUIT báo cáo và biết đây là một nét văn hóa trong hoạt động công đoàn ngành Công Thương, ông Oshima đã rất xúc động và muốn tìm hiểu thêm về hoạt động công tác xã hội của công đoàn ngành Công Thương như cơ chế hoạt động như thế nào, nguồn kinh phí lấy ở đâu. Để giải thích những băn khoăn của bạn, ông Nguyễn Xinh - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Giấy và Bột giấy cho biết, tại Việt Nam, do đặc thù người Việt Nam là nhà ở gần nơi làm việc nên rất được quan tâm, tạo điều kiện. Riêng ngành Giấy có nhiều lâm trường trồng rừng ở vùng sâu, vùng xa, người lao động rất khó khăn, nhà cửa tạm bợ, công đoàn đã hỗ trợ một phần tiền để giúp họ xây nhà ở gọi là “mái ấm công đoàn”. Kinh phí được huy động từ hai nguồn, một phần từ nguồn quỹ của công đoàn, một phần là kêu gọi người lao động đóng góp từ 1-2 ngày lương để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình với tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”. Ngoài ra, Việt Nam còn có Tháng công nhân là tháng 5, các tổ chức công đoàn đều có các hoạt động chăm lo cho đời sống người lao động nghèo bằng các hình thức cụ thể, góp phần quan trọng để người lao động tin tưởng, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Chia sẻ điều này, ông Oshima cho biết, tại Nhật rất ít khi có chuyện đến thăm người lao động. Đôi khi sinh nhật của bạn, nhưng vợ hoặc chồng của bạn lại được chúc mừng, bởi người Nhật quan niệm, bạn có thành công là nhờ sự chia sẻ, hy sinh của nửa còn lại, nên họ xứng đáng được nhận lời cảm ơn của doanh nghiệp. Hay có doanh nghiệp thì áp dụng bạn có thể nghỉ bất kỳ ngày nào trong năm để đi nghỉ cùng gia đình bù cho ngày sinh nhật, hoặc ngày đó được về sớm với gia đình... Nhật không có ngày kỷ niệm cho phụ nữ như Việt Nam, nhưng vào ngày quốc tế phụ nữ 8-3, công đoàn có thể tổ chức các cuộc biểu tình qui mô lớn để đưa ra những yêu cầu. Tuy nhiên, người Nhật vẫn giữ quan niệm đàn ông đi làm, đàn bà ở nhà lo chu toàn nhà cửa, do vậy, các cơ hội cho lao động nữ thường rất ít và khi có giao phó thì cũng không nhiều phụ nữ mặn mà muốn nhận và phấn đấu.

Một khía cạnh nữa cũng được các đại biểu tham gia Hội thảo bàn luận sôi nổi là vấn đề làm thêm giờ. Ông Kenichi Fujitomi cho biết, Nhật qui định việc làm thêm giờ không quá 700h/năm (thời gian làm việc chính thức 40h/tuần), tiền làm thêm giờ không cao, bởi mục tiêu làm thêm giờ của người Nhật không xuất phát từ mong muốn tăng thu nhập mà do văn hóa của  người Nhật luôn cố làm hết việc trong ngày, mặc dù họ không thích và Chính phủ cũng không khuyến khích làm thêm giờ.  Còn ở Việt Nam, tuy qui định người lao động không được làm thêm quá 200 h/năm, nhưng thực chất, giờ làm việc chính thức là 48h/tuần, nên về thời gian làm việc là như nhau. Nhưng sự khác nhau cơ bản là do thu nhập thấp nên người lao động có động lực làm thêm giờ để nâng cao thu nhập, do đó, tổ chức công đoàn coi việc làm thêm giờ là cưỡng bức.

Qua hai ngày thảo luận sôi nổi, cả VUIT và JCM đều rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn của hai nước. Thay mặt đoàn công tác của JCM, ông Kenichi Fujitomi - Phó Tổng Thư ký JCM cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của VUIT, cũng như thành công của cuộc Hội thảo. Đồng thời mong muốn tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức, tạo điều kiện để cán bộ công đoàn hai tổ chức được giao lưu, học hỏi, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong hoạt động công đoàn của hai nước.

Ông Takanori Minami - Liên đoàn Ô tô Daihatsu: Có nhiều hình thức để thu hút người lao động tham gia công đoàn   

Để quan hệ lao động được hài hòa thì cần nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn. Trong mọi mối quan hệ, thành phần quan trọng nhất là con người, tức là cần tập trung tăng cường quan hệ giữa người và người. Tổ chức công đoàn phải tạo dựng được niềm tin để người lao động có thể trao đổi thẳng thắn và tin cậy những khó khăn, vướng mắc của mình. Từ đó, tăng cường liên kết giữa lao động và người sử dụng lao động, nâng cao chính sách phúc lợi qua các cuộc đối thoại giữa người lao động và sử dụng lao động.

Để gây sự chú ý với người lao động, nhằm thu hút người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn của mình, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa thể thao, giải trí cho người lao động. Tổ chức các chuyến tham quan, dã ngoại, bóng chày, tour đi trong ngày đến cơ sở… nhằm tạo dựng mối liên kết giữa các thành viên công đoàn, cũng như gia đình đoàn viên được giao lưu với nhau.

Khi Luật sử dụng người cao tuổi được áp dụng, công ty chúng tôi phải tăng cường sử dụng người có tuổi vào làm việc, công đoàn đã làm một cuộc khảo sát, để thấy họ chưa nhìn thấy rõ làm đoàn viên công đoàn thì lợi ích thế nào nên chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền phù hợp với từng lứa tuổi.

Mặc dù Nhật Bản vẫn chú trọng nam giới, nhưng cũng có những người phụ nữ muốn có cơ hội thử sức, nhiều người có động thái tương đối tích cực với hoạt động công đoàn, nên chúng tôi cần sự chia sẻ, nhận thức của nam với vai trò của nữ, mục tiêu để những năm tới có thêm phụ nữ trong Ban chấp hành công đoàn. 

Ông Watanabe Kenichi - Liên đoàn Dây điện Showa: Liên tục khảo sát để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người lao động 

Chúng tôi luôn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu như thi nấu ăn, thi bowlling, dã ngoại với gia đình đoàn viên công đoàn để người lao động hiểu biết về tổ chức công đoàn của mình và tự nguyện tham gia.

Chúng tôi chia hoạt động của các tháng theo từng chủ đề, ví dụ như lấy tháng 1,2 để chuẩn bị nội dung cho các kỳ “đấu tranh mùa xuân”; tháng 5 là tháng đẩy mạnh phong trào bình đẳng nam – nữ; tháng 10 khuyến khích các đoàn viên sử dụng hết ngày phép năm để tái tạo sức lao động; tháng 11, 12 phát động tăng cường an toàn vệ sinh lao động. Mỗi chủ đề lại được thiết kế thành các tờ rơi dán tại nơi làm việc để khuyến khích tất cả mọi người tham gia. Thậm chí, chúng tôi còn làm bảng thống kê nghỉ phép để có các biện pháp khuyến khích người lao động nghỉ phép.

Bên cạnh đó, chúng tôi định kỳ tiến hành các cuộc khảo sát để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, đặc biệt là các chế độ liên quan đến quãng thời gian sau nghỉ hưu. Từ đó, tổ chức các hội thảo về cách thức thiết kế cuộc sống khi nghỉ hưu, chia sẻ kinh nghiệm quản lý tiền lương hưu, theo dõi sức khỏe, BHXH với người nghỉ hưu, nhằm trang bị kiến thức cho người sắp nghỉ hưu tạo dựng cuộc sống mới.

Ngoài ra, 3 tháng một lần, Công đoàn xuất bản bản tin hoạt động với nhiều chủ đề phong phú, đa dạng nhằm thu hút thêm nhiều người lao động quan tâm, tham gia hoạt động công đoàn. Để nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn, chúng tôi còn liên tục tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng thuyết trình để sẵn sàng đối thoại trực tiếp với người lao động tại cơ sở, giải quyết ngay mọi vướng mắc của người lao động. 

 Hồ Nga