banner2019
 
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Bình đẳng giới ở Việt Nam
Cập nhật lúc 03:37 ngày 02/07/2015

Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Ngay từ những năm đầu thành lập, trong bản Nghị quyết Trung ương toàn thể hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10 năm 1930) về công tác vận động phụ nữ đã nhận định “Phải làm cho quần chúng phụ nữ lao khổ tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng của công nông, đó là điều cốt yếu nhất, nếu phụ nữ đứng ngoài cuộc đấu tranh cách mạng của công nông thì sẽ không bao giờ đạt mục đích giải phóng phụ nữ được”.


Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, Đảng ta đã khẳng định: Trong một nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến như Việt Nam, người phụ nữ chịu hai tầng áp bức (áp bức của thực dân, áp bức của phong kiến), lại thêm sự phân biệt trọng nam khinh nữ, do vậy, con đường giải phóng phụ nữ không thể tách rời sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1946), quan điểm bình đẳng nam nữ đã được ghi tại Điều 9 “Đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện”, đánh dấu bước ngoặt quan trọng về quan điểm bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nam nữ. Các văn bản Hiến pháp tiếp theo đó (1959, 1980,1992) đều kế thừa quan điểm bình đẳng nam nữ có từ Hiến pháp 1946. Điều này đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện quyền bình đẳng giới trong xã hội Việt Nam. Rõ ràng, vào thời điểm nước nhà mới giành được độc lập, Việt Nam chưa có “phong trào nữ quyền” theo các mục tiêu, đường lối như các phong trào nữ quyền của các nước phương Tây. Mặc dù vậy, người phụ nữ Việt Nam đã có được quyền công dân ngay khi đất nước được độc lập, trong đó có quyền bầu cử. Đây là một minh chứng hùng hồn cho thấy địa vị xã hội của người phụ nữ Việt Nam, có được sự bình đẳng với nam giới là nhờ thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp mang lại.

Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết và Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Nhờ vậy, “phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và trong gia đình ngày càng được cải thiện. Bình đẳng giới ở Việt Nam được Liên hiệp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. (NQ 11/NQTW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH).

Dù trong xã hội truyền thống hay hiện đại, tuỳ thuộc vào những yếu tố phát triển của chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo mà người phụ nữ ở các nước khác nhau có được địa vị cao hay thấp trong đời sống gia đình và xã hội. Bình đẳng giới ở nước ta trong xã hội hiện đại và nhất là trong thời kỳ đổi mới đất nước bắt nguồn từ nhân tố quyết định là chính sách, quan điểm của Đảng về giới. Điều đó giải thích vì sao cũng vào những năm đầu của thế kỷ XXI, ở một số quốc gia phụ nữ có địa vị bình đẳng với nam giới trong khi nhiều quốc gia thì ngược lại, địa vị của phụ nữ vấn thấp kém nhiều so với nam giới.

Khánh Nam