banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Vai trò của công đoàn cơ sở trong việc nâng cao năng suất lao động
Cập nhật lúc 10:53 ngày 30/10/2015

Tiền lương và năng suất lao động (NSLĐ) là mối quan hệ giữa tiêu dùng và sản xuất trong một nền kinh tế, cũng là mối quan hệ giữa làm và ăn, cống hiến và hưởng thụ của người lao động trong một doanh nghiệp. Giữa tiền lương, thu nhập và NSLĐ có một điểm gắn kết như sợi dây ràng buộc, đó là quá trình lao động.

Mối quan hệ giữa năng suất lao động và tiền lương

Thông thường NSLĐ càng cao thì người lao động được trả lương cao hơn, vì chi phí tiền lương được tính trong giá thành sản phẩm. Trong thực tế, tiền lương được tính thông qua số lượng sản phẩm và đơn giá tiền lương. Tuy nhiên, NSLĐ cá nhân chỉ là một bộ phận của NSLĐ xã hội, bởi NSLĐ cá nhân còn là thành quả của quá trình đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, do đó tốc độ tăng tiền lương phải nhỏ hơn tốc độ tăng NSLĐ. Tức là không phải toàn bộ giá trị do người lao động tạo ra được chuyển vào tiền lương mà còn dành cho khấu hao tài sản cố định, tích lũy để tái đầu tư, đảm bảo tính cạnh tranh trong kinh tế thị trường.

Căn cứ vào số lượng, chất lượng công việc được giao mà người lao động đã hoàn thành, người sử dụng lao động tính toán chi trả cho họ theo quy định của pháp luật và sự thỏa thuận dựa trên nguyên tắc cung cầu của thị trường lao động. Ngược lại, tiền lương cũng tác động trở lại đối với NSLĐ. Tiền lương chính là giá cả sức lao động, là hình thức biểu hiện bằng tiền giá trị sức lao động, dùng để mua sắm các tư liệu sinh hoạt nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất, tinh thần cho người lao động và gia đình đủ để tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng sức lao động. Nếu được thỏa mãn người lao động sẵn sàng làm việc hết sức mình để đưa NSLĐ lên cao.

Tiền lương còn là công cụ kinh tế quan trọng trong quản lý lao động, người sử dụng lao động dùng công cụ này (lương và các khoản phụ cấp, hỗ trợ, thưởng) để kích thích thái độ làm việc, do đó tiền lương, thu nhập là một nhân tố mạnh mẽ để tăng NSLĐ. Đối với người lao động, tiền lương là khoản thu nhập chính từ làm việc, để tiền lương ngày càng cao họ phải sáng tạo và tích cực để tăng NSLĐ.

Giải pháp tăng năng suất lao động của doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp

-  Cần nâng cao nhận thức về  vai trò của NSLĐ vì NSLĐ là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động. Cần tăng cường công tác giáo dục nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động, xây dựng tác phong làm việc của người lao động.

-  Rà soát chính sách, biện pháp sử dụng, quản lý nguồn nhân lực; chính sách đào tạo, tuyển dụng, thăng tiến, tạo điều kiện để người lao động có cơ hội học tập và phát triển; chính sách tiền lương phù hợp, coi tiền lương thực sự là đòn bẩy kinh tế thúc đẩy tăng NSLĐ.

-  Đánh giá trình độ khoa học, công nghệ và tổ chức sản xuất để từ đó có giải pháp đầu tư vốn, nâng cao trình độ khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với năng lực tài chính và khả năng thu hồi, chi trả vốn đầu tư, bố trí nguồn lực công nghệ thích hợp.

- Coi trọng quản trị doanh nghiệp, bố trí và tổ chức sản xuất hiệu quả. Đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ; lựa chọn được những thành viên có đủ tài, đủ tầm và có tâm với công việc; chú trọng đào tạo và đào tạo lại nâng cao năng lực lãnh đạo, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với từng vị trí công việc.

- Tích cực cải thiện điều kiện làm việc, chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với công đoàn cơ sở động viên người lao động thực hành tiết kiệm, chấp hành kỷ luật lao động; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

- Tham gia đối thoại với chính quyền, hiệp hội doanh nghiệp để góp ý xây dựng cơ chế chính sách trong việc quy hoạch và phát triển doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế trong quá trình hoạt động. Tham gia vào chuỗi liên kết doanh nghiệp, cụm doanh nghiệp cùng lĩnh vực ngành nghề, nhằm phát huy lợi thế trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng lao động.

Đối với người lao động

- Tích cực học tập nâng cao trình độ tay nghề, đáp ứng với công việc và nhiệm vụ được giao. Nhanh chóng tiếp cận và làm chủ khoa học, công nghệ để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Chấp hành tốt các quy định của pháp luật, quy chế, nội quy quy định của doanh nghiệp, coi trọng rèn luyện tác phong công nghiệp, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, bảo vệ tài sản trang thiết bị được giao.

- Chia sẻ kinh nghiệm để sản phẩm sản xuất ngày càng nhiều và chất lượng ngày càng cao.

- Phát huy sáng kiến, khắc phục những hạn chế của trang thiết bị, góp phần tiết kiệm nhân công, nguyên liệu, tăng NSLĐ.

 Vai trò của công đoàn cơ sở trong việc nâng cao năng suất lao động

- Phối hợp với người sử dụng lao động phát động, tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm.

- Tham gia chính sách tiền lương, tiền thưởng, xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động, chế độ phân phối lợi nhuận hợp lý nhằm động viên khuyến khích người lao động hăng hái, sáng tạo tạo ra nhiều sản phầm và gia trị gia tăng cao.

- Giáo dục, người lao động có ý thức chấp hành tốt kỷ luật lao động, rèn luyện tác phong công nghiệp, học tập nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề, làm việc với năng suất chất lượng và hiệu quả cao.

- Tham gia thương lượng về tiền lương, xây dựng và ký kết TƯLĐTT với những điều khoản có lợi cho người lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Phối hợp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc xây dựng môi trường làm việc an toàn, thân thiện.    

Gia Hưng